Minh "cô đơn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khoát mạnh tay, Minh “cô đơn” gằn giọng nói: “Không gia đình, người thân, không giấy tờ tùy thân, không nhớ tên, không biết tuổi… Cái mạng tôi coi như chả có gì để mất! Thương là thương mấy cháu sinh viên. Nếu làm tụi nó mất mát, đau khổ thì cha mẹ tụi nó còn đau khổ, mất mát hơn nhiều!”. Chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi, hơn chục năm qua, Minh “cô đơn” đã trở thành chỗ dựa của sinh viên và người đi đường qua lại khu Đại học Quốc gia TPHCM mỗi khi có yêu cầu hỗ trợ.
Góc phố tình thương
Dáng người thấp đậm, nước da ngâm đen, bước đi nhanh nhẹn, chiếc nón sùm sụp trên đầu, đôi mắt sắc lẹm, nói năng bổ bã…, Minh “cô đơn” đậm nét là dân “anh chị”. Ấy vậy, hơn chục năm qua, không ít người đi đường hay sinh viên Trường Đại học Quốc gia TPHCM lại rất gần gũi với chú Minh “cô đơn”.
Bởi lẽ, dù bất kể đêm khuya, giữa trưa nắng chang chang hay lúc mưa gió… khi xe bị bể bánh, hết xăng, hư hỏng hay sinh viên nữ bị kẻ biến thái quấy phá, cặp tình nhân bị cướp trấn lột… thì chỉ cần a lô là chú Minh “cô đơn” xuất hiện.
Chú Minh không chỉ cho xăng, mà còn vá xe miễn phí. Nếu phải hư vỏ ruột xe… thì giá thay cũng rẻ bèo. Gặp người không có tiền, chú Minh tặng luôn. Xe hư máy không thể khắc phục tại chỗ thì chú Minh đẩy xe về đến tận nhà.
Chỉ tay về phía tấm bảng “Bơm vá xe miễn phí” dựng sát lề đường, Minh “cô đơn” cho biết: “Tôi không biết chữ nên phải nhờ mấy đứa sinh viên ghi giùm cùng số điện thoại liên lạc lên tấm bảng và cái thùng xe này. Miễn phí là không lấy tiền và tôi từ chối bất kỳ khoản tiền nào của người đi đường cũng như các cháu sinh viên”.
 
Chú Minh “cô đơn” chuẩn bị đồ nghề để thực hiện tâm nguyện của mình
Các tuyến đường trong khu Đại học Quốc gia TPHCM dù đã nhiều lần đổi tên, nhưng đối với người đi đường và sinh viên thì cái góc đường có tên gọi ngã tư Quốc Phòng (vì gần Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh) hay ngã tư Hồ Đá (vì giáp ranh với hồ đá)… gần ký túc xá khu B, vị trí mà chú Minh “cô đơn” chọn làm nơi thực hiện tâm nguyện của mình được gọi là “Góc phố tình thương”. Bởi lẽ, đó là nơi mà sáng sáng, chiều chiều… các bạn sinh viên trẻ tìm đến tụ tập rất đông để nhờ chú Minh vá xe hay bơm căng bánh.
Em Lê Quốc Thông, quê ở tỉnh Đồng Tháp, sinh viên năm 2, Đại học Công nghệ thông tin, cho biết: “Ngoài việc vá xe miễn phí, chú Minh “cô đơn” còn chạy xe ôm. Tụi em cần đi đâu đều a lô cho chú Minh. Đường dù dài hay ngắn, chú Minh đều không nói giá, người đi đưa bao nhiêu cũng được. Có lần ba má chưa kịp gửi tiền lên, em xin thiếu, chú Minh cười cười không chịu cho thiếu, mà… cho luôn”.
Khắc tinh của tội phạm
Vợ chồng ông Ngô Thanh Minh cho biết: “Nhà tôi ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Con gái là sinh viên năm nhất của Đại học Bách khoa. Hôm trước đang tìm đường đến trường, dù đang vá xe, chú Minh vẫn tận tình hướng dẫn cho tôi đến ban điều hành ký túc xá để đóng tiền và nhận phòng cho cháu. Đường chú chỉ đi tắt, rất gần”. Nhiều năm nay, ngã tư Quốc Phòng đã trở thành nơi ăn ở, sinh hoạt của Minh “cô đơn”.
Ông Nguyễn Văn Nhân, đội viên Đội cơ động, Phòng Quản lý an ninh trật tự, Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị - Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết: “Ngoài việc bơm vá xe miễn phí, chú Minh còn tích cực tham gia bắt cướp. Ngồi suốt ngày ngoài đường, chú Minh có điều kiện theo dõi các đối tượng khả nghi để kịp thời thông báo cho chúng tôi tổ chức ngăn chặn, bắt giữ. Chú cũng nhiều lần bắt quả tang bọn cướp trấn lột sinh viên.
Cách đây mấy ngày, ở khu vực Hồ Đá, chú Minh đã trấn áp được bọn cướp tài sản của các đôi tình nhân. Chú Minh bồi hồi kể lại: “Khoảng 23 giờ, đang chập chờn ngủ thì điện thoại reo vang. Anh bạn thân cho biết có 4 đối tượng đi trên 2 xe gắn máy chạy rảo quanh khu vực Hồ Đá rất khả nghi. Tôi liền phóng xe đến hiện trường và bí mật theo dõi bọn chúng. Trời quá khuya, nhưng bên kia đường vẫn còn mấy cặp nam nữ thanh niên đang chuyện trò. Quan sát thấy hai thằng ngồi sau xuống xe đi bộ vào khu vực đó.
