Kình ngư ở Hoàng Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đi biển từ tuổi 13, ngư dân Lê Văn Chiến ở TP.Đà Nẵng đã có 42 năm bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa để đánh bắt. Ông và con tàu của mình như kình ngư giữ biển Hoàng Sa.
Nặng lòng với biển
Tôi tìm ra bãi neo đậu tàu thuyền ở phía bờ đông sông Hàn. Lần theo tiếng búa chan chát vọng lại, gặp ngư dân Lê Văn Chiến (55 tuổi, trú tại tổ 5, P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) đang một mình sửa chữa khung gỗ trên nóc ca bin, chuẩn bị cho chuyến ra khơi những ngày cuối năm. "Chờ tìm đủ thuyền viên rồi sơn sửa, chuẩn bị ngư cụ sẽ nhanh hơn. Nhưng ngồi nhà lại thấy nhớ tàu nên ngày nào cũng ra để nổ máy rồi tranh thủ làm nốt những phần việc bảo dưỡng, đặng tìm đủ lao động thì trực chỉ Hoàng Sa luôn", ông Chiến nói.
Đam mê nghiệp đi biển là vậy nên mấy mươi năm qua, từ một đứa trẻ 13 tuổi lên tàu tập tọng học nghề, ông Chiến đã tích lũy rồi đóng cho mình con tàu ĐNa-90351 dài 21 m, rộng 6,5 m (công suất 840 CV) để thỏa chí vẫy vùng ở Hoàng Sa. Chảy trong mình dòng máu đi biển từ cha, ông nội nên ông sớm được chủ tàu trả công rất cao trong các chuyến đi biển. Ngoài 20 tuổi, ông trở thành tài công có tiếng trong vùng và được chia phần hậu hĩnh. Ông vay mượn rồi góp vốn đóng tàu chung với người thân, sau vài năm đi biển thắng lợi đã tự mình sở hữu được con tàu khủng như hiện nay.
 
"Kình ngư" Lê Văn Chiến can trường bám biển Hoàng Sa hơn 40 năm qua. Ảnh: Hoàng Sơn
"Kình ngư" Lê Văn Chiến can trường bám biển Hoàng Sa hơn 40 năm qua. Ảnh: Hoàng Sơn
"Nghiệp đi biển là gắn với những bất trắc, chỉ cách cái chết có… 5 phân. Vỏ tàu dày 5 phân mà vỡ thì khó sống. Nhưng một khi đã yêu biển thì dù biết trước những hiểm nguy chực chờ, tôi vẫn bám trụ Hoàng Sa để gìn giữ ngư trường", ông Chiến tiếp lời. Nhưng may mắn luôn ở bên ông, sau không ít lần đối mặt với những trận bão biển kinh hoàng, nhất là cơn bão Chanchu năm 2006. Mỗi lần nhớ lại thảm nạn 2006 khiến nhiều ngư dân tử nạn trên biển, ông Chiến không khỏi rùng mình: "Hy hữu thoát chết, nhưng tôi sốc nặng bởi những lời kêu cứu của các tàu bạn trước khi chìm".
Năm đó, để thoát khỏi trận bão dữ, ông phải vứt bỏ lưới, thuyền thúng, giàn câu mực… để giảm tải cho tàu rồi chạy về phía đảo Hải Nam. Cơn cuồng phong càn quét phía sau, nhiều tàu cá tan tành giữa biển khơi. Trở về đất liền, cả nhà ôm ông Chiến bật khóc. Trong đầu ông lúc đó chỉ nghĩ đến 2 chữ: bỏ nghề. "Lúc đó, tôi nghĩ chắc chắn phải bỏ nghề. Nhưng vài tháng sau, khi đã hoàn hồn, tôi lại bồn chồn nhớ biển. Và cũng muốn trở lại để tưởng niệm anh em, bè bạn đã nằm lại giữa dòng biển lạnh. Tôi lại sắm ngư cụ, đổi sang nghề lưới vây rồi nhằm thẳng Hoàng Sa mà tiến", ông Chiến kể.
Can trường nơi đầu sóng
Thiên tai, chết hụt không khiến ngư dân Lê Văn Chiến chùn bước, nên “nhân tai” đến từ những mối nguy của tàu Trung Quốc (TQ) chỉ khiến ông trở nên kiên cường hơn mà thôi. Làm nghề lưới vây, trôi dạt trên biển để tìm luồng cá, "kình ngư" Lê Văn Chiến đã không ít lần chạm trán với các loại tàu của TQ, từ tàu cá giả trang cho đến hải giám, hải cảnh…"Hồi đầu, thấy tàu TQ hung hãn, tôi có chút e ngại. Nhưng riết rồi quen, họ rồ ga xua đuổi thì mình tránh. Tàu họ rời đi, tôi lại cho tàu trở lại Hoàng Sa. Biển của mình thì mình đánh bắt thôi!", ông nói chắc nịch.
Không chỉ xua đuổi, tàu ông Chiến đã bị tàu TQ đâm va. Nhưng ông vẫn không sờn chí. Chuyến bám biển Hoàng Sa để đánh bắt bất chấp sự manh động của các tàu TQ đang bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 vào năm 2014 là lần mà ngư dân Lê Văn Chiến thể hiện sự gan lì cũng như kỹ năng đi biển thiên bẩm.
