Long lanh Cù Lao Xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tàu cao tốc chỉ mất chừng 45 phút nhưng tàu cá thì phải hơn 1 giờ 30 phút miệt mài đè sóng mới tới được Cù Lao Xanh. Hòn đảo phủ đầy cây xanh và được bao bọc xung quanh phần lớn là những vách núi dựng đứng để sóng vỗ về khi vui và cuồng nộ khi buồn. Những vách đá được tôi luyện ngàn năm bởi nỗi niềm của biển nên mòn nhẵn đến mơn man. Tắt máy thuyền, neo lên một ngọn sóng, lắng nghe âm thanh tự tình vọng ra từ những hốc đá tưởng như đó là một bản nhạc giao hưởng tuyệt vời của thiên nhiên ban tặng cho những kẻ si tình.
Nếu may mắn ra đảo vào ngày nắng, du khách sẽ tận hưởng màu xanh trong của biển. Biển chưa bao giờ là một màu, lúc thì xanh nhạt như khoác lên màu voan mỏng để lộ những rặng san hô thi thố sắc màu; lúc thì xanh ngọc lóng lánh như ánh mắt nhớ mong người yêu. Có lẽ vì yếu tố này mà nhiều người gọi đảo là “hòn ngọc của biển”. Trên đỉnh cao nhất của một ngọn núi, người Pháp xây ngọn hải đăng (năm 1890) để nhìn ra biển, đây là ngọn hải đăng cao nhất Đông Dương thời đó. Đã hơn một trăm năm nó lặng lẽ lấy ánh sáng của mình để đo màu nước biển.
 Một góc Cù Lao Xanh. Ảnh: T.Đ
Một góc Cù Lao Xanh. Ảnh: T.Đ
Dưới chân ngọn hải đăng là Giếng Tiên, mũi Hoàn Bằng, Giếng Thùng với thảo nguyên đá đen... Đá ở đảo toàn màu xám trắng bỗng nhiên đen lại ở Giếng Thùng tạo ra một thảo nguyên đá đen bao quanh một bãi cỏ rộng và eo gió lồng lộng suốt mùa như vẫy gọi, reo ca. Gần bãi đá đen, đảo xếp riêng một bãi đá tròn nằm riêng biệt. Ai đó có tâm hồn nghệ thuật xếp hình thì mê mẩn trước nghệ thuật của tạo hóa. Từng tảng đá chồng lên nhau chồm ra sóng, từng hòn đá tròn nằm xúm xít như ổ trứng của rùa biển, thỉnh thoảng là bãi cát trắng mượt mà như thủy tinh, như pha lê làm cốc nước để biển rót vào.
Tương truyền, những đêm trăng sáng, các tiên nữ trên trời không cưỡng được vẻ đẹp của biển nên đã xuống tắm rồi chồng những tảng đá bằng nhô ra biển để ngồi ngắm cảnh trước khi bay về trời. Ở mũi Đông là nơi ta có thể ngắm bình minh gần đến mức tưởng như với tay ra là chạm được mặt trời hồng.
Đảo khá nhỏ, diện tích hơn 360 ha nên có thể leo lên ngọn hải đăng nhìn bao quát hết đảo. Cả Cù Lao Xanh hiền ngoan nằm nhìn ánh mặt trời nhô lên trong lúc bình minh thì đó là lúc giao hòa tuyệt diệu nhất của sắc màu. Biển ấm lên khi những con tàu đầy ắp cá theo ánh nắng vào bờ. Hoàng hôn xuống, ánh sáng của đèn điện TP. Quy Nhơn xa xa dần hiện ra gợi lên một mơ tưởng, một khát khao vượt biển của những chàng ngư phủ suốt đời bị bao phủ bởi sóng. Đó là miền cổ tích mà bên kia là những ông bụt, vị thần.
Với mớ hải sản tươi roi rói, ngay trong một cái hang đá bên bãi cát, chỉ cần một đống lửa nhỏ cũng đủ làm thơm lừng hương biển. Vừa nướng cá vừa rượt chạy theo những con còng ăn đêm dễ làm ta lạc lối. Những chàng trai mê biển lặn ngắm san hô vào buổi trưa thường bị mê hoặc, cứ muốn lặn mãi vào đáy biển.
Những lối đi mòn hun hút vào núi thỉnh thoảng chợt hiện ra một bãi cát mịn trắng đến ngỡ ngàng. Khám phá đảo chưa bao giờ khiến ta mỏi chân bởi mỗi bước chân là một cảm giác, một bí ẩn của đảo được mở ra. Cách bờ không xa nhưng Cù Lao Xanh vẫn còn hoang sơ, quyến rũ như mối tình đầu.
Trường Đăng

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.