Liên kết vực dậy du lịch, chú trọng chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kích cầu du lịch bằng cách giảm giá không còn là yếu tố tiên quyết vì giá đã giảm sâu, không còn dư địa để giảm, quan trọng là chú ý đến chất lượng
Diễn đàn "Lữ hành Việt Nam 2021 - Giải pháp khôi phục và phát triển" với sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp (DN) lữ hành, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Tổng cục Du lịch và lãnh đạo nhiều sở du lịch, hiệp hội du lịch đã được tổ chức tại TP Hải Phòng, ngày 12-1.
Còn "đơn thương độc mã" là thua
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài; doanh thu giảm gần 60% so với năm 2019.

TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) luôn hấp dẫn du khách nhờ những sản phẩm du lịch độc đáo
TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) luôn hấp dẫn du khách nhờ những sản phẩm du lịch độc đáo
Trong số các DN du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khối lữ hành thiệt hại nặng nề nhất bởi là trung gian thực hiện các dịch vụ cho du khách. Nhiều đơn vị lữ hành phải đóng cửa, dừng hoạt động, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, nhận định dịch Covid-19 đã khiến các DN lữ hành đối diện với việc thay đổi các hình thức quản lý, kinh doanh du lịch. Các đơn vị phải thích ứng với việc xuất hiện những hình thức, xu hướng du lịch mới như du lịch gần nhà, du lịch từng phần, nhỏ lẻ thay vì theo tour truyền thống.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, đưa ra nguyên lý cơ bản để phát triển du lịch trong thời gian tới là: Liên kết. Theo đó, các địa phương không thể "đơn thương độc mã" phát triển, không đủ tiềm lực tạo ra hiệu ứng mạnh cho các chiến dịch quảng bá ở quy mô rộng cũng như DN lữ hành không thể xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nếu thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan...
Chính vì thế, ông Hoan cho rằng cần sự liên kết chặt chẽ giữa các bên, từ cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ tại điểm đến, phương tiện vận chuyển cho đến công ty lữ hành, báo chí, trong đó công ty lữ hành sẽ là trung tâm của sự liên kết.
"Cơ quan quản lý phải là nhạc trưởng, có nhiệm vụ tập hợp các nhà cung cấp dịch vụ cùng chung vai sát cánh đưa ra những cam kết về chất lượng, công khai mức giá. Chính quyền địa phương chủ động đi đầu trong việc ưu đãi các khoản phí, lệ phí trực tiếp thu, tích cực tham gia phối hợp với liên minh trong công tác xúc tiến quảng bá điểm đến. Các cơ sở cung cấp dịch vụ trong cùng một lĩnh vực, trong cùng một địa phương cần đoàn kết để có tiếng nói chung, tránh xảy ra những cá biệt xấu làm ảnh hưởng tới hình ảnh của điểm đến. DN vận chuyển có chính sách linh hoạt, lộ trình tăng giá cụ thể, đảo đảm số lượng chỗ và quyền lợi của các công ty du lịch tham gia kích cầu ngay từ đầu. Bên cạnh đó, khi khai trương đường bay mới, hãng hàng không cần trao đổi với lữ hành xây dựng kế hoạch sản phẩm, truyền thông để cùng cộng hưởng" - ông Hoan cho hay.
Bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, cho rằng các DN trong ngành du lịch tại địa phương cần tập hợp lại và cùng nhau xây dựng các chương trình, kích cầu, làm mới sản phẩm. Địa phương cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ DN để có giá thành tốt nhất làm sản phẩm, ví dụ như giảm phí các điểm tham quan từ 30%-50%, trợ giá cho du khách để ngành du lịch sớm phục hồi. Đẩy mạnh hơn nữa liên kết liên minh giữa các DN du lịch để đưa ra được các gói kích cầu thực sự hấp dẫn.
Không giảm giá sâu
Kích cầu vẫn được coi là "phao" cứu sinh của lữ hành năm 2021. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hoan cho rằng hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn. Thay vì chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất định, chương trình kích cầu nên kéo dài hơn có thể là 1 năm hoặc 2 năm. Ông Hoan cũng nhấn mạnh kích cầu bằng cách giảm giá không còn là yếu tố tiên quyết vì giá đã giảm sâu, không còn dư địa để giảm nữa. Khi "miếng bánh" chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng. Bên cạnh đó, cần làm mới các điểm đến cũ, bổ sung những dịch vụ gia tăng để thu hút khách chi tiêu quay trở lại nhiều lần.
Bà Nguyễn Thị Lê Hương nói thêm: Hiện nay, những chương trình kích cầu của các DN còn manh mún và nhỏ lẻ, chưa thực sự tạo được hiệu ứng lan truyền và chính sách giá chưa thực sự hấp dẫn. Điểm mấu chốt của kích cầu chính là giải quyết vấn đề về lượt khách, nên phải thực sự có một chương trình tạo được hiệu ứng lan tỏa cao. Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cần phải xây dựng những sản phẩm du lịch mang tầm quốc gia, phát triển các kênh truyền thông số đa dạng và đưa ra nhiều đề xuất tung các sản phẩm khuyến mãi, ưu đãi đặc biệt cho các DN lữ hành. 
Chú ý sản phẩm du lịch
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh DN lữ hành cần chú ý sản phẩm du lịch. Bài toán liên kết tạo ra sản phẩm một lần nữa được đặt ra và cần tư duy mới, đó là không đặt nặng về số lượng mà phải về chất lượng. Bên cạnh đó, DN lữ hành cần hiểu thị trường một cách căn cơ, hiểu khách hàng, hành xử và xây dựng văn hóa DN lữ hành. Nếu không hiểu khách hàng và tiếp cận theo hướng cũ (đã quen với thị trường có hàng ngàn khách đăng ký để bán vé, trong khi khách hàng đã thay đổi) thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Các DN cần xác định rõ hướng vào lĩnh vực nào để tái cấu trúc và đặc biệt không thể chần chừ việc số hóa.
Bài và ảnh: Hoàng Lan Anh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.