Mùa săn chuột đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hàng năm, khi lúa chín vàng đồng và nước mưa ngập ruộng, cũng là lúc những người làm nghề săn chuột đồng ở Tây Ninh bắt đầu vào vụ.

1. Mới tháng trước, anh Tuấn (36 tuổi, ngụ ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu) còn nai lưng đi làm thuê làm mướn cho bà con trong xóm nhưng mấy ngày nay, anh ở nhà sửa sang đồ nghề của mình để đi bắt chuột. Đồ nghề của anh là cả trăm chiếc bẫy chuột do tự tay anh làm. Mỗi chiếc bẫy là một lồng bằng kẽm, kích cỡ khoảng 10 x 20cm, có hình thức như những chiếc bẫy chuột thông thường hay bán ở các chợ. Chỉ khác là những chiếc bẫy chuột ngoài thị trường đều phải dùng thức ăn để dẫn dụ chuột vào lồng, còn bẫy chuột của anh Tuấn làm thì không cần dùng mồi mà vẫn dễ dàng bắt chuột. Anh dùng một cọng kẽm giăng ngang trong lồng bẫy, khi chuột bò vào miệng lồng, vướng vào cọng kẽm này là bẫy sập. Anh Tuấn giải thích: “Cách làm bẫy này bắt nguồn từ thực tế. Chuột trong khu dân cư thiếu thức ăn nên mới vào lồng gặm mồi, còn chuột ngoài đồng ăn lúa no nê, chúng không cần vào lồng tìm thức ăn nữa, chủ yếu là chúng đi gặm phá lúa, vì vậy phải đặt bẫy ngang đường chúng đi để bắt chúng”.

 

Khép chặt vòng vây.
Khép chặt vòng vây.

Dựa vào thói quen hoạt động này của lũ chuột nên trước khi đặt bẫy, người săn chuột phải quan sát thật kỹ trên mặt đất. Nhìn thấy ven bờ đê có lối đi mòn nhẵn và in hằn dấu chân chuột thì đó là một trong những đường đi lại của chúng. Anh Tuấn đặt một chiếc lồng giữa lối đi của lũ gặm nhấm rồi cắm sát chiếc bẫy một đoạn nan tre dài khoảng 50cm, trên đầu nan tre này có gắn một miếng vải đỏ như một lá cờ nhỏ để đánh dấu vị trí. “Phải làm dấu như thế để tối mình rọi đèn vào dễ tìm thấy bẫy”, anh Tuấn giải thích. Cứ thế, anh đi đặt cả trăm chiếc bẫy của mình dọc theo các thân đê xung quanh các ruộng lúa sắp tới kỳ thu hoạch. Sau khi đặt xong hết bẫy, anh trở về nhà ăn uống, nghỉ ngơi và  đến 9 giờ tối, đội đèn pin, quảy “rộng” đi thăm bẫy. Bẫy nào dính thì bắt rồi tiếp tục đặt trở lại. Đến sáng sớm hôm sau mới đi gom bẫy.

Theo anh Tuấn, hiện mới vào đầu vụ, lúa trên đồng còn nhiều, nên trung bình mỗi ngày, 100 chiếc bẫy anh chỉ bắt được 3 - 4kg chuột. Mỗi ký anh bán được 45.000 đồng. Khi lúa thu hoạch gần hết, lũ chuột sẽ tập trung hết về những đám lúa còn lại thì sẽ bắt được nhiều hơn. Đặt biệt là năm nào nước dâng lên cao, lũ chuột tập trung vào những bờ đê, đất gò thì càng dễ bắt chúng. Điều anh Tuấn không sao hiểu nổi là dù nhiều người làm nghề săn chuột như anh nhưng chuột trên đồng vẫn còn nhiều vô kể. Chúng cắn phá từ khi cây lúa mới trổ đòng. Chúng ăn lúa, cắn bông làm ổ ngay trên ruộng hoặc tha về làm ổ trong thân đê, gây thiệt hại rất nhiều cho bà con nông dân.

Quan sát trên cánh đồng ấp Cẩm Bình, ngoài anh Tuấn ra, còn có một số người khác cũng đang miệt mài bắt chuột. Anh Nhàn, 32 tuổi, ngụ ấp Cẩm An (xã Cẩm Giang) chở theo trên xe gắn máy một cây cuốc, một chiếc bòng và hàng chục chiếc bẫy tự chế. Anh Nhàn không vội đặt bẫy mà vác cuốc theo các bờ đê tìm hang ổ của lũ chuột. Khi phát hiện có hang chuột, anh dùng cuốc đào bới và bắt chúng. Vì có một mình anh Nhàn nên khó tóm hết được lũ chuột vì có khi mới cuốc xuống vài nhát, lũ chuột nghe động, liền vọt thẳng ra ngoài bằng hang chính hoặc thoát thân bằng hang ngách nên không bắt được. Nhưng sau gần một buổi đào bới, anh Nhàn cũng tóm được khoảng 2kg chuột lớn nhỏ các loại để mang về làm thức ăn cho đàn rắn long thừa đang nuôi ở nhà. Cùng thời điểm đó, trên đồng Cẩm Bình còn có ba  thanh niên khác cũng dùng cuốc để đào bắt chuột. Một người đào, hai người còn lại “canh me” sẵn ở những cửa hang. Những chú chuột liều mạng nhảy vọt ra ngoài cũng ít khi thoát khỏi sự truy đuổi của nhóm thanh niên này. 

