Muối ăn ở buôn làng Tây Nguyên xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước kia, ở vùng cao, muối ăn rất khan hiếm và rất đắt nên không phải ai cũng có tiền mua. Một vốc muối thời bấy giờ có giá bằng một con gà, còn một gùi muối nhỏ có thể đổi được một con trâu lớn. Chính vì vậy, muối được cất giữ như của hiếm trong nhà. 
Muối tro từ núi rừng
Thời xa xưa, đồng bào miền núi đã có cách làm muối tro. Hằng năm, sau khi thu hoạch lúa mùa, đồng bào thường nghỉ ngơi 1 tháng. Thời điểm này, họ thường rủ nhau đi rừng, đi suối kiếm cá phơi khô hoặc vào rừng làm muối tro để dành ăn cả năm. Bà con đến rừng le hoặc lồ ô, chọn những cây non vừa 1 năm tuổi hạ xuống, bỏ phần gốc, ngọn và lá, đoạn thành từng khúc, chất đống rồi nhóm lửa đốt cho cháy trụi thành tro. Chờ cho đống tro thật nguội, bà con đem bỏ vào chiếc gùi có lót lớp lá chuối tươi và bảo quản thật cẩn thận để dành ăn cả năm.
Khi nấu ăn, bà con lấy một bát muối tro đổ vào ống tre có đục lỗ nhỏ li ti nơi đáy. Sau đó đổ nước lã vào ống đựng tro cho nước tro rỉ ra từ lỗ phía dưới đáy ống thì chờ lấy nước tro lọc cho thật trong. Nước tro có vị mặn như muối nên đồng bào dùng để nêm và nấu thức ăn.
Chuyện làm muối tro thời trước từng được nhà văn Nguyên Ngọc nhắc đến trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”. Trong tác phẩm, Anh hùng Núp cũng đã từng cùng bà con dân làng vào rừng đốt cỏ tranh, nứa, lồ ô để lấy muối tro về ăn thay muối trong những ngày kháng chiến đói cơm lạt muối. Muối tro cũng dùng để hầm xương, da trâu, da bò cho mau chín rục hay dùng nấu canh ăn để xổ giun, sán. Đặc biệt, đồng bào thường dùng nguyên liệu này để đánh nước nhuộm chỉ dệt vải. Khi nấu lá cây, rễ cây để chế biến thuốc nhuộm vải, họ bỏ ít muối tro vào làm cho dung dịch thuốc nhuộm thêm sánh màu. 
Voi là phương tiện vận chuyển giúp đồng bào miền núi đi xa buôn bán, trao đổi, hình thành “con đường muối”. Ảnh: Jean-Marie Duchange
Voi là phương tiện vận chuyển giúp đồng bào miền núi đi xa buôn bán, trao đổi, hình thành “con đường muối”. Ảnh: Jean-Marie Duchange
Hạt muối ăn mặn mà từ biển
Các dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Kô ở các tỉnh miền Trung Việt Nam có mối quan hệ thân thiết với những người đồng tộc đang sinh sống tại nước bạn Lào. Họ thường cùng nhau trao đổi, buôn bán lâm thổ sản, vải vóc, nhạc cụ như cồng chiêng, mắm muối... Trong quá khứ đã từng hình thành, tồn tại “con đường muối” từ đồng bằng lên vùng núi cao-nơi cư trú của các dân tộc trên dải Trường Sơn, Bắc Tây Nguyên và xuyên tận qua Lào.
Đồng bào Tây Nguyên xưa kia thường dùng voi nhà vượt núi xuyên rừng dài ngày đến vùng giáp ranh hay đến các chợ vùng thấp để mua các vật dụng, nhu yếu phẩm, đặc biệt là muối ăn. Những chuyến đi buôn bán, trao đổi dài ngày, ngủ đường, ngủ ở làng buôn lạ nhiều đêm được nói đến trong thơ ca dân gian của người M’Nông: “Du năng bich tâm bon Rđê/be năng bích tâm bon Mbuăn/Puăn năng bich tâm bon Bukok/P oh năng bich Bon Briăng Vai”(Tạm dịch: “Một đêm ngủ tại bon Êđê/Ba đêm ngủ tại bon Mbuăn/Bốn đếm ngủ tại bon Bukok/Bảy đêm ngủ tại Bon Briăng”).
Vì là mặt hàng quý hiếm nên muối ăn được bà con để dành ăn dần, sử dụng một cách dè xẻn. Muối còn dùng để trao đổi lương thực, thực phẩm, vật nuôi, đồ dùng, nhu yếu phẩm trong nội bộ dân tộc và các làng lân cận.
Có nhiều cách bảo quản, chế biến muối. Khi mua về, họ lấy chiếc gùi nhỏ, bên trong lót lớp lá rồi đổ muối vào gùi. Họ còn chế thêm nước cơm cho muối tan chảy ra và kết dính vào nhau. Sau đó gùi muối được treo lên giàn bếp cho khô ráo. Để lâu ngày muối khô đóng thành một cục to, muốn lấy ăn phải dùng vật cứng cào muối rồi hốt ra từng nắm để ăn.
Cách bảo quản này giúp tiết kiệm muối, bảo quản được lâu ngày. Mỗi gùi muối gia đình ăn được vài năm, khi nào hết mới mua lại. Quý hiếm là vậy nhưng thời chiến, đồng bào vẫn san sẻ muối ăn cho bữa ăn của bộ đội, cán bộ ở vùng căn cứ cách mạng. 
Từ chỗ là gia vị chính hiệu núi rừng, sau này muối tro được thay thế bằng muối ăn từ vùng biển do người Kinh mang lên trao đổi, buôn bán. Vị mặn của muối thấm sâu trong văn hóa tộc người, hình thành nên những tập tục, ứng xử, nghệ thuật ẩm thực, những phong vị của đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

