Mùa đợi chờ phía nam Hội An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ẩn chứa trong họ là bao lo lắng mơ hồ khác nhau xoay quanh câu chuyện “an cư”. Bên cạnh hai mùa mưa nắng dãi dầu, đã lâu rồi thường trực trong tâm thức cư dân vùng đông Duy Xuyên (Quảng Nam) còn có cả mùa đợi chờ nữa… 

Ẩn chứa trong họ là bao lo lắng mơ hồ khác nhau xoay quanh câu chuyện “an cư”. Bên cạnh hai mùa mưa nắng dãi dầu, đã lâu rồi thường trực trong tâm thức cư dân vùng đông Duy Xuyên còn có cả mùa đợi chờ nữa…

Nhiều mảnh đất đã xây dựng nhà kiên cố ở Khu tái định cư Duy Hải giai đoạn 3 hiện vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Q.T

Nhiều mảnh đất đã xây dựng nhà kiên cố ở Khu tái định cư Duy Hải giai đoạn 3 hiện vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Q.T

Xin rời khỏi… nhà mình

Ngày 24/7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn yêu cầu các bên liên quan khẩn trương triển khai thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An để sớm ổn định đời sống nhân dân trong vùng dự án.

Nằm ngay bên hông dự án đô thị “tỷ đô” Nam Hội An, nhiều cung đường dẫn vào thôn Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, Duy Xuyên) vẫn vòng vèo hơn cả bài thi sa hình lái xe.

Người tha hương lâu ngày mới về quê dễ lạc vào “ma trận” loay hoay không tìm được lối ra đường lớn ven biển (đường Võ Chí Công). Những con đường lòng vòng, khúc khuỷu tựa chính đời sống cư dân miệt biển ngang đã phải trải qua nhiều năm trời.

Vẫn điệp khúc cũ “đi không được, ở không xong”. Khi được hỏi thăm về trường hợp nhà xuống cấp ở thôn, ông Nguyễn Tấn Duyệt - Bí thư Chi bộ thôn Tây Sơn Đông chỉ tay về phía ngôi nhà xập xệ, cài then từ lâu, nói: “Đây, nhà tôi ngay sát bên đây chứ đi tìm đâu cho xa. Hai, ba năm nay chỗ nào nó cũng tơi rục hung rồi, phải đóng cửa chuyển qua nhà con trai ở tạm, con cháu trong nhà tôi phải dặn chừng hoài không được bén mảng vì nó sụp lúc nào không hay, cần chi mưa to gió lớn. Trong thôn có mấy trăm nhà qua khảo sát được xếp vào diện xuống cấp, trong đó có gần 100 nhà thuộc diện xuống cấp mức độ 3, tức là xuống cấp nghiêm trọng”. Ông Duyệt bông đùa thêm: “Nhà tôi chắc là không còn cấp nào để xuống nữa. Làm từ độ năm 1986, phải gần 40 năm rồi”.

Bên trong ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng của ông Nguyễn Tấn Duyệt - thôn Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, Duy Xuyên). Ảnh: Q.T

Bên trong ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng của ông Nguyễn Tấn Duyệt - thôn Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, Duy Xuyên). Ảnh: Q.T

Mùa mưa gió sắp quay lại, hình ảnh đầy ái ngại về mấy ngôi nhà cũ mèm không có nóc vì bị gió xé đi mất vào đận mưa bão năm ngoái cứ lởn vởn trong đầu chúng tôi. Liệu rằng, nó có tái diễn trong mùa mưa tới đây? Không ai biết được, chỉ biết rằng hàng trăm căn nhà đó đều đã già thêm một tuổi, đều mang thêm những rãnh nứt khô khốc của dòng thời gian.

Ở thôn Tây Sơn Đông, thậm chí là cả miệt ven biển Duy Xuyên, không khó để tìm thấy những ngôi nhà tơi nát như nhà của ông Duyệt. Nó rải khắp ngõ ngách, im lìm hứng chịu mấy chục mùa mưa gió tơi bời của quê xứ. Chẳng thế mà ở đây có chuyện cư dân nằm trong vùng dự án đồng loạt xin được… giải tỏa, đưa đơn ra xã xin di dời năm lần bảy lượt mà mộng vẫn chưa thành.

Ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải xác nhận, trên địa bàn xã có khoảng 500 hộ nằm trong vùng dự án phải giải tỏa để đến nơi tái định cư mới.

“Tất cả hộ thuộc diện giải tỏa đều xin đi hết. Chứ ở như hiện tại mùa nắng cát bay mịt mù, mùa mưa thì thấp thỏm gió bão, lụt lội chẳng ai chịu nổi. Ở thẩm quyền cấp xã thì chỉ có thể kiến nghị liên tục lên cấp trên để có hướng tháo gỡ, giải quyết sớm cho người dân” - ông Siêm nói.

Ngôi nhà đã cũ nát và phải đóng cửa hơn 2 năm nay của ông Nguyễn Tấn Duyệt (thôn Tây Sơn Đông, Duy Hải).
Ngôi nhà đã cũ nát và phải đóng cửa hơn 2 năm nay của ông Nguyễn Tấn Duyệt (thôn Tây Sơn Đông, Duy Hải).

Trong khi chờ các bên liên quan tìm lối ra, người dân ở đây không còn lựa chọn nào khả dĩ hơn. Khi gia đình ông Duyệt chuyển qua nhà con trai ở, gia đình con trai ông đành phải chuyển sang ngôi nhà cũ của bà cô ở kế bên đã chuyển đến nơi tái định cư mới, ngôi nhà này có thể phải trả lại để dự án thực hiện bất cứ lúc nào.

