Lo bữa ăn giúp người khó: Những suất ăn trong đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Anh Nhật cùng nhóm thiện nguyện thường chủ động liên lạc với người khó khăn trong khu vực phong tỏa, hoặc có khi tiếp nhận đề nghị cần sự trợ giúp, rồi cả nhóm lại chuẩn bị những suất ăn, phần quà.

Trao suất ăn giúp người vô gia cư trong đêm. ẢNH: X.K
Trao suất ăn giúp người vô gia cư trong đêm. ẢNH: X.K
Trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành kéo dài, bằng nhiều cách khác nhau, người dân ở TP.HCM đang dìu dắt, cưu mang nhau cùng vượt qua cơn nguy khó. Ngoài lực lượng tuyến đầu, vẫn còn bao người tích cực mỗi ngày chống dịch theo cách riêng của mình.
Dịch giã khiến nhiều hoạt động phải tạm dừng chưa hẹn ngày trở lại, người dân hạn chế ra đường, các con phố ở TP.HCM trở nên vắng lặng, hiu quạnh hơn. Khi phố phường lên đèn là lúc thành viên nhóm thiện nguyện của anh Phan Văn Nhật (28 tuổi) hoạt động tích cực nhất.

Phân chia rau, chuối tặng khu phong tỏa
Phân chia rau, chuối tặng khu phong tỏa
“Mình khó ít giúp người khó nhiều”
Đi trên những chiếc xe máy chở đầy suất ăn, sữa hộp, bánh mì…, nhóm anh Nhật rảo quanh các tuyến đường để phát tặng những người vô gia cư. Để đi được nhiều nơi, thành viên trong nhóm chia ra nhiều tuyến đường có nhiều người nương náu nơi hè phố.
Anh Nhật quê ở Huế, vào thành phố học từ năm 2012 và làm nhân viên nghiên cứu thị trường sau khi tốt nghiệp đại học. Anh thuê trọ ở một chung cư cũ thuộc P.27 (Q.Bình Thạnh). Thời sinh viên từng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, trong đợt dịch thứ 4, anh Nhật cùng người chị ruột và đồng nghiệp lo liệu bữa ăn cho người vô gia cư về đêm. Nhóm bắt đầu nấu từ đầu tháng 6, lúc dịch bùng lên mạnh. Cách 2 - 3 ngày, nhóm sẽ nấu một ngày tại nơi anh Nhật ở trọ với khoảng 500 phần. Ban ngày nấu, ban đêm đi phát tặng. Bánh mì là món cố định, ngoài ra nhóm làm thêm món khác như cơm, bún cá, mì xào...
Theo chân các thành viên nhóm thiện nguyện, chúng tôi cảm nhận được tình cảnh những người vô gia cư đang phải trải qua. Gia cảnh khó nghèo, họ mưu sinh bấp bênh phải nương náu hè phố. Phần nào chúng tôi cũng thấu hiểu được niềm vui, sự mong đợi của họ khi đón nhận những suất ăn được trao tặng tận tay.

Nấu bún cá tặng người vô gia cư
Nấu bún cá tặng người vô gia cư
30 tuổi, anh Nguyễn Văn Hùng gầy sọp, khắc khổ khi bươn chải vừa bán vé số vừa lượm ve chai tại các quán ăn trên đường Cách Mạng Tháng 8. Anh sống lang bạt, không nơi ở ổn định. Tùy vào số vốn mỗi ngày mà anh lãnh vé số đi bán; nay thu nhập sụt giảm, anh cố gắng tằn tiện để sống qua từng ngày.
“Giờ thì tôi chỉ lượm ve chai về bán thôi, kiếm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Được tặng cơm vậy mừng lắm, ăn luôn cho nóng. Giờ có cơm là ăn liền, bữa nào no rồi để dành mai ăn”, anh Hùng chia sẻ. Cô Phạm Thị Mỹ (62 tuổi) cùng người chị được nhóm anh Nhật tặng 2 suất ăn khiến cô rất vui. “Tôi với bà chị từ chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) đi sang đây. Hồi trưa, tôi được tặng 5 kg gạo nữa”, cô kể.
Hôm ấy, chỉ riêng tuyến đường 3 Tháng 2, khoảng 100 suất ăn đã được phát tặng, dù nhóm anh Nhật đi chưa được nửa tuyến đường này.
Anh Nhật kể đợt dịch thứ 4 bùng phát, công việc ít đi, anh cùng nhiều đồng nghiệp khác ngày làm ngày nghỉ. Sau đó, anh và một số người bạn quyết định “làm cái gì đó cho Sài Gòn, vì mình khó ít thì nên giúp người khó nhiều”. Đợt đầu tiên, anh cùng bạn bè tự bỏ tiền túi ra nấu các suất ăn, nhưng sau khi đi phát tặng, anh nhận ra còn rất nhiều người cần giúp đỡ, trong khi nguồn lực của nhóm chỉ có hạn. Để có thể giúp đỡ thường xuyên được nhiều người vô gia cư hơn, anh kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm thông qua mạng xã hội, câu lạc bộ mà anh tham gia thời còn sinh viên. Nhờ đó, nhiều người biết đến hoạt động của nhóm và ủng hộ.
Ở thành phố, giãn cách xã hội đã kéo dài qua hơn 1 tháng, các điểm phong tỏa phát sinh còn nhiều. Áp lực mưu sinh mỗi ngày càng đè nặng lên những người lao động “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Anh Nhật cùng nhóm thiện nguyện thường chủ động liên lạc với người khó khăn trong khu vực phong tỏa, hoặc có khi tiếp nhận đề nghị cần sự trợ giúp, rồi cả nhóm lại chuẩn bị những suất ăn, phần quà.
Hiện nay, ngoài nhóm của anh Nhật, còn rất nhiều nhóm, đoàn thể khác cũng tham gia hoạt động tặng suất ăn, nhu yếu phẩm đến những gia cảnh đang gặp khó khăn. Anh kể nhiều nhóm có kết nối với nhau, giúp nhau biết những điểm phong tỏa nào có người dân chưa được hỗ trợ trước đó để phát tặng; tránh trường hợp một điểm được hỗ trợ bởi nhiều nhóm, điểm thì quá ít, hoặc không có. Ngoài ra, cũng để tránh tập trung hỗ trợ vào một số điểm sẽ gây lãng phí vì người nhận không thể sử dụng hết trong thời gian ngắn.