(GLO)- Việc tìm thấy kim loại sắt đã giúp loài người tiến một bước dài trong lịch sử. Cũng vì thế mà người chế tác sắt-thợ rèn được nhiều tộc người trên thế giới tôn vinh. Riêng với người Tây Nguyên, thợ rèn được coi là người sáng thế, người tạo ra con người.
Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

(GLO)- Hàng năm, cứ đến ngày 28-5 âm lịch, dân làng Phú Cần xưa (nay thuộc thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) lại tập trung về ngôi đền thờ tiền hiền của làng để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công xây dựng, phát triển làng xã.
Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

(GLO)- Khởi đi từ đời sống, nghệ thuật dân gian chạm vào đời sống và có sức sống bền lâu. Điều đó thêm một lần thể hiện tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024 qua phần trình diễn của các nghệ sĩ “chân đất”.
Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

(GLO)- Các nghệ nhân ưu tú trong cộng đồng Bahnar, Jrai đã cùng gặp nhau tại phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) để truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận. Thay đổi không gian thực hành quen thuộc nhưng các nghệ nhân và truyền nhân vẫn đầy đam mê, luôn giữ lửa tình yêu với văn hóa dân tộc.
Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước hay còn gọi là lễ cúng bến hồ là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc M’nông huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Hoa tai bạc của người Bahnar

Hoa tai bạc của người Bahnar

(GLO)- Hoa tai bạc hay ngà voi là trang sức đặc trưng của phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro. Nếu hoa tai ngà voi gần như biến mất cùng với tục căng tai thì hoa tai bạc vẫn tồn tại trong đời sống của người Bahnar như một tiêu chí của cái đẹp, của truyền thống văn hóa.
Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Trước ngày tổ chức lễ cúng sức khỏe, người dân trong buôn cùng nhau góp một ít gạo cho chủ nhà nấu rượu phục vụ lễ cúng. Qua đó, thể hiện sự gắn kết, sẻ chia trong cuộc sống, tình đoàn kết cộng đồng dân tộc.