Sáng sớm 30-4-2023. Mặt trời vừa nhô lên từ phía biển, chị Võ Thị Sương cùng con gái Anh Tú có mặt tại ga Tuy Hòa, lòng rộn lên khi thấy đoàn tàu xuất hiện từ phía Bắc. Trong số những hành khách xuống ga Tuy Hòa có đôi vợ chồng trẻ, tay bế đứa con chừng hơn một tuổi.
Chị Sương nhanh chóng nhận ra gương mặt, dáng dấp thân quen và cất tiếng gọi: "Con ơi!".
Chị Võ Thị Sương (thứ hai, bên phải) cùng con gái Nguyễn Võ Anh Tú và gia đình con trai Trần Phúc Tân. (Ảnh do gia đình cung cấp) |
Nỗi đau của một gia đình
Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ rằng đây là cuộc đoàn tụ của một gia đình. Đúng vậy, chị Sương đón Tân cùng vợ con từ Quảng Trị vào Phú Yên thăm mẹ. Tân không phải do chị sinh ra nhưng trong đôi mắt Tân có bóng hình của Tuấn, có tâm hồn của Tuấn. Giác mạc của con trai chị đã giúp cho mắt của Tân nhìn thấy ánh mặt trời. Để bù đắp phần nào cho người mẹ vô cùng đau đớn vì mất con, Tân gọi chị Sương bằng 2 tiếng "mẹ ơi".
Hồi trước, Tuấn là đứa trẻ hay cười. Vợ chồng chị Sương rất hạnh phúc khi có 2 đứa con khỏe mạnh, đáng yêu. Nhưng hạnh phúc bình dị nhanh chóng tan biến. Năm Tuấn 7 tuổi, đôi chân cậu bé bắt đầu yếu dần; đi một lúc Tuấn phải ngồi xuống nghỉ vì chân yếu và đau. Vợ chồng chị Sương đưa con đến bệnh viện khám, bàng hoàng khi biết Tuấn mắc bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne. Bác sĩ giải thích rằng đây là một bệnh lý thần kinh cơ di truyền, chủ yếu xảy ra ở bé trai, dấu hiệu đầu tiên là yếu cơ ở gốc chi, sau đó bệnh tiến triển nặng dần đến các cơ xa gốc chi, cơ hô hấp...
Đến một lúc nào đó, đứa trẻ sẽ không đi lại được. Và rồi, cơ trơn lẫn cơ tim đều bị ảnh hưởng. Người mắc bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne thường chết vì suy hô hấp hoặc bệnh cơ tim trong độ tuổi 15-25.
Không thể để con đi dần về phía cái chết, vợ chồng chị Sương gom góp những đồng tiền ít ỏi của mình, vay mượn của người thân, bạn bè và đưa con đến các bệnh viện lớn trong nước. Từ Phú Yên, họ gõ cửa các bệnh viện ở TP HCM rồi ngược ra Đà Nẵng, Huế và đến cả Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội, với hy vọng có thể gặp được những bác sĩ tài năng hay tìm thấy phép mầu giúp con bình phục.
Không có phép mầu nào xuất hiện! 11 tuổi, Tuấn không thể đi lại được nữa.
Nhưng sự nghiệt ngã của số phận vẫn chưa dừng lại. Cũng trong năm đó - năm 2009 - chồng chị Sương bị đột quỵ, qua đời.
Đồng lương giáo viên ở Trường Mầm non Sen Vàng (TP Tuy Hòa) không thể giúp trang trải nợ nần và lo cho 2 đứa con, chị Sương đành... bán nhà. Ba mẹ con phải chuyển từ nhà trọ này sang nhà trọ khác, bởi người chủ cho thuê lo rằng chú bé nằm liệt giường kia sẽ chết trong căn nhà của họ. Mấy năm sau, mẹ con chị mới ổn định chỗ ở, trong một căn nhà trọ nhỏ tại phường 9, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Chị Võ Thị Sương bên con trai trong những ngày cuối cùng của Nguyễn Võ Anh Tuấn. |
Tấm lòng của Tuấn
Phải nằm một chỗ, chân tay teo tóp, co rút nhưng Tuấn vẫn nhìn đời bằng đôi mắt trong trẻo, thiết tha. Thẳm sâu bên trong thân thể bệnh tật, trái tim Tuấn khao khát làm điều có ích cho đời.
Ngày nọ, chị Sương nghe con trai khẽ khàng bày tỏ mong muốn hiến mô, tạng sau khi qua đời. Tuấn thủ thỉ: "Mẹ ơi, con xem tivi thấy có những mảnh đời bất hạnh. Và con thấy bé Hải An, dù mới 7 tuổi, trước khi mất đã cho đi một phần cơ thể để cứu những người mắc bệnh nan y. Mẹ cho phép con làm như vậy, nghen mẹ". Nghe con nói, chị không kìm được nước mắt, nghẹn ngào.
Suy nghĩ và rồi chị quyết định đồng hành với con. Nhờ chị Nguyễn Thị Thu Vân, nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên, chị Sương kết nối với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế). Tháng 4-2018, mẹ con chị run run cầm trên tay 2 "Thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng", trên thẻ có dòng chữ "Tôi tình nguyện hiến tặng mô, tạng của tôi sau khi chết/chết não mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào". Năm đó, Tuấn 20 tuổi.
