Lớn lên từ biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Đức Thạnh - ngư dân tiêu biểu ở làng chài Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi).

Anh cùng những người bạn dọc ngang khắp biển cả, đặc biệt là bám ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa để đánh bắt hải sản.

Tháng Năm, con đường về phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) nắng chói chang. Ở cảng Mỹ Á, những con tàu tranh thủ lấy dầu, nước ngọt, gạo, mắm... chuẩn bị cho phiên biển mới. Ngư dân Nguyễn Đức Thạnh đang kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên boong tàu, nghe tôi hỏi chuyện, anh cười nói: “Mùa biển yên mà. Mình phải tranh thủ!”.

Kiên trì bám biển

Ngư dân Nguyễn Đức Thạnh năm nay 51 tuổi, có thâm niên 32 năm bám biển. Lúc đầu, anh theo cha đánh bắt cá trong lộng ở vùng biển Lý Sơn. Cứ chiều ra khơi, ban đêm bủa lưới, quăng chài, rồi sáng hôm sau giong thuyền về bến. Tuy có thừa sự cần cù, nhẫn nại nhưng đánh bắt hải sản trong lộng, lượng cá không nhiều. Đến năm 2008, anh Thạnh mới có điều kiện để sắm con tàu của riêng mình dài 15m, mở rộng ngư trường đánh bắt từ vùng biển Quảng Ngãi đến Đà Nẵng. Vậy là anh thỏa mong ước lênh đênh trên biển dài ngày.

Tàu của ngư dân Nguyễn Đức Thạnh chuẩn bị ra khơi.

Tàu của ngư dân Nguyễn Đức Thạnh chuẩn bị ra khơi.

Anh Thạnh kể, có những hôm đưa tàu vào cảng Đà Nẵng bán cá, tiếp nhiên liệu, thấy đoàn tàu đánh bắt hải sản ở vùng biển xa trở về, cờ Tổ quốc bay phần phật trên tàu, trong khoang đầy ắp cá, trong tôi dậy lên niềm khát khao vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản. Chính vì vậy, vợ chồng tôi tích cóp tiền của để đóng tàu mới. Mãi đến 9 năm sau tôi đóng được con tàu mới dài 17m, trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại đáp ứng cho việc hành nghề lưới vây ở ngư trường Hoàng Sa.

Anh Thạnh cho biết, ra khơi, gặp lúc trời yên biển lặng thì cá bơi nhiều, mình đánh bắt thuận lợi. Nhưng nếu gặp gió săn, dòng hải lưu luân chuyển nhanh thì khó đánh bắt. Do vậy, tôi phải tập nhìn trời, nhìn mây, nhìn dòng nước mà đoán định luồng cá bơi. Có những phiên biển ra khơi không thuận, trong tổ anh em ngư dân ngao ngán đưa tàu trở vào bờ, nhưng tôi nán lại vài hôm thì lại trúng cá.

Dày dạn kinh nghiệm

Đánh bắt hải sản xa bờ, một phiên biển thường kéo dài gần 1 tháng. Ở cảng cá Mỹ Á, cứ sau phiên biển xa trở về, tàu của ngư dân Nguyễn Đức Thạnh luôn đầy ắp cá. Con cá làm rạng rỡ mặt người và sau mỗi phiên biển, anh hiểu rõ, muốn chiến thắng biển khơi, cần có kinh nghiệm, sự kiên trì, đặc biệt là cần có sự giúp đỡ của tổ ngư dân đoàn kết trên biển trong việc chia sẻ ngư trường đánh bắt, giúp nhau vượt qua khó khăn khi tàu hỏng máy hay đối diện với cuồng phong...

Ngư dân Nguyễn Đức Thạnh luôn kiên trì bám biển.

Ngư dân Nguyễn Đức Thạnh luôn kiên trì bám biển.

Ngày trước, vùng biển Mỹ Á cát bồi lấp cửa biển, luồng lạch. Nhiều con tàu trong mùa biển yên cũng đành vào cửa biển Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ), Sa Kỳ (TP.Quảng Ngãi), hoặc cảng Đà Nẵng để bán cá, tiếp nhiên liệu. Sau đó, Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để nạo vét luồng, xây dựng cảng cá Mỹ Á, tạo điều kiện cho tàu thuyền ra, vào đánh bắt hải sản được thuận lợi. Tháng năm đi qua, vùng biển Mỹ Á bây giờ trở thành điểm sáng trong phát triển nghề biển ở Quảng Ngãi. Ngư dân Nguyễn Đức Thạnh cùng các bạn tàu vẫn luôn vững vàng trên biển. Quần đảo Hoàng Sa mãi là lối đi về của anh Thạnh và các ngư dân ở làng chài Mỹ Á.

Trên chiếc tàu do anh Nguyễn Đức Thạnh làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, 11 ngư dân luôn chung sức, đồng lòng trong mỗi chuyến ra khơi. Ngư dân Phạm Thanh Quân đi bạn trên tàu của anh Thạnh chia sẻ, tôi đi bạn trên tàu của cha anh Thạnh và giờ đi bạn trên chiếc tàu của anh Thạnh. Anh Thạnh có kinh nghiệm đánh bắt nên mỗi chuyến biển luôn đạt hiệu quả cao. Năm 2023, mỗi bạn chài đi trên tàu của anh Thạnh thu nhập 320 triệu đồng, thuộc tốp cao nhất ở làng chài Mỹ Á.

Khi Nhà nước triển khai công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), để góp phần gỡ “thẻ vàng” thủy sản, ngư dân Nguyễn Đức Thạnh hiểu rõ, nếu thủy sản Việt Nam xâm nhập vào thị trường Châu Âu, nghề cá sẽ phát triển, hiệu quả đánh bắt sẽ cao hơn. Chính vì vậy, anh càng tin tưởng vào chủ trương của Nhà nước, thực hiện đúng quy định của pháp luật khi đánh bắt trên biển. “Tàu của tôi không đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài. Trên tàu luôn mở thiết bị giám sát hành trình để ngành chức năng theo dõi và thực hiện nghiêm túc việc truy xuất nguồn gốc hải sản. Ra khơi, tôi thường nhắc anh em trong tổ ngư dân thực hiện nghiêm túc quy định chống khai thác IUU", anh Thạnh nói.

Tàu cá của ngư dân Nguyễn Đức Thạnh cập cảng Mỹ Á sau phiên biển dài ngày.

Tàu cá của ngư dân Nguyễn Đức Thạnh cập cảng Mỹ Á sau phiên biển dài ngày.

Anh Thạnh được ngư dân quý mến không chỉ bởi tính can trường, mà còn là người giàu lòng nhân ái, nghĩa tình với bạn chài. Anh tích cực đóng góp tiền của xây dựng vạn chài và đóng góp vào Quỹ hỗ trợ ngư dân ở địa phương để giúp đỡ những ngư dân có tàu bị nạn trên biển. Trưởng vạn chài Mỹ Á Nguyễn Xết nhận xét, anh Nguyễn Đức Thạnh là người làm ăn giỏi của vạn chài. Dù trong hoàn cảnh nào, anh vẫn luôn kiên trì bám biển để phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Anh là tấm gương sáng để các ngư dân trẻ noi theo.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.