Mùa thi, có ai thấu hiểu nỗi lòng học sinh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đang vào mùa thi cuối học kỳ 1, bọn trẻ quê tôi xôn xao đi test Covid-19, vừa hồi hộp mong chờ kết quả âm tính vừa háo hức được đến trường gặp thầy gặp bạn để trực tiếp làm các bài kiểm tra.

Suốt hơn một tuần nay, các con mải miết luyện tập các dạng bài và “gạo” đề cương ôn tập. Kỳ kiểm tra đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến căng thẳng ở nhiều tỉnh thành quả thật đã dội thêm áp lực cho cả thầy lẫn trò để hoàn thành tốt mục tiêu giáo dục đề ra.

Tôi bắt gặp muôn mặt áp lực thành tích đang khiến phụ huynh cuống cuồng ép con ôn tập liên tục, thậm chí nhiều người còn lên mạng đăng ký ôn luyện với “thầy online” nhằm thi đúng đề, đạt điểm số mơ ước.


 

Học sinh nhiều tỉnh thành trở lại trường ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi cuối học kỳ 1. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh nhiều tỉnh thành trở lại trường ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi cuối học kỳ 1. Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Giữa bức tranh mùa thi, có ai để ý đến bóng dáng của vô số đứa trẻ đang mang áp lực trước kỳ vọng lớn lao của phụ huynh?

Sẽ có giọt nước mắt vì sợ điểm thấp làm bố mẹ thất vọng, có ánh mắt ngỡ ngàng vì 9 điểm vẫn chưa làm người lớn hài lòng, có những ngày lẫn đêm quay cuồng với đống đề cương ôn tập… Muôn mặt biểu hiện âu lo hình thành nên bức tranh mang tên “áp lực thi cử” mà đứa trẻ nào cũng trải qua, dù ít dù nhiều.

Chúng ta nói nhiều về áp lực học hành, kêu gọi cởi trói áp lực, hô hào trả lại tuổi thơ cho con trẻ. Và rõ ràng là mọi thứ vẫn đang dừng lại ở lý thuyết suông. Không hiếm những ông bố bà mẹ chấp nhận sự thiếu hụt kiến thức của con để cho con một tuổi thơ êm đềm, bình yên.

Nhưng khi cả xã hội vẫn ào ạt chạy đua ôn tập mỗi mùa thi, đề cương và bài tập được ấn định giao cho học sinh, tin nhắn hối thúc nhắc nhở từ nhà trường gửi vào máy phụ huynh vang lên liên hồi, thử hỏi mấy người có thể “bình chân như vại” để mặc con chơi nốt trò chơi, đọc xong quyển truyện, tự do bay nhảy ngày cuối tuần?

Quay cuồng với áp lực học hành như thế, con cái chúng ta làm sao trở thành “con người bình thường” chứ chưa dám luận bàn đến “con người hạnh phúc”? Giờ ăn, ngủ, nghỉ bị bớt xén đến mức tối đa. Giờ chơi hầu như bị “cướp” trắng trợn để ôn bài cho kịp ngày thi.

Và không ít đứa trẻ nghe lời hứa hẹn của bố mẹ đến mức nhàm chán rằng “Ôn bài đi, thi xong sẽ chơi thoải mái”, “Đậu vào trường đó rồi tha hồ chơi”, “Cố lên con, vượt kỳ thi này là khỏe”… Bởi kỳ thi này nối dài kỳ thi khác, đợt kiểm tra này kéo theo đợt điểm tra khác, đích đến này đạt được lại nhắm đích đến khác và bọn trẻ cứ thế “vượt vũ môn” dài dài.

Ai cũng yêu thương con cái và ai cũng mong con có một tương lai hạnh phúc. Nhưng nếu tình yêu của bố mẹ hóa kỳ vọng lớn lao, vô hình trung chúng ta đang khiến con trẻ gánh áp lực thi cử vô cùng nặng nề và nhiều hệ lụy đau lòng! Tương lai của các con chẳng thể hạnh phúc nếu mỗi ngày của hiện tại trôi qua đều ám ảnh việc học, việc thi!

Nỗi lòng của học sinh mỗi mùa thi, có ai thấu hiểu? Xin đừng biến kỳ thi học kỳ nhằm kiểm tra, đánh giá học sinh cuối kỳ và cuối năm học làm cơ sở điều chỉnh kế hoạch giáo dục trở thành nỗi ám ảnh của con trẻ. Xin đừng dội thêm vô số áp lực từ những ngày dài miệt mài với bài vở ở trường, ở lớp học thêm nhằm chen chân vào ngôi trường mơ ước đầu cấp.

Hãy nhớ rằng: Điểm số, thành tích của con trẻ không nói lên được giá trị của con trẻ trong lòng chúng ta.

Theo NGUYỄN HÙNG (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Quy định mới về dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục

Quy định mới về dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục

(GLO)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15-7-2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số (DTTS) trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

APC Gia Lai: Cùng học sinh kiến tạo ước mơ

APC Gia Lai: Cùng học sinh kiến tạo ước mơ

(GLO)- Trường Quốc tế châu Á Thái Bình Dương Gia Lai (APC Gia Lai) tổ chức cho học sinh tìm hiểu giáo dục Nhật Bản tại các trường đại học hàng đầu, qua đó giúp các em có định hướng tốt cho việc học và nghề nghiệp trong tương lai.

8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh phổ thông

8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh phổ thông

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Đỗ Đức Quế, trong giai đoạn 2020 – 2024, cả nước ghi nhận khoảng 8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh phổ thông – một con số thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy và hành động của học sinh.

Pleiku: Thêm 2 trung tâm ngoại ngữ giải thể

Pleiku: Thêm 2 trung tâm ngoại ngữ giải thể

(GLO)- Ngày 17-4, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai Lê Duy Định ký ban hành Quyết định số 290/QĐ-SGDĐT về việc giải thể Trung tâm ngoại ngữ The Star (có địa điểm hoạt động tại số 74 Nguyễn Tất Thành, phường Hoa Lư, TP. Pleiku), thuộc Công ty TNHH The Star English Center.