Mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói: Điều kiện cần để nông sản xuất ngoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu, ngành Nông nghiệp Gia Lai đang tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp, cơ sở đóng gói.

“Chìa khóa” để xuất khẩu nông sản

Ông Nguyễn Ngọc Mai-Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai-cho biết: Công ty đang đầu tư trồng 1.400 ha chuối, 100 ha sầu riêng và 110 ha bưởi tại huyện Mang Yang. Thời gian qua, bên cạnh việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, Công ty còn tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để nông sản đủ điều kiện xuất khẩu. Đến nay, Công ty được cấp 4 mã số vùng trồng chuối, 5 mã số cơ sở đóng gói. Mỗi tháng, Công ty xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 400 ngàn tấn chuối và Nhật Bản, Hàn Quốc hơn 800 ngàn tấn. “Muốn đưa được sản phẩm ra thị trường thế giới thì bắt buộc phải có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Ngoài 4 mã vùng trồng chuối đã được cấp, Công ty đã hoàn thiện hồ sơ để xin cấp thêm mã số vùng trồng cho sầu riêng và bưởi”-ông Mai thông tin.

 Công nhân Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn sơ chế chuối. Ảnh: Lê Nam
Công nhân Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn sơ chế chuối. Ảnh: Lê Nam


Tương tự, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn đang triển khai Dự án trồng chuối già Nam Mỹ tại huyện Đak Đoa với diện tích 375 ha (Ia Pết 200 ha, Kon Gang 130 ha và Hneng 45 ha). Để sản phẩm chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc theo đường chính ngạch, Công ty đã hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục và được Cục Bảo vệ thực vật cấp 7 mã số vùng trồng chuối và 3 mã số cơ sở đóng gói. Ông Trương Thành Trọng-cán bộ phụ trách kinh doanh của Công ty-cho biết: Chuối được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ứng dụng công nghệ bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt, phun thuốc bằng máy bay không người lái, ghi chép đầy đủ nhật ký chăm sóc, thu hoạch theo từng lô, từng hàng. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc được hơn 10 ngàn tấn chuối. “Nếu không có mã số vùng trồng thì sản phẩm chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa hoặc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Dự kiến tháng 7-2022, Công ty tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu chuối sang Nhật Bản”-ông Trọng cho hay.

Toàn tỉnh hiện có 55 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 5.775 ha. Trong đó có 6 mã số vùng trồng xoài tại huyện Ia Pa, Chư Prông; 8 mã số vùng trồng thanh long tại huyện Ia Pa, Chư Prông, Mang Yang, Đak Pơ, Ia Grai và thị xã An Khê; 10 mã số vùng trồng mít tại huyện Chư Prông, Mang Yang, Ia Grai, Chư Pưh, Chư Păh và thị xã An Khê; 22 mã số vùng trồng chuối tại huyện Chư Prông, Mang Yang, Chư Păh, Đak Đoa; 9 mã số vùng trồng dưa hấu tại huyện Chư Prông, Kbang, Krông Pa và thị xã Ayun Pa; 21 cơ sở đóng gói trái cây tại huyện Chư Prông, Mang Yang, Chư Păh, Ia Grai, Chư Sê, Đak Đoa. Các loại nông sản như: xoài, thanh long, mít, chuối, dưa hấu đủ điều kiện xuất khẩu theo đường chính ngạch qua thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ. Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã gửi hồ sơ 8 mã số vùng trồng chanh leo, sầu riêng chờ cấp, 1 mã số cơ sở đóng góp; đang hoàn thiện hồ sơ 20 mã vùng trồng ớt, 2 mã số vùng trồng bưởi, 1 mã vùng trồng sầu riêng.

Quan tâm xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc. Đây là điều kiện bắt buộc trước khi xuất khẩu nông sản. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp triển khai xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh bình đẳng trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) và UBND xã Ia Rong triển khai xây dựng mã số vùng trồng, chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho vùng sản xuất cây sầu riêng. “Để hướng đến mục tiêu xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nhất là sản phẩm cây ăn quả theo đường chính ngạch, huyện đang tích cực hỗ trợ, tuyên truyền người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói”-ông Khánh thông tin.

Mô hình trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Chư Păh. Ảnh: Lê Nam
Mô hình trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Chư Păh. Ảnh: Lê Nam
Ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí về diện tích, an toàn thực phẩm, kiểm soát sinh vật hại và biện pháp quản lý, có sổ tay ghi chép, áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

Còn ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ thì cho hay: “Việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp nước nhập khẩu truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà còn góp phần quản lý người sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm và làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp”. Hiện nay, một doanh nghiệp liên kết với người dân các xã: Phú An, Tân An, Cư An, Yang Bắc để xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho cây ớt. Phòng Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân về các quy trình xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Qua các buổi tập huấn, đa số hộ dân đồng thuận và mong muốn sớm xây dựng được mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để các sản phẩm nông sản của bà con có thể xuất khẩu.   

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho hay: Hiện nay, nông sản của tỉnh chủ yếu được chế biến thô, bán cho các thương lái và qua nhiều khâu trung gian nên giá trị sản phẩm thấp. Muốn nông sản xuất khẩu trực tiếp đến các nước, có sự cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm khác thì bắt buộc phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đây là nhu cầu tất yếu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới.

 

 LÊ NAM

 

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.