Thành quả một đêm săn chuột đồng.
Thành quả một đêm săn chuột đồng.

2. Từ nhiều năm nay, người dân ở xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng) vẫn duy trì cách bắt chuột đồng vô cùng hiệu quả. Do đặc điểm nơi đây giáp với sông Vàm Cỏ Đông nên cứ đến mùa nước nổi là lũ chuột đồng “chạy lụt” rút về trú ẩn ở những vùng đất cao. Thời điểm này chưa phải là đỉnh lũ nên những người chuyên đi săn chuột mới chuẩn bị đồ nghề, chỉ chờ lũ về là họ ra quân. Những năm trước, chúng tôi đã có dịp tháp tùng cùng năm thợ săn của xã trong một lần đi săn.

Họ ra quân vào lúc trời vừa sập tối. Đồ nghề của họ gồm đèn pin loại đội đầu, vài chục mét lưới mành mành, khoảng 100m dây thừng, trên buộc đầy vỏ lon bia, trong mỗi vỏ lon bia có hai viên đá nhỏ để khi lắc dây, lon bia phát ra âm thanh, một đoạn ống nhựa dài 5m, đường kính 10cm và một chiếc lồng sắt. Họ tìm đến những đám lúa sắp tới ngày thu hoạch và chọn một đám có nhiều bông lúa gãy ngang do bị chuột cắn phá và bắt đầu “bày binh bố trận”. Họ đến cuối thửa ruộng, nhẹ nhàng căng lưới tạo thành một góc vuông theo bờ đê rồi đặt một đoạn ống nhựa để tạo đường chạy cho lũ chuột. Cuối ống nhựa là chiếc rọ sắt chiều ngang khoảng 0,8m, chiều dài khoảng 1m, đang há miệng chờ sẵn. Sau gần một giờ chờ đợi, những thợ săn vác đoạn dây thừng đã cột sẵn hàng trăm lon bia, đi về phía cuối đám ruộng, nhanh chóng giăng dây thừng ngang mặt ruộng rồi đồng loạt đi dần về hướng đã đặt lưới. Vừa đi, họ vừa hò hét, vừa rung mạnh sợi dây thừng cho các vỏ lon bia kêu xủng xoảng. Lũ chuột đang gặm lúa bất ngờ bị xua đuổi liền hoảng loạn chạy về phía trước. Vòng vây siết chặt dần theo hình cánh cung. Tiếng xua đuổi, rung lắc mỗi lúc một dữ dội hơn.

Lúc này, có thể thấy những đám lúa rung bần bật bởi đàn chuột hoảng hốt nháo nhào tháo chạy. Trong ánh sáng của đèn pin, chúng tôi nhìn rõ đàn chuột hàng trăm con lúc nhúc quáng quàng chạy xô vào vách lưới rồi chen nhau chạy vào đường ống nhựa rồi chui thẳng vào rọ. Cuối cùng chiếc rọ được khiêng lên với ước chừng 40 kg chuột. Chú nào cũng béo mượt. Một người được phân công chuyển “chiến lợi phẩm” về nhà. Những người còn lại uống nước, nghỉ ngơi đôi chút rồi bắt tay vào truy quét đám chuột ở ruộng lúa kế bên…

Trong lúc nghỉ ngơi, ông Cống - một thành viên trong nhóm săn kể về nghề săn chuột của mình: những năm trước, gia đình ông có một đám ruộng trên gò cao, khi lúa chuẩn bị thu hoạch thì đàn chuột kéo đến cắn phá hơn một nửa. Tức mình, ông cùng những thanh niên trong xóm tìm cách tiêu diệt chuột kịp thời cứu được đám ruộng của mình và nhiều đám lúa khác của bà con trong xóm. Từ đó, cứ hễ đến mùa nước nổi là ông rủ thêm một vài người trong xóm hành nghề diệt chuột. Những ngày vào vụ lúa sắp thu hoạch và nước lên cao như thế này, mỗi lần ra quân là gom được vài chục ký chuột. Đêm nào trúng thì bắt được cả trăm ký. Ông Cống cho hay: “Chuột bắt được có thương lái đến tận nhà thu mua với giá 25.000 đồng/kg. Nhiều khi, có chủ ruộng lúa nhờ đến bắt chuột và bồi dưỡng cho anh em trong đội vài trăm ngàn đồng nữa”.

Với những người như anh Tuấn, anh Nhàn hay ông Cống thì săn chuột đồng giờ đây đã trở thành nghề tay trái của họ vậy. Vừa là diệt được chuột, giảm được nguy cơ phá hoại mùa màng cho bà con nông dân mà còn giải quyết việc lúc nông nhàn, tăng thêm nguồn thu cho kinh tế gia đình khá hiệu quả ở các vùng quê của Tây Ninh.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.