Tôi thấy rõ bọn chúng xịt cái gì đó vào mặt cô gái. Tôi tức tốc chạy tới, vừa chạy vừa kêu to: “Cướp! Cướp!” để đánh động. Bọn cướp bỏ chạy. Tôi lao vào đẩy ngã một thằng, nhưng nó liền vùng dậy bỏ chạy. Còn cô gái (nhà ở quận 9) không nói được, cứng họng do bị xịt hơi cay. Chiếc túi xách bị đứt một bên quai, vẫn còn trên vai. Nam thanh niên là sinh viên Trường Đại học Công nghệ, sợ hãi, mặt mày tái xanh. Tôi trấn an và khuyên mấy đứa không nên hẹn hò ở nơi vắng vẻ, tối tăm này”. 
Đó chỉ là một trong những vụ mà chú Minh “cô đơn” đã tham gia bắt quả tang. Trực tiếp đối đầu với bọn cướp thì nhiều, không nhớ hết. Vén cái quần jean lên cho chúng tôi xem vết sẹo dài ở ống chân, vết hằn sâu ở cánh tay phải, chú Minh “cô đơn” cho biết đó là hậu quả của những “trận” khốc liệt nhất. Đó là chưa kể hàng chục vết chém ở trước ngực, sau lưng. Đưa tay khoát mạnh, Minh “cô đơn” gằn giọng từng tiếng: “Bắt cướp là chấp nhận thương tích, chấp nhận trả thù, nhưng tôi không sợ”.
Gần bùn nhưng chẳng hôi tanh
Sau vài trận mưa, con đường mòn ngoằn ngoèo dẫn vào căn chòi của chú Minh “cô đơn” sình lầy trơn trợt khiến chúng tôi mấy lần suýt ngã. Nơi ở đơn sơ chỉ là tấm bạt giăng giữa rừng cây ẩm ướt. Bếp lò là 3 cục gạch kê nghiêng. Mấy cái thùng xốp đựng nước mưa để tắm giặt. Chiếc màn vàng úa bao phủ lên chiếc giường ọp ẹp.
Trên chiếc cột móc màn, chú Minh treo xấp lớp mấy cái bằng khen, giấy khen. Nhấc chiếc ghế nhựa mời tôi ngồi, chú Minh cho biết: “Bây giờ như vậy là khang trang rồi. Ngày trước tôi treo cái bạt rồi móc võng nằm giữa 2 cây to này. Mấy anh quen ở Đồng Nai vào đây thấy tôi ăn ở cực khổ quá nên cho cái lều và cái giường để làm nơi ngủ nghỉ”.
“Tính đến nay, anh đã về đây bao nhiêu năm rồi”, chúng tôi hỏi. Rít một hơi thuốc lá thật sâu, anh Minh nói: “Mới chập chững biết đi, tôi đã lạc gia đình. Cuộc sống đẩy đưa, tôi sinh sống qua ngày nhờ lòng thương của khách tứ phương qua lại bến phà Mỹ Thuận. Năm 6 tuổi, một phụ nữ nhận tôi làm con nuôi và đưa về Long An. Nhưng không chịu nổi sự ức hiếp của con trai bà má nuôi, tôi bỏ nhà ra đi và trôi giạt về khu vườn chuối ở trường bắn Thủ Đức. Tôi sinh sống qua ngày bằng nghề lượm bao thuốc lá. Sau này, về khu vực đại học quốc gia, tôi đi lượm bao ni lông và làm đủ thứ việc, ai mướn gì làm đó. Bây giờ, tôi sống bằng nghề chạy xe ôm, rảnh rỗi thì bơm vá xe miễn phí”.
Ông Nguyễn Thành Liêm, nhà ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Tôi là thành viên của nhóm Kết nối yêu thương Cánh đồng vàng Biên Hòa - Đồng Nai. Tôi quen với chú Minh “cô đơn” như một cái duyên. Tôi thường đi câu cá ban đêm ở khu vực Hồ Đá. Một đêm trời mưa rất to, xe bị bể bánh, tôi liền gọi chú Minh. Thực lòng là chỉ gọi cầu may, vì đêm hôm tăm tối, mưa gió mịt mù thì dễ gì chú Minh tìm ra. Ấy vậy mà chú Minh vẫn tìm được và giúp tôi. Sau lần đó, tôi tìm hiểu và vận động anh em hỗ trợ cho chú Minh chiếc xe gắn máy, cái máy bơm và dựng bạt cho chú có chỗ ở”.
Chiếc xe Wave cho chú Minh vẫn còn mang tên chủ cũ. Đưa ánh mắt nhìn về phía căn bạt của mình, chú Minh cười rất hiền, nói: “Sinh ra trên cõi đời này, ai cũng có một cái tên, có giấy tờ tùy thân đầy đủ để trình khi hữu sự. Mấy lần bị thương tích vào bệnh viện, vì không có giấy tờ, tôi không được nhập viện để chữa trị. Cái tên Nguyễn Văn Minh là do mấy chú Công an quận Thủ Đức đã đặt cho để làm hồ sơ khen thưởng truy bắt tội phạm. Sau này, thấy tôi một mình làm việc thiện, đi bắt cướp nên mọi người đặt biệt danh là Minh “cô đơn”.
Đoàn Hiệp (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.