Nhiều gia đình khác cũng như thế, cứ chớm đến mùa gió mưa họ lại phải lục tục khăn gói sang nhà người thân còn kiên cố hơn một chút để nương náu, chỉ vì không dám ở ngay trong nhà của mình.

Đầu tháng 7, Quảng Nam thống nhất chủ trương cho Công ty CP Đầu tư phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam dừng thực hiện 3 dự án khu tái định cư Sơn Viên, khu tái định cư Duy Hải giai đoạn 2, khu tái định cư Duy Hải giai đoạn 3 để bàn giao lại cho huyện Duy Xuyên tiếp tục triển khai.

Các dự án trên đều đã triển khai thi công từ năm 2016 nhưng ì ạch nên nhiều lần giãn tiến độ thực hiện. Dân nóng lòng muốn rời đi từng ngày nhưng dự án tái định cư thì vẫn đủng đỉnh chưa hẹn ngày hoàn thành.

“Người dân không thể biết hết được các khái niệm về quy trình, thủ tục thực hiện hay vướng mắc của dự án tái định cư. Chúng tôi chỉ thấy rằng đất đai ở vùng cát này nhiều khu vực vẫn bỏ ngỏ trống không nhưng chỗ tái định cư cho người dân lại thiếu trước hụt sau thì không thể hiểu được” - một người dân địa phương nói ráo hoảnh.

Phập phồng trong nhà mới

Những ưu tư của phận người chưa đi được đã đành nhưng đến lớp cư dân đã an cư dưới những nếp nhà mới vẫn phập phồng mấy năm nay là chuyện bi hài của vùng đô thị mới này. Đã 2 năm qua, ông Nguyễn Thanh Trường (38 tuổi, nhà tại khu tái định cư Duy Hải giai đoạn 3) mòn mỏi chờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) cho mảnh đất tái định cư mới của mình.

Nhiều người dân ở các khu tái định cư thuộc hai xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) thời gian qua phải chật vật với các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Q.T
Nhiều người dân ở các khu tái định cư thuộc hai xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) thời gian qua phải chật vật với các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Q.T

Giữa năm 2021, gia đình ông Trường ở thôn Tây Sơn Tây (Duy Hải) bàn giao đất để Nhà nước triển khai thi công đường giao thông và đã nộp đủ thủ tục để chờ ngày cấp bìa đỏ. Nhưng đùng một cái cuối tháng 5 vừa rồi, Trung tâm Phát triển hạ tầng (Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam) đã liên hệ đề nghị trả lại “khoản kinh phí làm bìa đỏ” cho ông Trường và các lô đất tương tự của người thân.

“Tất nhiên là chúng tôi không thể nhận được. Chúng tôi chấp thuận chủ trương của Nhà nước để di dời, đất tái định cư đã nhận, nhà mới cũng đã xây lâu rồi, bây giờ nói trục trặc về thủ tục, giấy tờ làm sao chấp nhận được. Mà đâu phải mình tôi, hàng trăm hộ khác xung quanh đây cũng như vậy” - ông Trường bộc bạch.

Cũng theo lời ông Trường, những câu chuyện oái oăm khác xung quanh cái bìa đỏ cũng tồn tại ở xứ này.

“Bạn tôi trước cũng ở Tây Sơn Tây thuộc diện giải tỏa, đồng ý di dời vào khu tái định cư. Đất của nó thì đã được cấp bìa đỏ rồi nhưng đến giờ có xây nhà được đâu. Số là do hộ dân cư ngụ trước đó ở mảnh đất này đã rời đi để xây dựng khu tái định cư, bây giờ đến nơi ở mới lại không được cấp bìa đỏ nên người ta quay về mảnh đất cũ quây rào lại không cho bạn tôi vào xây dựng, tranh cãi ì xèo. Bây giờ nhà cũ không còn, nhà mới chưa xây được nên nó phải đi ở trọ” - ông Trường kể.

Phải mất một lúc lâu tìm hiểu chúng tôi mới hình dung đầy đủ câu chuyện bi hài này. Cuối cùng bao người dân vùng đông Duy Xuyên thấp thỏm, thậm chí hục hặc nhau cũng vì cái giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vốn dĩ là của mình.

Ông Trần Văn Siêm nói: “Cả xã Duy Hải có tổng cộng 178 hộ đang rơi vào tình cảnh này. Vướng mắc thì vẫn xoay quanh câu chuyện thủ tục pháp lý. Và cấp xã thì cũng chỉ có thể kiến nghị và chờ đợi”.

Với cư dân vùng này, chờ đợi là một trạng thái khiến nhiều người ám ảnh. Một người dân ở khu tái định cư Duy Hải giai đoạn 3 xòe biên bản “giấy trắng mực đen” của địa phương về cam kết cuối năm 2022 sẽ hoàn tất việc cấp bìa đỏ cho trường hợp của mình. Nhưng đến nay những gì họ nhận vẫn chỉ là những đợi chờ khắc khoải.

“Đã trễ hẹn hơn nửa năm rồi vậy có chuyển động gì mới không?” - chúng tôi dạm hỏi. “Không có gì mới hết. Vừa rồi tiếp xúc cử tri, chúng tôi tham gia ý kiến thì lãnh đạo có nhận trách nhiệm về lời hứa này nhưng cũng không cho biết bao giờ mới thực hiện được” - một người dân trả lời, như tiếng thở dài không hồi kết của nhiều cư dân Duy Hải - Duy Nghĩa, miền đất với bao hứa hẹn về vùng đô thị sầm uất trong tương lai.

Đi cùng bao khấp khởi đợi chờ về cuộc chuyển mình của quê xứ, cư dân vùng đông Duy Xuyên đành phải tiếp tục thấp thỏm đợi chờ về một cái kết có hậu cho số phận những mảnh đất và ngôi nhà của mình…

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.