Mùa thiên di của người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi những cơn mưa dầm của tháng 11 dần tắt, gió chướng bắt đầu thổi về, mang cái hanh khô, se sắt phủ tràn lên những bạt ngàn cà phê chín đỏ, đó là khi đoàn người thiên di từ khắp các ngả quê đổ về Tây Nguyên. Dù đã nhiều lần đến Tây Nguyên vào mùa gió chướng, gặp những đoàn người thiên di mùa cà phê chín, nhưng tôi vẫn có cảm xúc khó nói hết thành lời…

Có hẹn với mùa cà phê

Những ngày này, các bến xe ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông nhộn nhịp người từ miền Trung, miền Tây kéo nhau lên. Những chuyến xe nườm nượp chở theo từng đoàn người đi tìm việc, ba lô kĩu kịt trên lưng, nồi xoong, chén bát loảng xoảng bên hông.

Công việc hái cà phê thuê giúp họ có thể kiếm được 1 triệu đồng/ngày

Công việc hái cà phê thuê giúp họ có thể kiếm được 1 triệu đồng/ngày

Người dân Tây Nguyên ở dọc Quốc lộ 14, nơi các ngã ba, ngã tư, lối rẽ vào các huyện, xã... đã quá quen thuộc với cảnh này. Cứ thấy ai đi lơ ngơ, lững thững, lếch thếch với ba lô trên vai thì đích thị là những người đi tìm rẫy cần người hái cà phê thuê.

Chuyến xe chiều muộn đổ người tại Ngã ba đồi thông (huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đắk Nông) có gia đình anh Nguyễn Văn Quyền và hơn 10 người cùng quê Quảng Ngãi vào hái cà phê thuê tại khu vực xã Đắk Wer (Đắk Rlấp). Đoàn người chia làm ba nhóm, rẽ vào ba rẫy cà phê khác nhau để làm việc. Tại mỗi vườn cà phê, chủ nhà đã làm sẵn một cái lán nhỏ để người làm tự túc việc ăn ở. Thù lao hái cà phê được tính khoán với giá 1.000 -1.200 đồng/kg cà phê tươi. Cứ hết ngày thì cân lên, ai hái được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.

Năm nay, anh Quyền dẫn theo cả vợ và đứa con trai 17 tuổi vào Tây Nguyên. Gia đình nhận được một rẫy cà phê diện tích 3,5ha. Nếu thời tiết thuận lợi, không có mưa bão thì ba lao động sẽ hái khoảng ngoài 20 ngày là xong. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, năm nay mùa mưa kéo dài. Đất đỏ bazan dính mưa là bết vào, trơn như đổ mỡ, người hái cà phê gặp nhiều khó khăn. Anh Quyền kể: “Khi mưa tạnh, chúng tôi phải bỏ giày ra đi chân trần vì đất bết vào giày nặng không lê nổi; rẫy cà phê có độ dốc cao, đi chân đất để bấm đốt khỏi trơn té. Chẳng may ngã một cái thì lăn như củ khoai củ sắn xuống tận chân đồi, không biết điều gì sẽ xảy ra”.

Ấy vậy nhưng qua gần chục mùa cà phê, anh Quyền đã quá quen thuộc với cảnh lao động này. Anh hướng dẫn vợ con những kỹ năng cơ bản để không bị trơn trượt, té ngã khi di chuyển hoặc kéo bạt. Năm nay cà phê được giá, hiện đang dao động từ 12.000 -13.000 đồng/kg cà phê tươi. Mỗi ngày, trung bình gia đình anh Quyền hái được khoảng 1 tấn, thu về trên 1 triệu đồng. Số tiền ấy anh Quyền gửi chủ vườn, khi nào hái xong thì nhận một thể.

Làm việc tối ngày trong rẫy, việc ăn uống cũng rất tạm bợ và gần như không mất tiền cho khoản chi tiêu bên ngoài. “Chúng tôi tính toán rất kỹ lưỡng. Hái một vườn hết 20 ngày thì chúng tôi chuẩn bị đủ từng ấy gạo, vài cân cá khô, vài quả bầu bí, ít lạc rang muối mà không cần phải bỏ công ra hàng quán mua sắm thêm. Mình đi làm thuê, tiết kiệm được đồng nào tốt đồng đó. Tôi còn hai cháu nhỏ ở nhà, còn cha mẹ già nữa”, anh Quyền bộc bạch.

Tháng 11 đang trôi về cuối, gió chướng mạnh dần lên kéo theo cái hanh khô rét mướt. Đôi bàn tay chị Thanh, vợ anh Quyền nứt toác ra, rớm máu. Khuôn mặt của chị dù bịt nhiều lớp vải vẫn khô rám và xám ngoét. Lạ lẫm nhất là cậu con trai, lần đầu tiên theo bố mẹ đi hái cà phê cứ ngơ ngáo, dáo dác nhìn ngó. Mấy ngày đầu tiên lạ nước nên cậu không ngủ được, người mệt lả đi. Anh Quyền thương con cho ở lán nghỉ ngơi, đến bữa thì nấu cơm cho bố mẹ. Lần này thử sức xem, nếu không làm được thì phải gửi về quê. Không ngờ, nó thương bố mẹ, quyết tâm ở lại và trở thành một bờ vai lực lưỡng kéo bạt, khuân vác những bao cà phê nặng trĩu.

Bên quả đồi cà phê cách chỗ anh Quyền một con suối là vợ chồng chị Lê Thị Tâm từ huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) lên. Ngay từ đầu tháng, vợ chồng chị Tâm đã chạy xe máy từ huyện Đắk Song tới Đắk Rlấp, Tuy Đức (Đắk Nông). Năm nay cà phê chín muộn nên vợ chồng chị Tâm chạy một ngày không có nơi nào nhận. Họ xin ở nhờ nhà người quen một đêm, hôm sau lại ra cây xăng và ngã ba chợ ngồi ngóng. Cuối cùng, một chủ vườn ở Tuy Đức nhận hai vợ chồng, nhưng phải một tuần sau cà phê chín rộ mới hái được.

Bữa cơm sum vầy giữa rẫy cà phê của người thiên di

Bữa cơm sum vầy giữa rẫy cà phê của người thiên di

Chị Tâm bàn với chồng ở lại chờ việc mà không quay trở về Đắk Lắk nữa. Một tuần thất nghiệp, vợ chồng chị Tâm chỉ dám ăn cơm với rau dại, mít kho. Khi công việc vào mùa, họ lao vào làm lụng như con thiêu thân, mỗi ngày hai vợ chồng kiếm được ngót 1 triệu. Giữa những đợt gió thốc vào vạt cà phê, xô tổ kiến vàng tan tác chạy loạn khắp trên đầu, trên cổ của chị Tâm, anh Hùng chồng chị, nhưng chẳng ai quan tâm để bắt chúng. Đôi tay vẫn thoăn thoắt lượm cà phê, chưa từng ngẩng đầu lên nhìn trời, chị Tâm nói trong lớp khẩu trang kín: “Đây là cơ hội hiếm hoi trong năm để kiếm tiền, vì mùa cà phê chỉ diễn ra hai tháng là hết. Đây cũng là mùa Tết của chúng tôi, không có những đồng tiền này thì bọn trẻ chẳng có áo mới, bánh chưng năm nay không có thịt”.

Trời có thể mưa, có thể nắng, có thể lạnh nhưng không ngăn nổi ý chí lao động của đoàn người thiên di đi tìm cà phê. Trong cái buốt lạnh và nhọc nhằn trên triền đồi cà phê, họ cuộn mình vào đó, lặng thầm lao động mà không ngừng khao khát về một cuộc sống no đủ cho ngày rộng tháng dài phía trước.

Chỉ còn vài luống nữa là hết vườn cà phê đầu tiên, cũng qua đi 25 ngày trú ngụ trong núi, gia đình anh Quyền sẽ làm bữa cơm “rửa bạt”. Đây là kiểu liên hoan mà người hái thuê thường hay làm để kết thúc một hành trình. Bữa cơm có vài món thức ăn tươi, có chén rượu, chút hoa quả, nước ngọt. Toàn bộ bữa ăn này chủ vườn sẽ chiêu đãi, xem như lời cảm ơn cho vụ mùa hanh thông trọn vẹn. Đây là bữa cơm ngon nhất của người làm thuê trong suốt quãng thời gian dầm mưa, đội nắng quần quật với rẫy cà phê. Đó còn là ngày vui khi họ được tận tay kiểm đếm những đồng tiền nhuộm màu đất đỏ, thấm mồ hôi, nước mắt của chính mình.

