Mang Yang: Bò chết vì ăn phải túi ni lông?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hơn 1 tháng qua, một số người dân ở 2 xã Đak Trôi và Kon Chiêng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) rất lo lắng khi đàn bò bỗng dưng bụng phình to rồi chết. 
Từ ngày 26-3 đến 11-4, tại làng Đak Ó (xã Kon Chiêng) và Đak Bơt (xã Đak Trôi) có 56 con bò bị chết. Bò chết đều có dấu hiệu giống nhau là chướng bụng, có dịch chảy ra miệng và sùi bọt.
Ông Ngap (làng Đak Ó) buồn rầu nói: “Gia đình tôi có 14 con bò nhưng 10 con bị chết. Tôi nuôi bò đã hơn 20 năm nay và đây là lần đầu tiên thấy bò bị chết nhiều như vậy. Thường ngày, gia đình tôi thả rông cho bò đi ăn đến tối thì lùa về cho ăn thêm rơm khô. Không biết nguyên nhân vì sao bò chết. Đàn bò này nếu bình thường bán khoảng 100 triệu đồng, nhưng khi chết mỗi con chỉ bán 2-3 triệu đồng”. 
Không chỉ nhà ông Ngap mà nhiều hộ ở làng Đak Ó cũng có hiện tượng bò chết. Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng Võ Đình Huy cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã chỉ đạo lực lượng chuyên môn đến kiểm tra, đồng thời lập biên bản sự việc và báo cáo UBND huyện. Hiện tại, làng Đak Ó có 34 con bò bị chết trong thời gian từ ngày 1 đến 11-4. Ủy ban nhân dân xã vận động, hướng dẫn bà con nhốt bò, không thả rông mà tìm nguồn thức ăn và cho bò uống nước đầy đủ”.
Tương tự, xã Đak Trôi cũng có 22 con bò của 18 hộ dân bị chết. Số bò này đều được nuôi thả rông. Ông Pôt (làng Đak Bơt) cho hay: “Sáng sớm, người làng đi ngang qua thấy 4 con bò trong chuồng đã chết. Tôi vội chạy ra xem và không tin vào mắt mình. Gia đình tôi chẳng có gì quý giá ngoài 4 con bò này. Chúng chết hết thì không biết lấy gì mà sinh sống”.
Tương tự, đàn bò của chị Plich (cùng làng) bụng phình to, sùi bọt mép rồi chết. “Tôi không hiểu vì sao bò lại chết đột ngột như vậy. Tôi mong chính quyền địa phương sớm tìm ra nguyên nhân để bà con yên tâm”-chị Plich chia sẻ.
Bò chết bất thường tại nhiều gia đình ở làng Đak Ó (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang). Ảnh: Hà Phương
Bò chết bất thường tại nhiều gia đình ở làng Đak Ó (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang). Ảnh: Hà Phương
Bà Trương Thị Đào-Chủ tịch UBND xã Đak Trôi-cho biết: Tính từ ngày 26-3 đến 11-4, tại 2 làng Đak Bơt và Tơ Bla đã có tổng cộng 22 con bò của 18 hộ dân bị chết, tập trung nhiều nhất ở làng Đak Bơt (19 con). Đây là lần đầu tiên trên địa bàn xảy ra tình trạng bò chết bất thường như vậy. Ủy ban nhân dân xã đã cử cán bộ thú y xuống các làng để kiểm tra. Qua kiểm tra thì một số hộ có bò chết đã mổ ăn thịt hoặc bán nên rất khó để xác định nguyên nhân.
“Theo người dân, khi mổ bụng thì phát hiện có nhiều túi ni lông trong dạ dày của bò. Hiện nay, do tình hình khô hạn nên lượng thức ăn khan hiếm, bà con thả rông nên bò gặp gì ăn đó và ăn cả túi ni lông, chất khó tiêu hóa”-bà Đào nói.  
Trao đổi với P.V, ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh) thông tin: “Sau khi kiểm tra số bò chết tại các địa phương này, chúng tôi phát hiện trong dạ dày của chúng có nhiều túi ni lông. Khi khan hiếm thức ăn, bò đã phải ăn bừa nhiều thứ, kể cả túi ni lông. Dạ dày của bò có 4 túi, khi ăn phải bao bì ni lông vào thì không tiêu hóa để đào thải ra ngoài nên bị tắc nghẽn mà chết. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp điều tra thêm để làm rõ nguyên nhân bò chết”.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Những năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Từ nguồn quỹ này, hàng chục ngàn hộ nghèo trong tỉnh Gia Lai được hỗ trợ để vươn lên ổn định cuộc sống.

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

(GLO)- Ở cơ quan K8 ngày ấy (nay là thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) trong căn cứ phía sau dãy Hãnh Hót có nhiều chị em phụ nữ, hầu hết ở độ tuổi 18-20. Chỉ có cô Bảy Sương (Nguyễn Thị Sương) là lớn tuổi nhất, nhưng cũng ở độ tuổi U40.

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

(GLO)- Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, phường Đống Đa (TP. Pleiku) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, phường chú trọng đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, động viên bà con tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.