Luật áp dụng sớm, bất động sản hồi phục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu 3 bộ luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội cho phép áp dụng sớm từ ngày 1.7, thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ hồi phục vào cuối năm 2024 và bình thường trở lại vào năm 2025.

Tăng nguồn cung

Dự kiến tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sẽ xem xét đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị áp dụng sớm 6 tháng kể từ ngày 1.7 đối với luật Đất đai 2024, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản (BĐS). Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ xem xét 2 dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội gồm: Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở; và Nghị quyết về thí điểm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với đối tượng thí điểm là các dự án đầu tư công nhóm B, C.

Thị trường bất động sản kỳ vọng sớm trở lại thời kỳ "hoàng kim" vào năm 2025

Thị trường bất động sản kỳ vọng sớm trở lại thời kỳ "hoàng kim" vào năm 2025

PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng nếu các bộ luật trên được thông qua sớm sẽ tác động rất tích cực tới thị trường. Như luật Đất đai mới hỗ trợ việc tiếp cận thị trường đất đai của các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, giúp phân khúc BĐS nông nghiệp khởi sắc, nhộn nhịp hơn. Luật Đất đai cũng đã cởi mở hơn rất nhiều với quy định tạo thuận lợi cho Việt kiều mua nhà, đất như người dân trong nước. Luật Kinh doanh BĐS sẽ vừa gỡ vướng, vừa thanh lọc thị trường với các quy định kiểm soát môi giới, giao dịch... Trong khi luật Nhà ở giúp tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, các bộ luật đều sẽ có độ trễ chính sách nên để bảo đảm hiệu quả thực thi, trong quá trình chờ đợi "ngấm", cần nghiên cứu nâng cao công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, cũng như nâng cao năng lực thực thi, áp dụng của cơ quan quản lý địa phương.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, cho rằng thị trường BĐS sẽ sớm quay trở lại trạng thái bình thường "mới" khi các bộ luật sớm có hiệu lực. Bởi khi các bộ luật trên đi vào cuộc sống sẽ giúp thị trường ngày càng minh bạch, rõ ràng cho mọi thành phần kinh tế tham gia; đồng thời giúp tăng nguồn cung, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội, trong lúc nhu cầu về nhà ở vẫn duy trì ở mức cao khi được củng cố bởi tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.

Đến nay, theo TS Đính, số lượng các nhà đầu tư sẵn sàng quay trở lại thị trường đã tăng lên, trong bối cảnh có nhiều dự án được mở bán, giới thiệu ra thị trường hơn. Trong thời gian tới, phân khúc BĐS bán lẻ sẽ đón nhận thêm hàng trăm nghìn m2 diện tích thuê mới chất lượng. BĐS công nghiệp tiếp tục duy trì vị thế tăng trưởng tích cực. Trong khi BĐS du lịch, nghỉ dưỡng dù khó phục hồi trong ngắn hạn nhưng sẽ có thêm nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt là sản phẩm condotel, căn hộ cao tầng gắn với du lịch nghỉ dưỡng thuộc những địa bàn du lịch truyền thống, trọng điểm.

Ông Lê Đình Chung, đại diện Hội Môi giới BĐS VN, phân tích: Thời gian gần đây, phân khúc căn hộ tiếp tục dẫn đầu về tỷ trọng giao dịch, dù các dự án mới mở bán hầu hết đều có mức giá thuộc phân khúc cao cấp. Dù vậy, với những quy định mới của pháp luật, thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều hơn nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân và từ các dự án nhà ở xã hội mở bán. Tại một số dự án nhà ở xã hội gắn liền các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, giao dịch đã được cải thiện, với lượng giao dịch tăng khoảng 30 - 40% so với cuối năm 2023. Phân khúc BĐS công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, là "ngôi sao sáng đang lên" của khu vực và trên thế giới. Phân khúc BĐS thương mại có thêm nhiều tín hiệu khởi sắc với sự tăng trưởng về nhu cầu thuê.

Riêng BĐS du lịch nghỉ dưỡng, theo đánh giá của ông Lê Đình Chung, thị trường vẫn chưa thoát khỏi vùng nguy hiểm, vẫn duy trì trạng thái ảm đạm và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Khi nhiều dự án mới liên tục rời thời gian triển khai bán hàng, nhiều dự án vướng mắc pháp lý, nhiều dự án phải điều chỉnh lại giá bán và chính sách bán hàng. Kỳ vọng khi luật Đất đai, đặc biệt là luật Nhà ở có hiệu lực với quy định mở cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà tại VN thì phân khúc này sẽ khởi sắc trở lại.

Hai kịch bản cho thị trường

Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, với việc các luật có thể có hiệu lực sớm hơn 6 tháng so với dự kiến, sẽ có những tác động nhất định lên thị trường BĐS trong thời gian tới. Đặc biệt, luật Đất đai từ trước đến nay vẫn được xem là bộ luật trung tâm, có sức ảnh hưởng sâu rộng với luật Nhà ở và luật Kinh doanh BĐS. Do đó, việc áp dụng sớm sẽ tạo tiền đề vững chắc cho các bộ luật còn lại phát huy tối đa hiệu quả. Ngoài ra, với những cải cách quan trọng trong các quy định về quy hoạch, thu hồi đất, cho thuê đất… nổi bật là việc gỡ vướng trong khâu tính tiền sử dụng đất hay trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các "nút thắt" pháp lý nhiều dự án. Từ đó, thúc đẩy gia tăng nguồn cung cho thị trường trong thời gian tới.

"Thị trường BĐS sẽ tăng trưởng tốt hơn khi các luật có hiệu lực sớm. Nhưng thị trường sẽ không "bùng" lên như những năm sốt nóng trước đây, mà phát triển ổn định. Việc kiểm soát tốt hơn, các hoạt động đầu tư kinh doanh, môi giới dịch vụ cũng được quản lý chặt hơn giúp thị trường minh bạch, công bằng và bền vững. Những đợt thay đổi pháp lý trong quá khứ đều tạo ra những biến động lớn đến thị trường bất BĐS. Khi áp dụng các bộ luật mới sẽ có 4 tác động lớn: thị trường tăng trưởng cục bộ, sàng lọc chủ đầu tư, quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, và hệ thống quản lý chặt chẽ hơn", ông Quang phân tích.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, đồng quan điểm: Để thị trường hồi phục mạnh mẽ hơn cần được "tiếp sức" bằng việc 3 đạo luật cùng 2 dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội nêu trên phải được thông qua sớm. Đồng thời với việc Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, sát với thực tiễn, sẽ xử lý được hầu hết các vướng mắc pháp lý của 148 dự án BĐS trên địa bàn TP.HCM. Từ đó có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường từ khoảng cuối năm 2024 trở đi và trở lại bình thường vào khoảng giữa năm 2025 trở đi do độ trễ của chính sách.

Khi áp dụng các bộ luật mới sẽ có 4 tác động lớn: thị trường tăng trưởng cục bộ, sàng lọc chủ đầu tư, quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, và hệ thống quản lý chặt chẽ hơn.

Ông Trần Khánh Quang (chuyên gia về thị trường bất động sản)

Hiện nay, các Bộ, ngành đang nỗ lực hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành hơn 20 Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật liên quan để cùng có hiệu lực thi hành đồng bộ giữa các luật.

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.