Lưu dấu thời gian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
(GLO)- Dẫu không nhìn thấy được, không sờ chạm được, nhưng những vết tích thời gian vẫn đang hiện hữu quanh chúng ta.

Một chiếc lá đổi màu gọi thu sang, những cành cây trơ trụi khi đông về, buổi sáng se lạnh, buổi trưa rực nắng… Mái tóc lòa xòa của những bé thơ, mái tóc dài mượt thời thiếu nữ hay mái tóc bạc phơ của tuổi già… Tất cả đều lưu dấu thời gian.

Thời gian đi qua cuộc đời mỗi con người. Biết bao hạt khô đã rơi xuống, mọc thành cây rồi lớn lên thành những cánh rừng. Trái đất có từ bao giờ, sông sâu, núi cao, biển cả, ruộng đồng... bao nhiêu biến cải. Không chỉ một ngày, một buổi, một mùa, một năm, thời gian đi qua những phận người, đi qua những cuộc đời, kết nối nhiều thế hệ.

Tác giả tham quan Tháp Bà Ponagar. Ảnh: T.A

Tác giả tham quan Tháp Bà Ponagar. Ảnh: T.A

Những nơi ta đang sống hay đã từng đi qua, bây giờ ra sao. Những con đường rộng mở, khang trang; những khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp đã làm thay đổi diện mạo một đất nước có nền nông nghiệp trồng lúa nước bao đời. Thị xã Pleiku nhỏ bé năm nào giờ đã vươn mình trở thành một đô thị nhộn nhịp, năng động, tạo ra nhiều vận hội mới cho cư dân nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa. Hình ảnh con đường đất đỏ “nắng bụi mưa bùn”, phố núi mờ sương vắng vẻ với đôi ba chiếc xe lam đầy khói đưa đón khách giờ chỉ còn trong ký ức của lớp người từng sống nơi đây mấy mươi năm trước.

Trước một mái đình cổ kính, một tàng cây cổ thụ, trước những đền đài, lăng tẩm lưu dấu ngàn năm, chúng ta có thể tìm thấy được sự gắn kết giữa các thế hệ, giữa sự sôi động của nhịp sống hiện đại và những trầm mặc, ưu tư của ngàn năm xưa cũ. Với tôi, khi đứng trước một di tích, trái tim thường ngân lên cảm xúc bồi hồi rồi đắm chìm trong sự liên tưởng. Tôi nghĩ đến những câu chuyện lịch sử hay chuyện trong dân gian truyền từ đời này sang đời khác. Những vết tích của lâu đài, thành quách, đền thờ, miếu mạo, cổ vật, dấu ấn của người xưa như vẫn còn đây, nhắc chúng ta nhớ về một thời đã qua.

Như mọi bạn bè cùng trang lứa, tôi đã từng say sưa theo những trang sách để tìm về cội nguồn mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sau này, khi có thể đi đến những vùng đất lịch sử ấy, cảm xúc như dâng trào khi nhìn vào từng cổ vật, từng dấu vết xưa, tưởng như có thể nghe được tiếng nói của tiền nhân vọng về từ nơi xa thẳm. Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc như sống động trong từng di sản. Bao thời gian đã đi qua như lắng đọng, vun bồi thêm để hồn nước non luôn đậm nét trong lòng mỗi người con nước Việt.

Mới đây, tôi có cơ hội tham quan Tháp Bà Ponagar-biểu tượng du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Nằm ở một nơi cao ráo, bằng phẳng, không xa trung tâm TP. Nha Trang, Tháp Bà thu hút sự quan tâm tìm hiểu, chiêm ngắm của đông đảo du khách. Từng đoàn người đi lên những bậc thang trên con đường rợp mát bóng cây dẫn vào tháp. Những ngọn tháp cao, uy nghi và linh thiêng mang một nét trầm mặc, trang nghiêm.

Khi đến nơi này, ai cũng trở nên trầm lặng hơn trong lúc dạo quanh khu tháp, vào nơi trưng bày hiện vật, đọc những tấm bia ghi thông tin hoặc là khi bước vào nơi thờ tự để thắp nhang, cầu mong an lành cho bản thân, gia đình, cầu cho quốc thái dân an. Những tấm ảnh chụp những tòa tháp sau khi được phục chế và lúc còn nguyên nét hoang sơ với nhiều dấu vết thời gian giúp cho du khách phần nào hiểu hơn sự trường tồn của khu di tích qua sự khắc nghiệt của thời gian.

Những văn bia bằng chữ Chăm cổ được lưu giữ trong khu trưng bày như lời của người xưa gửi gắm cho hậu thế. Dẫu không đọc hiểu được nhưng mỗi người đến đây hầu như đều dừng lại một chút. Những tượng người, những bức phù điêu và đặc biệt là bức tượng nữ thần Ponagar uy nghi trên bệ như minh chứng của một nền văn hóa đã từng phát triển rất rực rỡ từ rất lâu của người Chăm và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Dù thời gian đã phủ rêu xanh trên những đền tháp, nhiều thứ đã không còn nguyên vẹn, nhưng cũng chính cái cổ xưa ấy đã tạo nên sự vô giá cho khu di tích.

Đến nơi đây, thắp nén hương tưởng nhớ, nghe những câu chuyện kể về nữ thần Ponagar, về xứ trầm hương linh thiêng để hiểu hơn về một vùng đất, để thêm tự hào về sự đa dạng văn hóa mà chúng ta được thừa hưởng. Đắm mình trong không khí linh thiêng của đất trời, chúng ta như cảm nhận rõ nét hơn về những dấu ấn của thời gian lưu lại nơi đây.

Cùng với nhiều di tích khác dọc chiều dài đất nước, tòa tháp cổ vẫn đứng vững qua biết bao nắng mưa, bao vật đổi sao dời, chiến tranh loạn lạc và là một công trình văn hóa tâm linh mà tiền nhân đã để lại, ủy thác cho chúng ta gìn giữ và lưu lại cho các thế hệ mai sau.

Có thể bạn quan tâm

Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

(GLO)- Trường ca Xing Chơ Niếp của dân tộc Ê Đê được sưu tầm ở vùng Krông Pa (cũng có người cho rằng đây là trường ca của người Bahnar Chăm ở Krông Pa) từ những năm 80 của thế kỷ trước, cùng thời với H’mon Đăm Noi của người Bahnar được sưu tầm ở vùng Kông Chro ngày nay.
Thương lắm, nhà Rông…

Thương lắm, nhà Rông…

Đó là một trong những ngôi nhà Rông cổ và đẹp nhất nhì xứ này còn giữ lại hầu như nguyên vẹn ét xưa cũ trên cao nguyên. Nhưng ngọn lửa đã đốt trụi những gì tinh túy nhất của làng. Ngọn lửa bốc lên cháy rực bỏng rát trong tim của mỗi người làng một nỗi đau nhưng nhức.
Stơr vang tiếng chiêng ngân

Stơr vang tiếng chiêng ngân

(GLO)- Chúng tôi về thăm làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) trong một ngày nắng vàng như mật. Tại đây, chúng tôi thêm một lần được hòa mình trong âm thanh rộn ràng của cồng chiêng, chiêm ngắm những bộ trang phục truyền thống của các bà, các mẹ. Tất cả tạo nên bức tranh thật đẹp và yên bình.
Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

(GLO)- Hiện nay, cộng đồng người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) vẫn giữ được nhiều nghi lễ độc đáo. Trong đó, lễ cúng kết nghĩa buôn làng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.