Vụ thanh niên mắc kẹt trên cây 8 ngày giữa dòng lũ: 

Lời kể của người vượt lũ cứu thanh niên mắc kẹt 8 ngày giữa sông Ayun

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với ông Dương Văn Khiêm (SN 1980, trú tại thôn Hà Ra, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang), hành động vượt dòng hung hãn cứu giúp thanh niên mắc kẹt 8 ngày giữa sông Ayun rất đỗi bình thường, ấy là trách nhiệm của một người dân với cộng đồng.

Sông Ayun đoạn chảy qua địa phận xã Đăk Djrăng vẫn đục đỏ, cuồn cuộn chảy về phía hạ lưu. Đứng gần nơi nam thanh niên Phan Minh Thắng (SN 2004, trú tại xã Kdang, huyện Đăk Đoa) mắc kẹt trên cây 8 ngày giữa sông, ông Khiêm nhớ lại: Đang chăm sóc vườn cây cà phê của gia đình thì ông nhận được điện thoại của một cán bộ Công an xã Đăk Djrăng đề nghị phối hợp giải cứu nam thanh niên mắc kẹt giữa nước lũ. Nhà ở gần đó nên ông Khiêm nhanh chóng di chuyển đến hiện trường. Sau khi quan sát hiện trường, ông Khiêm đề nghị lực lượng chức năng thống nhất phương án bơi ra sông rồi dùng dây kéo người bị nạn vào bờ. “Từng được huấn luyện chuyên sâu tại Bộ đội Biên phòng tỉnh về bơi lội và thường đánh cá trên sông Ayun, nhìn địa thế, tôi biết có thể bơi ra cứu được. Tôi quyết định đi xuống phía dưới khoảng 10m rồi bơi ngược lên chỗ bụi cây nam thanh niên mắc kẹt. Chọn cách bơi từ trên xuống hoặc ngang qua sông là điều không thể. Lý do là nước chảy rất xiết, đá nhiều vô kể”-ông Khiêm kể.

Ông Khiêm kể chuyện vượt sông ra cứu Phan Văn Thắng mắc kẹt trên cây giữa sông Ayun. Ảnh: N.T

Ông Khiêm kể chuyện vượt sông ra cứu Phan Văn Thắng mắc kẹt trên cây giữa sông Ayun. Ảnh: N.T

Sau khi bơi 5 phút, ông Khiêm tiếp cận bụi cây nơi anh Thắng mắc kẹt. Việc đầu tiên là ông làm công tác tư tưởng, trấn an thanh niên này. Ông kể: “Lúc đến nơi, cậu ấy mệt lả người rồi, ngồi như bất động nhưng khuôn mặt hiện rõ nét hoang mang, lo lắng. Tôi nói với cháu ấy thật bĩnh tĩnh, không phải lo lắng gì cả. Tôi cũng nói cách sẽ đưa cậu ấy vào bờ. Khi cậu ấy gật đầu đồng ý thay lời nói, tôi báo lực lượng giải cứu đứng bên kia bờ quăng dây thừng và áo phao sang. Mặc áo phao xong, tôi ôm phía sau người rồi dùng sức 2 chân bơi vào bờ. Có sự trợ giúp của mọi người nên việc cứu người bị nạn diễn ra thành công. Ai cũng mừng”.

Đến bây giờ, ông Khiêm không nhớ rõ số lần cụ thể tham gia cứu người bị nạn, đuối nước. Bởi ông tâm niệm cứu người bằng cái tâm. Mình có khả năng gì thì nên đóng góp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Những năm trước, vào mùa mưa, mỗi buổi chiều, người đàn ông dân tộc Tày quê gốc ở Cao Bằng cũng thường đứng bên cầu để nếu cần thì hỗ trợ đưa người qua cầu. Ông Khiêm cũng căn dặn những người dân đến thưởng ngoạn, vãn cảnh khi mùa nắng nóng cẩn trọng khi tụ tập bên sông. “Ngày đi bộ đội tôi cũng từng tham gia vượt sông vớt thi thể 2 đồng đội hi sinh khi làm nhiệm vụ ở một con sông thuộc huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). Trở về địa phương, nhà ở cạnh sông, tôi cũng thường tham gia cứu người đuối nước. Nhiều nhất là nơi cây cầu cũ này. Nguyên nhân là cây cầu này thường xuyên bị nước lũ tràn qua vào mùa mưa, có lần cao 1-2 m nước. Đơn cử như cách đây khoảng 4-5 năm, có một chị làm nghề “2 sọt” chạy ngang qua cầu thì bị nước bất ngờ đổ về cuốn trôi, mắc kẹt ngay lùm cây như Thắng, cũng cứu thành công. Cũng có lần, nếu tôi không kịp thời nhắc nhở có người bị cuốn trôi rồi. Bận việc nhà gấp, nước đã tràn cầu nhưng cứ liều băng qua”-ông Khiêm nhớ lại kể.

Bụi cây nơi anh Thắng mắc kẹt 8 ngày và được ông Khiêm bơi ra giải cứu. Ảnh: N.T

Bụi cây nơi anh Thắng mắc kẹt 8 ngày và được ông Khiêm bơi ra giải cứu. Ảnh: N.T

Một cán bộ Công an xã Đăk Djrăng dẫn đường đưa chúng tôi đến nhà ông Khiêm nói rằng cựu lính biên phòng góp công không nhỏ trong việc giữ lại mấy cây cao giữa sông Ayun. Phát hiện có nhóm thanh niên lạ định chặt cây, ông Khiêm khuyên can và báo lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn. Việc giữ lại những cây này đã giúp cứu mạng cho 1 người phụ nữ và mới đây là Phan Minh Thắng. “Khi bị trôi xuống, có cành cây chìa ra trên mặt sông, họ nhanh tay chụp lấy rồi trèo lên cây nên thoát cửa tử. Vậy nên tôi quyết giữ bằng được những bụi cây này”-người đàn ông dân tộc Tày tâm sự.

Anh Thắng nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Mang Yang. Ảnh: N.T

Anh Thắng nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Mang Yang. Ảnh: N.T

Ông Lương Văn Hiệu-Thôn trưởng thôn Hà Ra xác nhận việc ông Khiêm đã không ít lần tham gia ứng cứu người bị nạn, đuối nước trên sông Ayun. Mới đây nhất là vụ giải cứu thanh niên Phan Văn Thắng khỏi lưỡi lái tử thần.

Anh rể Thắng là Nguyễn Trung Hiếu cũng bày tỏ niềm biết ơn đối với ông Khiêm và lực lượng chức năng huyện Mang Yang đã cứu giúp người em lúc bị nạn. “Hiện sức khỏe em tôi đã ổn định. Thắng đã ăn uống bình thường rồi. Nghe bác sĩ bảo đầu tuần này sẽ cho xuất viện. Sau khi được giải cứu, em tôi cũng mừng lắm. Em bảo, 8 ngày chỉ uống nước sông và nước mưa cầm hơi, không chịu nổi nếu thêm 1-2 ngày nữa mà không ai phát hiện ra mình bị nạn. Vợ tôi cũng có thư cảm ơn lực lượng chức năng và một số người dân đã giải cứu thành công em Thắng lúc mắc kẹt giữa nước lũ”-anh Hiếu cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Kbang thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho 11/68 hộ được hỗ trợ nhà ở

(GLO)- Sáng 4-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

(GLO)-Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện, đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân tại các xã nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt.