Một chỉ thị, trăm biến chuyển từ làng - Kỳ 2: Lan tỏa mô hình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ kết quả thiết thực của làng điểm ban đầu ở xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), đến nay, tỉnh Gia Lai đã có 84 làng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Con số ấn tượng ấy cho thấy phong trào xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số đang được người dân đồng tình hưởng ứng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ khắp các địa phương.

Huyện nghèo nhập cuộc

Những đổi thay mới mẻ của xã Chư A Thai từ “làn gió” NTM khiến lãnh đạo huyện nghèo Ia Pa không thể ngồi yên. Sau những chuyến thực tế học tập mô hình điểm xây dựng làng NTM ở Chư A Thai, Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Pa đã cụ thể hóa tinh thần Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bằng Kế hoạch số 43-KH/HU thông qua đề án sắp xếp, bố trí dân cư để xây dựng các làng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng làng NTM. Ông Đỗ Văn Hùng-Bí thư Đảng ủy xã Pờ Tó-cho hay: Làng Bi Giông được chọn làm mô hình thí điểm của huyện, cũng thuộc “lứa đầu tiên” trong tỉnh triển khai thực hiện việc bố trí, sắp xếp lại khu dân cư.

Người dân làng Blôm (xã Kim Tân, huyện Ia Pa) chỉnh trang nhà cửa khi dọn về nơi ở mới. Ảnh: Đức Thụy
Người dân làng Blôm (xã Kim Tân, huyện Ia Pa) chỉnh trang nhà cửa khi dọn về nơi ở mới. Ảnh: Đức Thụy

“Tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để việc xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trở thành một phong trào toàn dân. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và sự tham gia của các hội, đoàn thể ở cơ sở; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

(Trích Chỉ thị số 12-CT/TU)

Chỉ sau một thời gian ngắn, với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, từ một ngôi làng nghèo khó ngày nào, Bi Giông giờ có nhiều khởi sắc, tiến gần hơn tới đích làng đạt chuẩn NTM khi đã hoàn thành 17/19 tiêu chí. Từ năm 2018 đến 2020, làng có đến 31 hộ thoát nghèo, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7 triệu đồng lên 20 triệu đồng/năm. Dường như không thể diễn tả hết niềm vui sướng bằng lời, ông Đinh Đúp-già làng Bi Giông-hồ hởi: “Trước đây, nhà cửa trong làng rất lộn xộn, nhếch nhác, nước sinh hoạt thiếu thốn, đường làng lầy lội. Giờ mỗi hộ được Nhà nước bố trí 400-450 m2 đất ở và vườn để canh tác, hỗ trợ làm lại nhà, bờ rào. Đường đi sạch sẽ, điện, nước cũng được kéo về đến tận nhà. Chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh được xây mới, tách biệt. Bà con phấn khởi lắm”.

Những ngày này, đi dọc đường Trường Sơn Đông đến trung tâm huyện Ia Pa, làng Blôm (xã Kim Tân) hiện ra từ xa như một đô thị thu nhỏ, rất đẹp mắt. Những nếp nhà sàn được sắp xếp ngay ngắn, mặt hướng ra đường bê tông đều tăm tắp; chuồng nuôi gia súc bố trí sau nhà, rộng thoáng, sạch sẽ. Tự hào về thành quả này, Bí thư Huyện ủy Ia Pa Võ Anh Tuấn phấn khởi cho hay: Từ dấu ấn làng NTM ở Bi Giông, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng cơ sở tiếp tục thực hiện đề án sắp xếp, bố trí dân cư tại các làng: Biah A (xã Ia Tul), Bi Gia (xã Pờ Tó), Blôm (xã Kim Tân) và buôn Jứ (xã Ia Broăi)… Đến năm 2020, toàn huyện đã có 9 làng đăng ký thực hiện xây dựng NTM.