Bánh xe định mệnh vẫn âm thầm quay trên giường bệnh của thanh niên mắc bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne. Tối 19-2-2020, bệnh Tuấn trở nặng; chị Sương đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu và nén lòng xuất trình "Thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng". Thầy thuốc Ưu tú - bác sĩ chuyên khoa II Phạm Hiếu Vinh, khi đó là giám đốc bệnh viện, xúc động: "Tuấn biết mình mắc bệnh và mong muốn hiến tặng những bộ phận cơ thể có thể hiến tặng được để giúp cứu chữa cho người khác. Đó là hành động rất cao đẹp".
Trong gần 3 tháng, các thầy thuốc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã nỗ lực giữ lại hơi thở, nhịp tim cho Tuấn. Với chị Sương và con gái, đó là chuỗi ngày thắt lòng thắt dạ.
Rạng sáng 18-5-2020, Nguyễn Võ Anh Tuấn trút hơi thở cuối cùng.
Nhận được tin khẩn từ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã điều động ê-kíp bác sĩ từ Trung tâm Mắt - Bệnh viện Trung ương Huế lập tức lên đường vào Phú Yên để lấy giác mạc mà Tuấn hiến tặng.
Ê-kíp bác sĩ lấy giác mạc mà Nguyễn Võ Anh Tuấn hiến tặng. |
Món quà mang ánh sáng
Tuấn như đang ngủ say trong khi bác sĩ cẩn trọng, nhẹ nhàng đón nhận món quà quý giá: Hai lớp màng rất mỏng bên ngoài con ngươi - nơi ánh sáng đi qua, giúp tế bào thị giác nằm ở võng mạc nhận biết được hình ảnh; hình ảnh được truyền lên não và con người nhận thức được vật thể, thế giới chung quanh. Sau 30 phút, ê-kíp thầy thuốc hoàn tất công việc.
Tuấn như đang ngủ say khi chiếc băng ca từ từ rời Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đến nơi xe của bệnh viện đang chờ sẵn, đưa em về nhà. Bác sĩ Bùi Văn Lưu (Trung tâm Mắt - Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết: Giác mạc của Tuấn được giữ trong dung dịch bảo quản ở 2 độ C và gửi đến Ngân hàng Mắt để đánh giá chất lượng, mật độ tế bào nội mô… Sau đó, bác sĩ làm xét nghiệm công thức máu của Tuấn để loại trừ các bệnh lý trước khi quyết định ghép cho người khác.
Trần Phúc Tân (SN 1992; ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) là một trong 2 người được ghép giác mạc của Tuấn. Tân mắc bệnh về giác mạc từ nhỏ, đã nhiều lần điều trị ở bệnh viện. Tháng 2-2020, giác mạc bị thủng, Tân nhập viện, vô cùng lo lắng và mặc cảm.
Ba tháng sau, gia đình Tân vui mừng hay tin có giác mạc do Tuấn hiến tặng. Ngày 23-5-2020, Trung tâm Mắt - Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ghép giác mạc cho Tân. Ngày 28-5-2020, giác mạc còn lại của Tuấn được ghép cho ông Hoàng Văn Thấng (SN 1956; ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Ông Thấng bị sẹo giác mạc và viêm loét giác mạc, đã chờ ghép gần 2 năm.
49 ngày sau khi Tuấn qua đời, gia đình Tân và gia đình ông Thấng đến Phú Yên thắp hương tri ân Tuấn. Bà Lê Thị Hàn - mẹ Tân - xúc động: "Nhờ cháu Tuấn hiến tặng giác mạc mà mắt con tôi được như hôm nay. Gia đình tôi vào Phú Yên thắp hương cho cháu Tuấn, thăm mẹ con em Sương và kết tình gia đình. Em Sương cũng đã nhận Tân làm con".
Ông Thấng nói: "Chúng tôi vào cảm ơn tấm lòng của cháu Tuấn và dòng họ cháu ở đây. Chúng tôi cũng cảm ơn các bác sĩ đã ghép giác mạc thành công cho chúng tôi. Không có gì quý bằng món quà mà cháu Tuấn trao lại cho tôi và cháu Tân".
Cho đi để cứu những sinh mệnh khác
Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, tính đến cuối tháng 3-2023, cả nước có 70.122 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Song số người được ghép mô, tạng vẫn chưa cao do số lượng người hiến trên thực tế còn hạn chế. Rất nhiều người không hiến mô, tạng bởi quan niệm khi chết đi phải vẹn toàn cơ thể.
Sẽ ý nghĩa biết bao nếu dành cho người khác một phần cơ thể mình sau khi trái tim đã ngừng đập, não đã chết và thân xác sẽ trở về với cát bụi. Cho đi để cứu được những sinh mệnh khác, những cuộc đời khác.
Nguyễn Võ Anh Tuấn đã từ biệt cuộc đời ở tuổi 22 nhưng giác mạc mà Tuấn hiến tặng vẫn ngày ngày đón ánh sáng đi qua, giúp 2 người khác sống có ý nghĩa. Đó là món quà quý giá của một thanh niên có tấm lòng đẹp như ánh sáng. Tuấn và những người hiến tặng mô, tạng khác đã cho thấy trong đời sống còn biết bao điều cao đẹp xuất phát từ trái tim yêu thương con người.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu