Lên núi, nơi lần đầu mở Tết Độc lập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi từng đi chơi Tết Độc lập của người Mông ở nhiều nơi, như Mộc Châu (Sơn La), Than Uyên (Lai Châu), Mường Lát (Thanh Hóa)..., ấn tượng giống nhau là “đường chật người đông giời ơi chen”. Song chính không khí “vui như hội” mà người Mông tạo ra cho cái Tết thứ hai của mình đã khiến rất nhiều du khách miền xuôi, trong đó có tôi muốn quay lại.
Người Mông dành nhiều thời gian để đi chơi vào dịp Tết Độc lập
Người Mông dành nhiều thời gian để đi chơi vào dịp Tết Độc lập
Đi gần trăm cây số để chơi Tết
Một nhà nghiên cứu dân tộc học cho biết, Tết Độc lập được người Mông chính thức hóa từ khoảng sau năm 1945. Từ đó, mỗi năm người Mông hai lần ăn Tết, chơi Tết một vào Nguyên đán, một vào ngày 2/9.
Những người bạn của tôi, từ tận Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt, Đà Nẵng..., những người yêu Tây Bắc gần như có một quy tắc bất thành văn: mỗi năm cố gắng gặp nhau một lần vào Tết Độc lập. Vừa hay, đây đúng là mùa đẹp nhất của Tây Bắc, đúng lúc lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang. Họ bảo, hội hè bây giờ nhạt nhẽo, hội của người Mông hiếm có mà vui. Lần nào đi cũng như mua được một vé khứ hồi, quay lại cái thời hội hè của mấy chục năm trước, chơi xuyên đêm không thấy chán.
Mù Cang Chải là một “tay mơ” về tổ chức Tết Độc lập nếu so với Mộc Châu hay Than Uyên, đây là năm đầu tiên địa phương này tổ chức Tết ở quy mô lớn.
Tuy tin bão vẫn rập rình từng giờ trên các bản tin thời tiết, và trời thì lất phất mưa nhưng vẫn không ngăn được dòng người ùn ùn đổ về Mù Cang Chải từ đêm 31/8. Có những đoàn người sặc sỡ thổ cẩm đi qua, đồng nghiệp báo Yên Bái nói chuyện với họ rồi quay sang bảo tôi: “nguyên cả bản đấy, từ tận Chế Cu Nha xuống”.
 Các cô gái Mông chụp ảnh lấy ngay
Các cô gái Mông chụp ảnh lấy ngay
Trong quán thắng cố, vợ chồng chị Sùng Thị Sua vừa đi xe máy cả quãng đường gần trăm cây số để chơi Tết cho biết: “Mấy năm trước chúng em toàn phải qua Than Uyên chơi, năm nay may quá có Tết ở Mù Cang Chải. Hàng tháng trước, chúng em đã thu xếp mọi việc nhà để dành hẳn mấy ngày đi chơi”.
Để tổ chức Tết Độc lập, huyện Mù Cang Chải lập cả một Hội chợ ẩm thực để phục vụ du khách. Hỏi ra mới biết, trong mấy ngày này, không chỉ người Mông mà người Thái, người Dao, người Nùng, người Lô Lô... đều đến tham gia. Trong gian hàng ăn của cặp vợ chồng người Thái có bán đủ từ chả băm, cá sấy, ba chỉ sấy, đến lạp sườn, gà nướng... Một cặp đôi người Anh không thể giao tiếp với chủ hàng nhờ chúng tôi phiên dịch hỏi giá món lạp sườn. “30 nghìn một lạng, ăn thì nướng ngay, chấm tương ớt”, chủ quán trả lời. Kevin và Charlotte cho biết, đây là lần thứ ba họ đến Việt Nam và cũng là lần thứ ba đi Tây Bắc. “Tôi rất thích vùng đất này, cảnh đẹp tuyệt vời, người dân thân thiện và đồ ăn ngon” - Kevin khoe.