Anh Phan Văn Nhật mang suất ăn đến phát tặng ở khu vực bị phong tỏa
Anh Phan Văn Nhật mang suất ăn đến phát tặng ở khu vực bị phong tỏa
Yêu thương lan tỏa yêu thương
Hoạt động thiện nguyện của nhóm anh Nhật được cộng đồng chung tay. Anh Nguyễn Văn Đoàn (ngụ H.Củ Chi), là chủ vườn rau, đã chủ động liên hệ ủng hộ rau tươi cho nhóm. Từ 4 giờ sáng, nhóm anh Nhật chạy xe máy xuống vườn rau của anh Đoàn thu hái rồi buộc thành từng bó lớn, vội chở về để chuẩn bị các công đoạn tiếp theo.
“Những bó rau này về mình chia ra thành từng bó vừa đủ một gia đình 3 - 4 người ăn 1 ngày, rồi đem đến chỗ đang phong tỏa mà có nhiều người lao động thuê trọ, mình tặng họ đổi bữa. Một nửa nhóm dự định sẽ chuẩn bị món mì xào rau cải, vừa tận dụng được những thùng mì tôm mà nhiều nhà hảo tâm tặng”, chị Lê Thị Nguyệt, ngụ Q.Bình Thạnh, thành viên nhóm thiện nguyện, chia sẻ.
Đồng hành nhóm thiện nguyện cũng chính là tiếp sức cho những hoàn cảnh khó khăn, anh Đoàn cho hay bản thân anh và gia đình rất vui khi những bó rau xanh của mình đến tay người cần. “Vừa rồi bùng phát dịch nên chợ đầu mối Hóc Môn phải tạm nghỉ, tiểu thương cũng ngưng nhập hàng hóa mà lứa rau của mình thì tới lúc thu hoạch rồi, đâu kịp trở tay mà cũng không thể nhổ bỏ hết được, mồ hôi nước mắt của mình đổ ra cả. Mình nhờ liên hệ với các nhóm thiện nguyện, các nhà hảo tâm để người ta về đây hái rau đem lên tặng giúp người khó. Làm vậy để công sức mình bỏ ra không có uổng phí, mình cũng nhẹ lòng hơn”, anh Đoàn tâm sự.
Có hôm “bếp ăn trong đêm” nhận được cá tươi do một nhà hảo tâm ở Bình Thuận gửi vào ủng hộ. Thế là nhóm nấu món bún cá ngừ do “bếp trưởng” Phan Ngọc Xuyến đảm nhận. Tuy không phải là đầu bếp chuyên nghiệp nhưng chị Xuyến mê nấu ăn, ngoài việc nấu cơm cho gia đình, mỗi khi rảnh rỗi mà nhóm có hoạt động, chị đều xung phong vào bếp. “Nay nấu bữa ăn tặng cho người ta vừa được thỏa cái đam mê của mình, còn giúp được người ta nữa”, chị vui vẻ.
Ngoài những món ăn nóng chuẩn bị sẵn theo từng ngày, nhóm tặng cố định thêm bánh mì, sữa và khẩu trang cho người vô gia cư. Chị Thanh Phương, thành viên của nhóm, cho rằng như vậy những người vô gia cư có thể để dành dùng cho bữa sau, phòng khi các nhóm thiện nguyện không kịp đến.
Công việc chuẩn bị hàng trăm suất ăn như vậy không hề đơn giản. Mỗi người mỗi việc, người đi chợ, người nấu ăn, người chia thành từng phần, vệ sinh bếp núc... Từ khâu chuẩn bị đến khi thành phẩm suất ăn, lắm công phu nhưng tất cả đều vui vì sự chung sức ấy sẻ chia cho bao cảnh đời vơi bớt cơ hàn, ấm lòng lúc dịch giã kéo dài.
Cùng nhau vượt qua dịch giã trong giai đoạn khó khăn này, không gì ý nghĩa hơn sự tương thân tương ái, cưu mang và sẻ chia nghĩa tình.
(còn tiếp)
Theo Khánh Trần (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.