Lơ Ku: Đặc sắc hội xuân các dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 14-2, trong không khí tưng bừng, phấn khởi, 12 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn xã Lơ Ku (huyện Kbang, Gia Lai) đã tụ hội về sân vận động xã để hòa chung không khí ngày hội xuân văn hóa-thể thao các dân tộc.
Nô nức trẩy hội
Từ sáng sớm, mọi ngả đường trong xã đã dập dìu sắc màu trang phục của 12 dân tộc anh em HMông, Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Bahnar... đổ về sân vận động của xã để thưởng thức chương trình văn nghệ và xem hội. Bà Vương Thị Dao (78 tuổi, dân tộc Sán Chỉ, thôn 1) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, mỗi lần xã tổ chức hội xuân tôi cũng đều tranh thủ đến sớm để cùng với con cháu vui hội, phần để hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trong xã, phần để tinh thần vui tươi, thoải mái hơn”.
Đến với ngày hội, người dân và du khách được sống trong không khí đậm hơi thở mùa xuân đa sắc màu dân tộc thông qua những tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, đất nước, quê hương và vẻ đẹp vùng đất Lơ Ku. Nhiều môn thể thao và trò chơi truyền thống của cộng đồng 12 dân tộc anh em cũng diễn ra sôi nổi như: ném còn, bịt mắt bắt vịt, ngậm nước đổ chai, nhảy bao bố, kéo co, bóng chuyền nam... Mỗi dân tộc một sắc màu riêng hòa vào không khí chung làm nên nét độc đáo của hội xuân.
 Biểu diễn cồng chiêng tại hội xuân văn hóa Lơ Ku. Ảnh: Đ.Y
Biểu diễn cồng chiêng tại hội xuân văn hóa Lơ Ku. Ảnh: Đ.Y
Phần đặc sắc nhất của ngày hội là chương trình liên hoan biểu diễn cồng chiêng của 6 đội cồng chiêng đến từ các làng: Bôn, Lợt, Tăng, Kbông, Đak Kjông và Chợch. Khi tiếng cồng chiêng vang lên, hàng trăm người dân và du khách ùa ra đứng thành vòng tròn, thích thú theo dõi. Từng bài chiêng mừng lúa mới, đâm trâu, pơ thi... vang lên hòa cùng điệu xoang nhịp nhàng say đắm của các thiếu nữ duyên dáng. Anh Triệu Văn Nghĩa-hiện sinh sống ở Cao Bằng, dịp Tết vào thăm bà con ở Lơ Ku, nghe tin xã tổ chức hội xuân đã ở lại thêm mấy ngày nữa để chung vui-cho hay: “Tôi vào Lơ Ku rất nhiều lần nhưng lần này mới được thưởng thức các tiết mục biểu diễn cồng chiêng của bà con dân tộc Bahnar. Âm hưởng tiếng cồng chiêng lúc trầm lúc bổng, rất độc đáo, hấp dẫn. Ngày Tết ở quê, chúng tôi cũng mặc trang phục truyền thống, hát xướng, ném còn, nấu các món ăn đặc trưng của dân tộc. Hôm nay được cùng với các dân tộc khác ở Lơ Ku tham gia hội xuân này, tôi rất phấn khởi vì được thưởng thức nhiều loại hình văn hóa đặc sắc”.
Điểm hấp dẫn nữa tại hội xuân lần này là các món ẩm thực. Nhiều loại bánh đặc sản đã được mang đến giới thiệu như bánh tro, bánh gai, bánh chưng, bánh tét, bánh lá..., khách chỉ một lần thưởng thức là nhớ mãi.
Niềm tin vào cuộc sống mới

Ông Trương Văn Đạt-Bí thư Huyện ủy Kbang: “Thông qua hội xuân văn hóa-thể thao ở Lơ Ku, huyện Kbang hướng đến việc bảo tồn văn hóa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Đồng thời, tạo thêm không khí vui xuân, đoàn kết, phấn khởi cho nhân dân những ngày đầu năm. Không chỉ Lơ Ku mà huyện chủ trương khuyến khích các xã trong toàn huyện tổ chức hội xuân nhằm tăng thêm niềm vui, niềm phấn khởi và tình đoàn kết giữa các dân tộc”.

Dù hội xuân năm nay chưa thể hiện được hết những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn xã nhưng đã trở thành làn gió mới thổi vào tâm hồn mỗi người, tạo niềm tin và sức sống mới ngày đầu xuân. Qua đó, mỗi người Lơ Ku càng thêm tự hào, trân trọng nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc mình để bảo tồn và phát huy, thi đua lao động sản xuất, làm giàu quê hương.
Ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku-cho biết: Hội xuân văn hóa-thể thao các dân tộc được tổ chức thường niên vào mỗi dịp Tết nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu xuân, khích lệ, động viên tinh thần nhân dân khởi đầu năm mới với nhiều thắng lợi mới. Xã Lơ Ku hiện có 12 dân tộc sinh sống, cũng là xã có nhiều dân tộc nhất huyện. Các hoạt động của hội xuân đã thể hiện sự phong phú và giao thoa giữa các dân tộc vùng miền, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trên địa bàn xã.
Tự hào vì gia đình có tới 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, bà Trần Thị Hương (60 tuổi, thôn 2) vui vẻ khoe: “Tôi sinh được 4 người con trai, các con đều đã lập gia đình. Con trai cả lấy vợ người Kinh, con trai thứ 2 lấy vợ người HMông, con trai thứ 3 lấy vợ người Tày và con trai thứ tư lấy vợ người Bahnar. Còn vợ chồng tôi là người Sán Chỉ. Dù khác nhau về dân tộc nhưng gia đình các con tôi luôn hòa thuận, đoàn kết, thuận hòa, đầm ấm. Tết năm nào các con cháu của chúng tôi cũng đều hân hoan tham dự hội xuân”.
Ngày hội xuân ở Lơ Ku còn có ý nghĩa hơn với những người con xa quê hương, chỉ đến ngày Tết mới có dịp trở về quây quần bên gia đình. Dù bận công việc nhưng nhiều người vẫn nán lại để được tham dự ngày hội. Bà Nguyễn Thị Chắt (62 tuổi, thôn 1) tâm sự: “Tôi có 2 người con làm ở TP. Hồ Chí Minh. Nhưng năm nào cũng thế, các con tôi đều lưu lại thêm vài ngày bên gia đình để dự hội xuân rồi mới rời quê”.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

(GLO)- Gần 2 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm làng Groi (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) đã trở thành mái nhà chung cho những phụ nữ yêu thích nghề dệt. Thông qua các buổi sinh hoạt, chị em có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và chung tay gìn giữ, phát huy nghề dệt truyền thống.

Lễ cúng bến nước. Ảnh: M.H

Bến nước buôn Pông

(GLO)- Bến nước, dòng sông cũng như tập tục của bà con Jrai đã trở nên quen thuộc với tôi trong thời gian dài công tác tại ngôi trường bên bờ sông Ba.

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

(GLO)- Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu mang tính sống còn của đất nước trước vận hội phát triển mới. Trong đó, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp đang được dư luận hết sức quan tâm.

Nâng tầm nghề dệt thổ cẩm ở Chư Pưh

Nâng tầm nghề dệt thổ cẩm ở Chư Pưh

(GLO)- Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị-xã hội, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Jrai ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đang có cơ hội để nâng tầm phát triển và khẳng định giá trị trong đời sống hiện đại.

Lễ cúng Yă Pum bên bờ sông Ayun

Lễ cúng Yă Pum bên bờ sông Ayun

(GLO)- Sau một thời gian dài gián đoạn, UBND xã Ia Peng (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) vừa phục dựng lễ cúng Yă Pum của người Jrai tại thôn Sô Ma Hang A. Đây là hoạt động tâm linh với ý nghĩa xua đuổi tà ma, cầu bình an, sức khỏe cho dân làng.

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

(GLO)- Chuyện về các Pơtao Apui (Vua Lửa) sở hữu gươm thần có quyền năng hô mưa gọi gió không chỉ là huyền thoại mà gắn với dòng chảy văn hóa, lịch sử của người Jrai ở thung lũng Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) suốt nhiều thế kỷ qua.

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

(GLO)- Không chế độ phụ cấp, bổng lộc nhưng nhiều năm qua, các cụ từ, bà vãi trong đội hậu cần, ban nghi lễ tại các đình, miếu trên địa bàn thị xã An Khê vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc. Sự tự nguyện ấy xuất phát từ tâm huyết dành cho văn hóa, di sản của cha ông.

Tùy theo điều kiện của từng gia đình để chuẩn bị quy mô lễ cúng lớn hay nhỏ

Gia Lai: Độc đáo lễ thổi tai của người Jrai

(GLO)- Nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui huyện Phú Thiện năm 2025, sáng 27-3, tại xã Ia Yeng đã diễn ra lễ thổi tai của người Jrai. Nghi lễ được tái hiện rõ nét giúp du khách hiểu được ý nghĩa văn hóa tâm linh trong đời sống của người Jrai nơi đây.

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

(GLO)- Trên đời có thực sự tồn tại những con người có quyền năng hô mưa gọi gió? Chính hiện thực và truyền thuyết hư ảo đan cài vào nhau khiến lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở thung lũng Ayun Hạ trở thành một hiện tượng đặc biệt, hấp dẫn bởi sự linh thiêng, huyền bí.