Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 2: Người thương binh nặng đoạt huy chương Paragames

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Là thương binh nặng, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hùng quyết vượt lên số phận, tích cực rèn luyện sức khỏe để tham gia các cuộc thi thể thao dành cho người khuyết tật.

Năm 2003, tại Paragames lần thứ 22 được tổ chức tại Việt Nam, thương binh Nguyễn Thanh Hùng là thành viên đội tuyển quốc gia, và xuất sắc giành huy chương bạc môn đẩy tạ, hai huy chương đồng môn ném lao và ném đĩa.

Xung phong đi bộ đội

Tháng 9 năm ngoái, báo Tiền Phong đã tổ chức chương trình “Ánh lửa từ trái tim” lần thứ hai, với mục đích là cầu nối để các thương binh hiện đang điều dưỡng tại các Trung tâm thương binh trên toàn quốc có dịp gặp gỡ, giao lưu. Khi đó, tôi cùng với một số phóng viên trong tòa soạn được giao nhiệm vụ đến các trung tâm điều dưỡng, chăm sóc thương binh để mời một số thương binh tham gia cuộc giao lưu cho chương trình này. Tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu anh Nguyễn Thanh Hùng có giọng hát rất hay, có thể tham gia văn nghệ tại chương trình giao lưu. Đến khi gặp anh Hùng, ấn tượng đầu tiên của tôi là thấy anh có đôi tay vạm vỡ, chống nạng đi lại khá nhanh nhẹn dù đã mất một chân. “Ngoài hát hay, anh Hùng còn là một vận động viên. Anh từng tham gia Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á (Paragames) và giành huy chương”, chị Thủy cho biết.

Tại chương trình “Ánh lửa từ trái tim” diễn ra sau đó, thương binh Nguyễn Thanh Hùng tham gia biểu diễn văn nghệ, hát bài “Vết chân tròn trên cát”. Khi biểu diễn trên sân khấu, nhìn anh cầm chiếc nạng gỗ để chống bên chân phải đã cụt gần hết, cả hội trường đã lặng đi. Hôm đó anh hát rất hay, đầy truyền cảm, khiến một phóng viên theo dõi mảng văn nghệ đứng cạnh tôi đã thốt lên: “Hay như ca sĩ chuyên nghiệp”.

Thương binh Nguyễn Thanh Hùng (bìa trái) nói chuyện cùng Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Minh Toản (giữa) trong lần báo Tiền Phong về trao quà dịp 27/7 tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang (Ảnh: K.N-Đ.A)

Thương binh Nguyễn Thanh Hùng (bìa trái) nói chuyện cùng Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Minh Toản (giữa) trong lần báo Tiền Phong về trao quà dịp 27/7 tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang (Ảnh: K.N-Đ.A)

Gần đây, chúng tôi có dịp gặp lại thương binh Nguyễn Thanh Hùng. Anh Hùng cho biết, anh sinh năm 1964, trước đây do là con một nên được miễn nghĩa vụ quân sự. Năm 1986, khi đang làm việc tại Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nguyễn Thanh Hùng đã xung phong đi bộ đội. Đơn vị anh nhập ngũ thuộc đại đội 2, tiểu đoàn 237, trung đoàn 272 trực thuộc Quân đoàn 14, đóng tại vùng biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn. Trải qua những tháng ngày trong quân ngũ, Nguyễn Thanh Hùng dần trưởng thành, được đề bạt là tiểu đội trưởng kiêm pháo thủ số 2 pháo cao xạ 37 ly của đơn vị. Tháng 2/1988, trong một lần mang các bảng phương vị bắn của pháo cao xạ đi chỉnh sửa để phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, anh Hùng bị tai nạn nghiêm trọng. Vết thương do khi đang thực thi nhiệm vụ ấy khiến anh Hùng bị giập nát gần hết chân phải, cùng chấn thương ở đầu. Được đưa về bệnh xá Quân đoàn cấp cứu, bác sĩ phải cắt bỏ gần hết chân phải của anh. Sau ba ngày cấp cứu, chữa trị, anh được đưa về Bệnh viện Quân y 110 ở tỉnh Bắc Ninh để điều trị lâu dài. Tại đây, vết thương tại chân phải của anh phải phẫu thuật lần nữa, rồi điều trị hai tháng rưỡi mới được xuất viện.