Mỏ vàng du lịch
Bạn tôi gần như năm nào cũng đi chơi Tết Độc lập (có năm đi hai ba nơi liền) thế nhưng năm nào cũng phải nhăm nhăm đăng ký xếp hàng để chơi trò chơi với người bản địa. Người Mông có vô vàn trò chơi “vui quên về” hấp dẫn cả những du khách chưa hề biết luật lệ. Bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt lợn, bắt vịt, chơi đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, thi bắn nỏ, thi giã bánh dày, giã cốm, thi vẽ hoa văn sáp ong v.v... Cứ thấy chỗ nào người đông nghìn nghịt, tiếng hò reo rộn rã mà len vào, thể nào cũng có một trò hay.
Lấy ví dụ trò bịt mắt bắt lợn, hai người một trận chơi, mỗi người nộp phí 20.000đ, sau đó người chơi phải bịt mắt, dùng tay không quờ bắt một con lợn Mông “chạy nhanh như chó”. Nếu bắt được, người chơi được thưởng 70.000đ. Thanh niên thành phố phản xạ kém đương nhiên thua toàn tập. Nhưng rất nhiều thanh niên người Mông cũng thua vì phán đoán về phương hướng hoàn toàn bị nhiễu loạn do sự cổ vũ quá mức nhiệt tình của đám đông.
Anh Giàng A Dê, chủ homestay Hello Mù Cang Chải ở La Pán Tẩn cực kỳ nổi tiếng trong cộng đồng khách nước ngoài chia sẻ: “Chưa bao giờ thấy quê mình đông người thế”.
Năm ngoái, cũng ở La Pán Tẩn, triển lãm nghệ thuật cảnh quan “Mây pha lê” của hai kiến trúc sư Andy Cao và Xavier Perrot gây ý kiến trái chiều trong công luận ít nhiều đã khiến cái tên Mù Cang Chải được cộng đồng quốc tế biết đến. Bà Lương Thị Xuyến, phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết khoảng 13.000 khách du lịch đã đến đồi Mâm Xôi để tham quan tác phẩm này.
 Người dân đổ xuống Mù Cang Chải từ tối 31/8 để chơi Tết
Người dân đổ xuống Mù Cang Chải từ tối 31/8 để chơi Tết
Chị Trần Thị Mai (Giám đốc công ty lữ hành từ Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đi nhiều nơi và lần nào cũng buồn vì người Việt mình ít biết cách làm sản phẩm du lịch, nhưng lên vùng Tây Bắc thì khác. Khí hậu tốt, văn hóa độc đáo, sản vật lại phong phú. Lần nào về cốp xe tôi cũng chất đầy táo mèo, mật ong, thổ cẩm, thịt gác bếp, lạp sườn, chẩm chéo... Đây chính là một mỏ vàng của du lịch”.
Ông Vũ Tiến Đức chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải khẳng định: “Lần đầu Mù Cang Chải tổ chức Tết Độc lập đã nhận được sự ủng hộ cao của dân nhân địa phương, đồng bào rất hào hứng phấn khởi. Đây là hoạt động mở đầu của tuần lễ danh thắng quốc gia ruộng bậc thang trong cả tháng 9. Năm nay chúng tôi phấn đấu thu hút ít nhất 160 ngàn khách đến Mù Cang Chải. Qua khảo sát đã có khoảng 10% lượt khách quay lại đây đến lần thứ ba, đặc biệt là khách nước ngoài”.
Trước đó, tại buổi họp báo do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức tại Hà Nội để thông tin về Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, ông Dương Văn Tiến - phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng tiết lộ, tỉnh này đang đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để quy hoạch lại huyện Mù Cang Chải với mục tiêu phát triển nơi đây trở thành “một Sa Pa thứ hai” về du lịch.
“Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp đang có ý định đầu tư vào du lịch ở Mù Cang Chải cùng tài trợ cho Yên Bái làm quy hoạch thật tốt ngay từ bây giờ để tránh biến Mù Cang Chải thành một khối bê-tông hay bị băm nát bởi du lịch như trường hợp của Sa Pa hiện nay” - ông Tiến nói.


Ngay sau Tết Độc lập, tại Mù Cang Chải sẽ diễn ra Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải từ ngày 20 đến 25/9 với hàng loạt hoạt động như: triển lãm ảnh nghệ thuật “Đất và người Yên Bái”, triển lãm ảnh đẹp danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, festival dù lượn “Bay trên mùa vàng”, lễ hội giã cốm, hội chợ du lịch và ẩm thực Tây Bắc...

ĐẠT NHI (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.