(GLO)- Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” theo Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Thiện đã triển khai thí điểm mô hình tổ liên kết chăn nuôi heo siêu nạc tại xã Ia Sol. Sau khoảng 1 năm triển khai, mô hình đã và đang mang lại những kết quả rất khả quan, góp phần giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình chị Dương Thị Từ (Plei Mil, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) là một trong 30 hộ đầu tiên trên địa bàn xã Ia Sol tham gia thực hiện thí điểm mô hình tổ liên kết chăn nuôi heo siêu nạc. Nhiều năm liền gắn bó với nghề chăn nuôi heo, lại được tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi heo siêu nạc, nên chỉ sau 3 tháng nuôi, đàn heo nhà chị Từ đã đạt trung bình 75 kg/con.
Heo con sau khi sinh có tỷ lệ sống cao. Ảnh: Q.T |
Chị Dương Thị Từ cho biết: “Trước đây gia đình tôi nuôi heo nhưng hiệu quả không cao do đầu ra không ổn định. Từ khi tham gia mô hình nuôi heo siêu nạc, tôi thấy hiệu quả kinh tế khá rõ rệt, heo ít xảy ra dịch bệnh, thịt được thị trường ưa chuộng, đầu ra cũng ổn định hơn nên gia đình tôi tiếp tục đầu tư chuồng trại để mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện, gia đình tôi đã chuyển hẳn sang nuôi heo siêu nạc với số lượng 40 con”.
Theo quy trình chăn nuôi heo siêu nạc, heo được vận động nhiều nên tỷ lệ nạc cao, chất lượng thịt thơm ngon. Sau 3 tháng nuôi, heo có thể xuất chuồng, trọng lượng trung bình 75 kg/con, giá thu mua bình quân từ 55 ngàn đồng đến 57 ngàn đồng/kg, đưa lại thu nhập khoảng 6 triệu đồng/hộ. Sau mỗi đợt heo xuất chuồng, Hội LHPN huyện thu về 30% số vốn ban đầu và tiếp tục đầu tư nhân rộng cho các gia đình hội viên khác có nhu cầu chăn nuôi. Hiện tại, mô hình tổ liên kết chăn nuôi heo siêu nạc tại xã Ia Sol đã có 36 hộ tham gia với 108 con heo giống siêu nạc, tăng 6 hộ và tăng 18 con so với thời gian đầu triển khai vào tháng 7-2015. |
Tương tự, trang trại chăn nuôi của gia đình chị Trần Thị Ngọc Dung (thôn Kế Tân, xã Ia Sol) hiện có 5 con heo nái và 30 con heo thịt giống siêu nạc. Chuồng trại được gia đình chị xây dựng khép kín, chia làm từng khu cho mỗi loại heo, gồm: khu chuồng heo nái bầu, khu heo sinh sản, khu heo cai sữa, khu nuôi heo thịt và khu cách ly, phòng khi heo bị bệnh. Ngoài ra, gia đình chị cũng đã xây hầm biogas nhằm tận dụng chất thải chăn nuôi để làm khí đốt, vừa đảm bảo môi trường, vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Chị Dung phấn khởi nói: “Giống heo siêu nạc có đầu ra ổn định hơn, ít tốn công chăm sóc, ít tốn thức ăn so với các loại heo khác nhưng heo lại lớn nhanh hơn, do đó lợi nhuận cũng cao hơn nhiều. Hiện tại mỗi lứa (3 tháng một lứa) tôi thu trên 100 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, 1 lứa heo gia đình tôi lãi từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng”.
Mô hình tổ liên kết chăn nuôi heo siêu nạc được Hội LHPN huyện Phú Thiện triển khai thực hiện thí điểm tại địa bàn xã Ia Sol với 30 hộ là hội viên phụ nữ thuộc các đối tượng hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi tham gia. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là trên 157 triệu đồng, mỗi hộ tham gia được cấp 3 con heo siêu nạc có trọng lượng 15 kg, trị giá hơn 3 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình còn được hỗ trợ chung 1 máy trộn thức ăn chăn nuôi đa năng, 2 máy băm nghiền đa năng và được tham gia các khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật quy trình chăm sóc con giống, vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh…
Bà Võ Hoàng Lan-Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện cho biết: “Mô hình tổ liên kết chăn nuôi heo siêu nạc đã góp phần giải quyết việc làm cho 36 hộ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần hoàn thành tiêu chí giảm nghèo trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ các thành viên trong tổ tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng để phát triển thêm đàn heo và mở rộng các dịch vụ nông nghiệp khác nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ, cũng như hỗ trợ các lớp tập huấn về phát triển nông nghiệp chăn nuôi cho các thành viên”.
Quang Tấn