Rời Bệnh viện Quân y 110, Nguyễn Thanh Hùng là thương binh nặng, hạng 1/4, thương tật 85%. Anh thuộc tiêu chuẩn được nhà nước chăm sóc suốt đời, được chuyển về Đoàn an dưỡng 157 Quân khu 1 để chăm sóc, điều dưỡng lâu dài. Tại đây, thương binh Nguyễn Thanh Hùng gặp rồi yêu nữ y tá Ngô Thị Bằng. Chị Bằng sinh năm 1966, nhập ngũ năm 1985, trước Nguyễn Thanh Hùng một năm. Năm 1989, chị Bằng đủ điều kiện để phục viên, dự kiến sau đó sẽ đi xuất khẩu lao động ở Đức. Nhưng vì tình yêu, chị Bằng không đi lao động xuất khẩu nữa để lập gia đình với Nguyễn Thanh Hùng. Đám cưới của anh chị đúng ngày 27/7/1989.

Thương binh Nguyễn Thanh Hùng đi tham quan trong chương trình “Ánh lửa từ trái tim”.

Thương binh Nguyễn Thanh Hùng đi tham quan trong chương trình “Ánh lửa từ trái tim”.

Thương binh Nguyễn Thanh Hùng hát bài “Vết chân tròn trên cát” tại Chương trình giao lưu “Ánh lửa từ trái tim”. (Ảnh: K.N-Đ.A)

Thương binh Nguyễn Thanh Hùng hát bài “Vết chân tròn trên cát” tại Chương trình giao lưu “Ánh lửa từ trái tim”. (Ảnh: K.N-Đ.A)

Giành huy chương Paragames

Sau đám cưới, cuối năm 1989, chị Ngô Thị Bằng nhận quyết định phục viên, về ở gia đình nhà chồng tại xã Quế Nham (Tân Yên, Bắc Giang). Năm 1991, Nguyễn Thanh Hùng cũng chuyển về điều trị, điều dưỡng tại Trại An dưỡng tỉnh Hà Bắc, tại quê nhà anh, xã Quế Nham. “Qua thời gian, Trại An dưỡng tỉnh Hà Bắc nhiều lần đổi tên, hiện nay là Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang, trụ sở tại thành phố Bắc Giang. Như vậy, tôi đã gắn bó với Trung tâm này đến nay đã 33 năm”, anh Hùng cho biết.

Không chỉ tích cực luyện tập thể thao, thương binh Nguyễn Thanh Hùng còn đam mê ca hát. Mỗi khi có bài hát yêu thích, anh lại mở mạng tìm những người dạy bài hát đó để học, sau đó tự tập. Anh từng tham gia nhiều hội thi văn nghệ quần chúng ngành lao động, thương binh, xã hội của quốc gia, giành được huy chương vàng với bài hát “Màu hoa đỏ”, huy chương bạc bài hát “Người mẹ của tôi” và “Người chiến sĩ ấy”… Năm 2019, thương binh Nguyễn Thanh Hùng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do có nhiều thành tích trong lao động, vượt khó vươn lên, chiến thắng bệnh tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Hiện nay, do sức khỏe đã cải thiện nhiều, thương binh Nguyễn Thanh Hùng vẫn điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang, thỉnh thoảng được về với gia đình. Sau nhiều năm cố gắng, vợ chồng anh Hùng đã mua đất, xây được ngôi nhà tại một xã ngoại ô của thành phố Bắc Giang. Để có được ngôi nhà này, anh Hùng thỉnh thoảng cũng phụ giúp được vợ khi chị mở một quán nhỏ bán hàng để cải thiện cuộc sống gia đình. “Để làm được những việc này, tôi thấy là nhờ vào sức khỏe. Vì vậy, tôi càng chăm duy trì tập thể thao, rèn luyện sức khỏe, để thấy mình tuy “tàn nhưng không phế”, có thể làm được một số việc giúp đỡ gia đình, vợ con”, anh Hùng chia sẻ. Rồi anh cho biết, từ năm 1997, anh bắt đầu tham gia một số giải thể thao dành cho người khuyết tật. Ban đầu, nghĩ mình từng đi bộ đội, anh tham gia môn bắn súng, sau đó chuyển sang môn bóng bàn. Nhưng rồi thấy mình không hợp hai môn này, anh chuyển sang tập luyện môn đẩy tạ, ném lao, ném đĩa. Không ít lần, chị Bằng đã mang những dụng cụ này ra khoảng đất trống để anh Hùng tập luyện. Năm 2001, trong đội tuyển của tỉnh Bắc Giang, anh Nguyễn Thanh Hùng tham gia cuộc thi thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc và giành huy chương đồng môn đẩy tạ. Năm 2003, tại cuộc thi thể thao người khuyết tật toàn quốc tiền Paragames, anh Nguyễn Thanh Hùng tham gia và giành được huy chương bạc môn đẩy tạ, huy chương đồng ném lao.

Nhờ những thành tích đạt được, Nguyễn Thanh Hùng được gọi vào đội tuyển quốc gia. Năm 2003, tại Paragames lần thứ 22 được tổ chức tại Việt Nam, ở tuổi gần 40, vận động viên Nguyễn Thanh Hùng đã xuất sắc giành huy chương bạc môn đẩy tạ, hai huy chương đồng môn ném lao và ném đĩa. Sau Đại hội này, do đã lớn tuổi, nên Nguyễn Thanh Hùng rời khỏi đội tuyển quốc gia, nhưng anh vẫn duy trì tập luyện thể thao thường xuyên để giữ gìn sức khỏe. “Hằng ngày, tôi vẫn cố gắng duy trì đạp xe 20km trong một giờ vào buổi sáng và tập gym vào buổi chiều”, thương binh Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Người cuối cùng lưu giữ bờ xe nước

Người cuối cùng lưu giữ bờ xe nước

Bờ xe nước sông Trà là biểu tượng độc đáo của người Quảng Ngãi từ những năm giữa thế kỷ 18. Không chỉ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, đây còn là công trình công phu, mang tính mỹ thuật cao, đã đi vào thi ca, nhạc họa.
Ghi ở Măng Bút

Ghi ở Măng Bút

Tinh thần của Chiến thắng Măng Bút 50 năm trước sẽ tiếp tục lan tỏa, sẽ tiếp tục truyền niềm tin và khát vọng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Măng Bút vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Kon Pne: Nỗi buồn… xã vùng I

Kon Pne: Nỗi buồn… xã vùng I

(GLO)- Được mệnh danh là xã xa nhất tỉnh Gia Lai, Kon Pne (huyện Kbang) cách TP. Pleiku 200 km; còn từ trung tâm huyện vào nơi từng được ví như “ốc đảo” này cũng phải mất trên 80 km. Vậy mà, Kon Pne lại được “thăng hạng”, từ xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) trở thành xã vùng I...
Giữ vị mì xứ sở

Giữ vị mì xứ sở

Miệng móm mém, tóc bạc phơ, lưng gù, 82 tuổi, bà Trần Thị Thời (thôn Thanh Chiêm 2, phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cùng chồng mỗi ngày vẫn miệt mài bên nồi mì Quảng nóng hổi.
Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Mặt trời ngả xuống núi, phố nhỏ lên đèn, êm đềm chìm trong làn sương trắng mong manh. Những gánh hàng rong kẽo kẹt ghì chặt từng đôi vai gầy. Các chị, các mẹ bắt đầu xuống “chợ âm phủ”, đem theo vận may một đêm chạy hàng.