"Mái tóc huyền" giữa rừng Kon Chư Răng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi từng có dịp đi du lịch vòng quanh thế giới, ngắm tháp Eiffel ở Paris hoa lệ, ngẩn ngơ giữa những con phố cổ của Roma, trầm ngâm với những tòa lâu đài ma mị ở Scotland, lặng nghe gió rít bên tai ở đồng cỏ hoang phủ đầy thạch nam vùng Yorkshire xứ sở sương mù Anh quốc hay bay cùng khinh khí cầu trên bầu trời cố đô Bagan (Myanmar). Và rồi một ngày con tim bỗng thổn thức nhớ về quê hương Kbang-nơi tôi sinh ra, lớn lên và chia xa. Tôi chợt nhận ra, dù có đi tới chân trời góc bể thì hồn mình đã lưu lại nơi ấy, giữa Tây Nguyên nắng gió, ở những nẻo rừng êm ả như ru, trong tiếng thác róc rách hay bản tình ca của lũ chim rừng.
 Mới đây, tôi may mắn được theo chân các thầy cô Trường THPT Anh hùng Núp đến với thác Suối Rêu, còn gọi là thác Ba Tầng (Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, xã Sơn Lang) trong dịp về thăm quê cũ. 7 giờ sáng, đoàn người xuất phát từ trung tâm thị trấn Kbang. Những chiếc xe máy lầm lũi theo đường Trường Sơn Đông đi về hướng xã Sơn Lang, vượt qua những cung đường uốn lượn trong tiếng gió rít và chút se lạnh còn vương lại của mùa xuân nơi miền núi cao.
 Tầng cuối của thác Suối Rêu (xã Sơn Lang, huyện Kbang). Ảnh: internet
Tầng cuối của thác Suối Rêu (xã Sơn Lang, huyện Kbang). Ảnh: internet
Sau gần 2 tiếng đồng hồ chạy xe thong thả để đảm bảo an toàn khi qua những rẫy cà phê hay con dốc thoai thoải với lối đi bấp bênh, cuối cùng mọi người cũng đến địa điểm tập kết. Để xe lại đấy, đoàn người xuyên rừng một đoạn. Tất cả vỡ òa khi chân chạm vào làn nước mát rượi trong một buổi sáng cuối xuân với tiết trời se lạnh.
Rừng vẫn còn ngái ngủ sau một đêm hoan ca giữa đại ngàn. Mùa mưa chưa đến nên nước chảy dịu dàng như chờ ngày mưa về để cuốn bằng hết những giận hờn nhung nhớ. Ở đấy, tầng thác đầu tiên không thôi rền rĩ vì vẻ đẹp của mình đã bị mùa khô trêu ngươi khiến nó không thể cuồn cuộn, ầm ào đổ xuôi xuống những tầng phía dưới. Thế nhưng, men theo triền đá và lối đi ẩn giữa những tàng cây xanh mướt, tôi chợt ngẩn ngơ trước nhan sắc kiêu sa nhưng không kém phần ngọt ngào của dòng thác đang tuôn mình như mái tóc tha thướt của nàng tiên giữa đại ngàn.
Mặc dù đồng bào địa phương vẫn quen gọi đây là thác Ba Tầng dựa vào đặc điểm địa hình, nhưng với riêng tôi, chỉ có Suối Rêu mới xứng đáng là danh xưng mỹ miều dành cho con thác này. Là vì, bên trong hang nằm phía sau thác nước là những lớp rêu xanh mềm mại phủ kín mặt đất, những tảng đá xanh rêu và loài hoa đá nở rộ. Cá bơi lượn từng đàn như thể chúng chẳng muốn chơi trò trốn tìm với người lạ. Đâu đây, lũ bướm bay lượn nhịp nhàng và kìa, những chiếc lá đỏ ối buông mình lơ đễnh xuống hồ ngọc dưới chân thác. 
Vài thân cây cổ thụ đổ mình làm thành lối đi và loài nấm bỗng cựa mình sinh sôi nảy nở. Nước từ thác hòa vào lòng hồ, lắng đọng rồi lại len lỏi theo những tảng đá lớn nhỏ dưới bóng mát bao phủ của cây cối. Cứ thế, từ non cao chúng chảy về xuôi, hòa mình theo nhịp thở của quy luật đất trời.
Trên khoảnh đá rộng rãi, người thì tắm dưới làn nước mát trong giũ bỏ bụi đường, người lại quây quần canh chừng món thịt gà, thịt heo nướng vàng ươm thơm lừng, hứa hẹn một buổi dã ngoại thú vị giữa thiên nhiên trong lành, yên ả. Từ đây nhìn xuống, hồ nước xanh ngọc tưới đẫm mình dưới dải lụa trắng tinh khôi mềm mại của thác nước.
Rời thác Suối Rêu, âm thanh ấy, vẻ đẹp dịu dàng được đại ngàn ôm ấp bao bọc ấy cứ mãi vương vấn không thôi. Hẹn một ngày, ừ thì tôi xin phép gửi lời hẹn, sẽ trở lại với thác Suối Rêu, để tìm về với rừng già và úp mặt vào dòng thác cho hồn mình lại ấu thơ như thuở nào...
 KIM NGÂN

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.