2 Nơi ở mới của anh Nay Thuyên (làng Blôm) được bố trí nhà cửa ngăn nắp, môi trường sống sạch sẽ. Ảnh: Phương Linh
Nơi ở mới của anh Nay Thuyên (làng Blôm, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) được bố trí nhà cửa ngăn nắp, môi trường sống sạch sẽ. Ảnh: Phương Linh



Tiếp chuyện trong ngôi nhà mới khang trang, anh Nay Thuyên (làng Blôm) kể: Hơn 3 năm trước, khi về ở rể theo phong tục Jrai, anh phải sống cùng 11 thành viên nhà vợ trong căn nhà sàn chật chội, ẩm thấp. Phía trên người ở, phía dưới đàn bò trú ngụ. Hôm ấy, nghe người làng bảo nhau ai đồng ý di dời sang nơi ở mới cách làng cũ chỉ chừng vài trăm mét sẽ được Nhà nước hỗ trợ đất ở, còn có nơi rộng rãi để trồng rau, vợ chồng anh nửa tin nửa ngờ. Họ mất gần 1 tháng trời bàn bạc mới đưa ra quyết định. “Vợ chồng tôi vay mượn được 20 triệu đồng, huyện hỗ trợ thêm một phần để dựng căn nhà sàn rộng hơn 40 m2 tại làng mới. Chỗ ở mới có vườn rau, cây xanh bóng mát, đường bê tông rộng thoáng, nhà cửa bố trí ngăn nắp, môi trường sống sạch sẽ”-anh Thuyên phấn chấn.

Nói về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này, Bí thư Huyện ủy Ia Pa cho hay: Một số làng sau khi sắp xếp, chỉnh trang có cảnh quan, môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp; có hàng rào, vườn rau, nhà vệ sinh, khu chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn được phát triển đồng bộ, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, góp phần thực hiện có hiệu quả công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện, đồng thời giữ gìn bản sắc và phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Ông Võ Anh Tuấn nhấn mạnh: “Bước tiếp theo, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền chú trọng hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, ưu tiên các công trình tác động nhanh, thiết thực đến đời sống, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Xác định người dân là chủ thể xây dựng NTM, địa phương chú trọng vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm để họ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay để nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích”.

Nghị quyết “làng NTM” ở cơ sở

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Ia Grai dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số với 19 thôn, làng đạt chuẩn. Đặc biệt, 2 xã biên giới tuy còn nhiều khó khăn nhưng không kém cạnh: Ia Chía có 5/10 làng, Ia O có 6/9 làng về đích NTM.

Cùng chúng tôi tản bộ trên những con đường bê tông rộng thoáng quanh làng Kom Ngó (xã Ia Chía), già Rơ Châm Hí phấn khởi khoe: Làng nay đã khác, không còn cảnh nhà cửa luộm thuộm, vườn tược nhếch nhác, heo, gà chạy lung tung như trước nữa. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, đường không còn lầy lội, hàng rào cổng ngõ thẳng thớm. Làng có 221 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,1%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2016 lên hơn 41 triệu đồng năm 2020. Tất cả đều là nhờ chương trình xây dựng làng NTM.

 

Trong 3 năm (2018-2020), tổng kinh phí triển khai xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gần 976 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước gần 824 tỷ đồng; vốn người dân đóng góp hơn 93,6 tỷ đồng; vốn khác (vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ nông dân) hơn 37 tỷ đồng... Người dân đã hiến gần 87.000  m2 đất, hơn 36.500 ngày công để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường thôn, làng, đường giao thông nông thôn, nhà ở, các công trình phụ trợ.