Ông nhớ lại sáng 26.5.2014, trên ngư trường Hoàng Sa bất ngờ xuất hiện một đội tàu vỏ thép cỡ lớn thay thế cho đội tàu gỗ trước đó. Đội tàu này có số seri liền mạch 001, 002, 003…, trước mũi tàu được gia cố thép chắc chắn. "Lúc đó, tàu tôi đang đánh bắt thì bị đội tàu này của TQ vây hãm, xua đuổi. Bất ngờ có một con tàu lao thẳng tới. Tôi ngay lập tức đánh lái né được cú đâm ác ý nên tàu của mình không bị chìm, nhưng cần trục trên tàu TQ móc vào ống khói. Con tàu nghiêng dữ dội, tình thế rất nguy cấp. Bao năm đi biển, tôi hiểu rằng để thoát khỏi sự truy đuổi của những con tàu lớn này chỉ có cách… nổ máy bo vòng tròn. Tàu mình nhỏ nên khi bo tròn thì dễ xoay trở hơn", ông nhớ lại. Khi hết một vòng bo, ống khói trên tàu ông Chiến gãy đôi, nhưng cũng kịp thoát khỏi sự truy cản của tàu TQ.
Cũng trong ngày hôm đó, lúc 16 giờ chiều, tàu ĐNa-90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (trú tại Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) đã bị một chiếc tàu vỏ sắt khổng lồ của TQ đâm chìm ngay trên vùng biển Hoàng Sa. Sáng, thoát khỏi sự truy đâm của tàu TQ. Chiều, ông Chiến cùng những tàu khác đã tham gia giải cứu thành công "con tàu lịch sử" ĐNa-90152 rồi lai dắt về bờ và nay đang trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa của TP.Đà Nẵng.
 
Trong nhiều năm liền, ngư dân Lê Văn Chiến nhận được sự ghi nhận từ Chính phủ, Hội Nông dân VN, T.Ư Hội Nghề cá Việt Nam… vì thành tích bám biển Hoàng Sa
Trong nhiều năm liền, ngư dân Lê Văn Chiến nhận được sự ghi nhận từ Chính phủ, Hội Nông dân VN, T.Ư Hội Nghề cá Việt Nam… vì thành tích bám biển Hoàng Sa
Người cứu nạn
Tiếp câu chuyện giải cứu tàu ĐNa-90152, ngư dân Lê Văn Chiến nhớ khi đó tàu bị đâm va và lật úp, nhiều tàu cá đánh bắt gần đó kịp xúm lại để hỗ trợ các thuyền viên bị nạn. Vì bị thủng lỗ lớn ở hông nên con tàu chìm rất nhanh. Sau đó, tàu bị dòng nước đẩy về phía giàn khoan Hải Dương-981.
Nếu để tàu trôi vào trong khu vực giàn khoan thì công tác cứu hộ sẽ bất khả thi, ông Chiến hô hào các tàu bạn kết thành một đoàn tàu rất dài trên biển rồi dùng dây lai dắt. "Chúng tôi nối đuôi nhau, 5 - 6 chiếc tàu nối thành "đoàn tàu hỏa" với 5 - 6 toa. Qua bộ đàm, chúng tôi hò nhau rồi cứ thế dắt còn tàu ĐNa-90152 rời xa giàn khoan. Lai dắt đúng 1 đêm thì tàu kiểm ngư tiếp cận để kéo về đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đoàn tàu chúng tôi lại tách ra để bám Hoàng Sa đánh bắt…", ông Chiến kể.
Ngư dân tiêu biểu nhiều lần được vinh danh
Can trường bám biển Hoàng Sa vừa đánh bắt vừa bảo vệ ngư trường truyền thống, liên tiếp trong nhiều năm qua, ngư dân Lê Văn Chiến đã được các cấp từ T.Ư đến địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu… Trong đó, năm 2015 ông được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015, góp phần xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2016, ông được UBND TP.Đà Nẵng vinh danh là Công dân Đà Nẵng tiêu biểu nhân 20 năm Đà Nẵng trực thuộc TP T.Ư. Năm 2017, ông được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao cúp, giấy chứng nhận Tự hào Nông dân Việt Nam 30 năm đổi mới…
Suốt mấy chục năm bám Hoàng Sa và nhất là khi làm chủ con tàu lớn, ông Lê Văn Chiến không nhớ mình đã bao lần ứng cứu các ngư dân bị nạn, cứu hộ thành công các tàu cá. Có lẽ lần cứu hộ cam go nhất là lần "vá tàu" ĐNa-90306 ngay giữa Hoàng Sa, cũng trong đợt bị tàu TQ đâm va gây thủng mạn. “Khi hay tin tàu bị nạn, chúng tôi đã cho tàu đến ứng cứu thâu đêm. Mấy chục ngư dân thay nhau tát nước để chống chìm rồi chuyển lưới cụ sang các tàu khác. Con tàu nhẹ rồi dần dần nổi lên. Lúc này, tôi lặn xuống để xem xét "vết thương" rồi dùng gỗ "vá" lại lỗ thủng. Cũng nhờ chút kinh nghiệm máy móc mà sau đó tôi đã súc động cơ để khởi động lại. Lúc đề máy nổ, chúng tôi ôm nhau mà nước mắt cứ rưng rưng. Vậy là tàu ĐNa-90306 không những không bị chìm mà còn trở lại bám ngư trường Hoàng Sa chỉ sau 2 ngày bị thủng", ông Chiến kể.
Nhiều năm bám Hoàng Sa, không chỉ am hiểu ngư trường để rồi thắng lợi với nhiều chuyến biển cá đầy khoang, ngư dân Chiến còn trở thành ân nhân của nhiều người bị nạn khi kịp thời điều tàu đến cứu vớt. Ông cứu nhiều người bị thương do tàu nổ bình ga (năm 2008), hay tàu gãy trụ cẩu khiến nhiều người nguy kịch (năm 2015)… Ẩn sâu bên trong "kình ngư" gan lì ấy là cả một trái tim nhân hậu, nghĩa tình.
Theo Hoàng Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.