Giấc mơ trên đỉnh đồi

Cà phê đã đỏ rực khắp vùng rẻo cao, vợ chồng anh Quyền tiếp tục di chuyển về huyện Đắk Song, cách đó khoảng 40 cây số để đầu quân cho một chủ rẫy đồng hương Quảng Ngãi. Chủ này có 3ha cà phê, năm nào cũng nhận anh Quyền về làm việc và tuyệt đối không nhận người nơi khác, vì ông ấy đã đặt niềm tin vào người cũ. Người cũ như anh Quyền có kinh nghiệm hái cà phê, sẽ làm việc tận tâm tận lực, vừa hái vừa giữ gìn bảo tồn cây cà phê cho những vụ sau. Anh Quyền vì muốn giữ mối lâu năm nên nhận lời, chứ rẫy cà phê này heo hút lại xa hàng quán cả chục cây số. Đường sá đi lại khó khăn, lán trại không có nước giếng phải ăn nước dưới ao hồ, cực khổ hơn nhiều những nơi khác.

Vợ chồng chị Tâm thì tiếp tục nhận khoán một rẫy cà phê 4ha ở xã Đăk Wer cách rẫy ở Tuy Đức khoảng 15 cây số. Vì có sẵn xe máy nên họ khoác ba lô lên và chạy chưa đầy 30 phút là cập bến. Tranh thủ những ngày nắng ráo, họ không nghỉ ngơi mà mở bạt ngay. Tại đây, chủ vườn đã có sẵn hai lao động, là mẹ con chị Lê Thị Hiền ở Chư Sê (Gia Lai) xuống. Họ lao động cùng nhau trên một rẫy cà phê giữa quả đồi thoai thoải nhưng mạnh ai người nấy làm, không đua chen hiềm tỵ, không lời qua tiếng lại. Để tiết kiệm thời gian cho nhau, họ quyết định góp gạo thổi cơm chung, phân chia nhiệm vụ rõ ràng. Tối đến, trong căn lều trống trước hở sau, hòa vào tiếng gió rít qua kẽ ván, họ kể cho nhau nghe chuyện gia đình, chồng vợ, con cái, dự định tương lai và cả trăn trở ngày về dùng số tiền kiếm được như thế nào.

Hơn một tuần làm việc cùng nhau, giữa những con người xa xứ có sự thấu cảm và thân thiết, họ trao nhau số điện thoại, địa chỉ để dịp nào đi ngang qua sẽ ghé thăm nhà của nhau. Chị Hiền (45 tuổi) là người phụ nữ kham khổ, tủi hờn nhưng rất mực rắn rỏi và mạnh mẽ. Chia tay chồng, một mình chị ôm hai đứa con gái nhỏ quay trở về nhà mẹ đẻ tá túc. Nhà không có nhiều đất đai, cứ mỗi năm chị lại bắt xe khách gần 400 cây số xuống Đắk Nông hái cà phê thuê. Hết mùa cà phê, chị xin ở lại hái hồ tiêu cho đến Tết mới trở về. Mỗi mùa thiên di như thế, chị kiếm được 30 - 40 triệu đồng, một khoản tiền không nhỏ để trang trải nợ nần và sắm sửa mùa xuân. Năm nay con gái lớn tròn 20 tuổi, vừa trở về từ TP Hồ Chí Minh cũng theo mẹ đi làm thuê. Trong câu chuyện tỉ tê đêm trở lạnh, chị Hiền bàn với con gái trích một khoản tiền kiếm được ra mua chiếc xe đạp điện cho em năm nay vào cấp ba và một khoản dành cho mẹ già làm vốn bán rau ở chợ. Một niềm vui nho nhỏ len vào tâm hồn người mẹ khi có thể thực hiện được ước mơ cho con gái út. Nếu không có những mùa thiên di về miệt cà phê, có lẽ ước mơ đó vẫn còn xa vời.

Cũng như chị Hiền, mọi số phận tôi gặp trong mùa cà phê đều ít nhiều bước qua những mất mát, tổn thương rã rời của cuộc đời. Họ thật sự hiểu dưới chân mình đã từng là gì, êm ái ra sao hay cào xước như thế nào và cái mình muốn rốt cuộc là gì để nhìn cuộc sống chân thật nhất.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.