Tóm lược quá trình này một cách ngắn gọn nhất, ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-thông tin: Đến nay, 2 xã biên giới của huyện đã có 11/19 làng đạt chuẩn NTM. Các làng còn lại đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được cải tạo, tu bổ, xây dựng phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất cho người dân. Nhiều hộ được hỗ trợ chỉnh trang, sửa chữa, làm nhà mới. Ngoài ra, huyện còn tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện mô hình tưới tiết kiệm nước, góp phần làm tăng thu nhập của người dân. Trong 3 năm (2018-2020), huyện đã huy động hơn 71 tỷ đồng để xây dựng làng NTM, trong đó, ngân sách trung ương và tỉnh hơn 45,6 tỷ đồng, vốn lồng ghép 20,4 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ 1 tỷ đồng, người dân đóng góp ngày công (quy đổi ra tiền) hơn 3,6 tỷ đồng.

 

Từ những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai chia sẻ kinh nghiệm: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, chương trình, kế hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt ra: Đến năm 2025 có 10 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 90% làng ở xã biên giới đạt chuẩn NTM. Cái được lớn nhất ở đây là người dân từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước đã chủ động tham gia, biến phong trào xây dựng NTM trở thành một cuộc cách mạng sâu rộng”.

Cổng làng nông thôn mới Kdâu, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang được đầu tư khang trang từ kinh phí của người dân đóng góp xây dựng. Ảnh: Minh Nguyễn
Cổng làng nông thôn mới Kdâu (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) được đầu tư xây dựng khang trang từ kinh phí của người dân đóng góp. Ảnh: Minh Nguyễn


Trong khi đó, tại khắp các xã của huyện Kbang, Chỉ thị số 12 cũng là động lực tiếp sức cho phong trào xây dựng làng NTM. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kbang lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 13 làng đạt chuẩn NTM và 3 khu dân cư kiểu mẫu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, các ban, ngành và địa phương đã huy động nguồn lực từ nhiều chương trình để đầu tư, hỗ trợ xây dựng làng NTM; phân công cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức phụ trách theo dõi, giúp đỡ địa phương thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí để hoàn thành kế hoạch đề ra. Theo ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: Tổng kinh phí huy động qua 3 năm triển khai là 24,3 tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp hơn 14 tỷ đồng và 6.713 ngày công lao động. Đến nay, trong số 13 làng đăng ký thực hiện giai đoạn 2018-2020 đã có 6 làng được công nhận đạt chuẩn NTM, 7 làng đạt 17-18 tiêu chí.

Để minh chứng cho những đổi thay ngoạn mục này, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang mời chúng tôi về thăm làng Kdâu, xã Kông Lơng Khơng. Khác với các ngôi làng Bahnar hay Jrai trên địa bàn, làng Kdâu gồm 55 hộ người Nùng, 3 hộ người Tày di cư từ các tỉnh phía Bắc vào và 2 hộ người Kinh với tổng số 252 nhân khẩu. Tuy không có nhiều điểm chung về văn hóa, phong tục tập quán nhưng người dân trong làng đã đồng lòng vượt qua những rào cản, quyết tâm thực hiện mục tiêu chung là đưa làng Kdâu về đích NTM.

Đón chúng tôi từ cổng làng, bà Cam Thị Ngọc-Bí thư Chi bộ làng Kdâu-khẳng định: “Diện mạo làng Kdâu có được vẻ tươi mới, đầy sức sống như hôm nay là minh chứng của sự chung sức, đồng lòng của dân làng cùng hướng về mục tiêu chung. Bà con hiểu rõ lợi ích, ý nghĩa của chủ trương xây dựng làng NTM nên họ đều nghe và làm theo”.

Trong chuyến thăm và làm việc tại xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) cuối năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy xã biên giới này đang dần khoác lên mình màu xanh trù phú, ấm no. Đồng chí hết sức vui mừng khi biết Ia Dom là xã biên giới đầu tiên của Tây Nguyên đạt chuẩn NTM. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng làng NTM, xã NTM thông qua công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con từ bỏ tập quán canh tác cũ, tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống, chung tay xây dựng vùng biên giới ngày càng phát triển.

 

MINH TRIỀU - PHƯƠNG LINH

 

------------------------
Kỳ 3: Vươn lên từ nội lực


 

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.