Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa: Bằng chứng khẳng định chủ quyền Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã thấm sâu vào lòng người dân mọi miền đất nước như một "bằng chứng sống" về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 

Nghi thức thả thuyền tế ra biển. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)
Nghi thức thả thuyền tế ra biển. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)


Không chỉ nhằm tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, với mong muốn lớp con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam như ông cha đã từng làm từ hàng trăm năm trước.

Thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Theo sử liệu ghi chép lại, vào thế kỷ 17, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức tuyển chọn những trai tráng khỏe mạnh, giỏi bơi lội của đảo Lý Sơn để sung vào Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải để ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm sản vật, đo đạc hải trình, vẽ bản đồ, cắm mốc khẳng định chủ quyền.

Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (năm 1776) có ghi chép rằng: Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, đi bằng những chiếc thuyền câu nhỏ ra biển...

Tương truyền rằng do mỗi chuyến đi dài 6 tháng trên biển đầy rủi ro bất trắc nên mỗi người lính trước khi đi ra Hoàng Sa phải chuẩn bị sẵn cho mình 1 đôi chiếu, mấy sợi dây mây, 7 cái đòn tre và 1 thẻ tre.

Nếu gặp chuyện chẳng lành thì chiếu dùng để bó xác, đòn tre dùng để làm nẹp và lấy dây mây bó lại.

Chiếc thẻ tre ghi rõ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu đơn vị của người xấu số được cài kỹ trong bó xác, thi thể được thả xuống biển để trôi về bờ tìm về nơi bản quán.

Thế nên, ở Lý Sơn đã hình thành những câu hát dân gian: "Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây"; "Chiều chiều ra ngóng biển xa/ Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về"...

Đội Hoàng Sa sau này được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa (kiêm quản “đội Bắc Hải," có nhiệm vụ khai thác vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa).

Trong suốt mấy trăm năm hoạt động, đã có hàng vạn người lính thủy quân Hoàng Sa vượt qua biết bao sóng gió, bão tố để thực thi nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền lãnh thổ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và không phải ai cũng có may mắn trở về.

Theo ghi chép trong gia phả của các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, đã có rất nhiều người lính ra đi không trở về. Hình ảnh những khu mộ chiêu hồn không xác người (mộ gió) của các tộc họ Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn... trên đảo Lý Sơn là một minh chứng bi hùng.

Từ mất mát hy sinh của nhiều lớp người đi làm nhiệm vụ tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, người dân Lý Sơn đã hình thành một nghi lễ mang đậm tính nhân văn - Lễ Khao lề thế lính.

“Khao lề” là lệ khao định kỳ hằng năm, còn “thế lính” là nghi lễ cúng thế mạng cho những người lính thủy quân Hoàng Sa.

Nghi lễ này được tổ chức vào khoảng tháng Hai, tháng Ba âm lịch hằng năm (trước khi những người lính lên đường).

Trong buổi tế, người ta làm những hình người bằng giấy, hoặc bằng bột gạo và dán giấy ngũ sắc, làm thuyền bằng thân cây chuối, đặt hình nộm lên để làm giả những đội binh thuyền Hoàng Sa đem tế tại đình, tế xong đem thả ra biển, với mong muốn đội thuyền giả kia sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người lính của đội Hoàng Sa, đồng thời tạo niềm tin và ý chí cho người lính hoàn thành nhiệm vụ theo lệnh vua.

Trải qua hàng trăm năm, đến nay ở Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: "Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng Hai khao lề thế lính Hoàng Sa."

Tri ân tiền nhân hy sinh vì Tổ quốc

Để tưởng nhớ những tiền nhân hy sinh vì Tổ quốc, hiện nay, ở đảo Lý Sơn vẫn còn các “mộ gió” của cai đội Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật và một số "mã liếp" (mộ chiêu hồn) của các đội Hoàng Sa đã bỏ mình trên biển cả. Đó là những ngôi mộ được làm bằng đất sét giả cốt người để con cháu tưởng niệm thờ cúng.

Ngoài ra, người dân Lý Sơn còn phối thờ Cai đội Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, Chánh Thủy quân Suất đội Phạm Hữu Nhật và những hùng binh trong đội Hoàng Sa xưa tại di tích Âm linh tự, đình làng An Vĩnh và một số dinh, miếu thờ khác để ngàn đời nhớ đến công lao của họ.

Đặc biệt, hằng năm, người dân Lý Sơn vẫn tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 15, 16/3 âm lịch để tri ân những anh hùng đã vì Tổ quốc hy sinh trên vùng biển đảo.


 

Nghi lễ tế cổ truyền tại Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa các năm trước. Năm nay, huyện Lý Sơn chỉ tổ chức phần lễ chính theo truyền thống, không mời khách và người dân đến dự lễ để phòng chống COVID-19. (Nguồn: TTXVN)
Nghi lễ tế cổ truyền tại Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa các năm trước. Năm nay, huyện Lý Sơn chỉ tổ chức phần lễ chính theo truyền thống, không mời khách và người dân đến dự lễ để phòng chống COVID-19. (Nguồn: TTXVN)



Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ngày nay được tổ chức với nhiều nghi lễ như Lễ cung nghinh, Lễ yết và rước thần và linh vị binh phu Hoàng Sa, Lễ tế cổ truyền, Lễ thả hình nhân thế mạng và Lễ đua thuyền Tứ linh (Lân, Long, Quy, Phụng).

Đặc biệt, buổi Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thường tái hiện, khắc họa sinh động Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm xưa, với những thuyền câu, trong khoang lái có hình nhân làm bằng giấy điều hoặc bằng rơm. Trên thuyền có đặt linh vị của người lính Hoàng Sa, cùng các vật lễ mà binh phu Hoàng Sa phải mang theo như: vàng mã, thịt gà, xôi chè, nẹp tre, dây mây, muối gạo...

Sau phần tế lễ, tiếng ốc u nổi lên hiệu lệnh cho những trai tráng làm lễ rước thuyền và hình nhân thế mạng hướng ra biển Hoàng Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ hàng trăm năm trước để thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của người dân Lý Sơn nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Lễ Khao lề là ngày hội lớn không chỉ riêng Quảng Ngãi mà từ lâu đã thấm sâu vào lòng người dân mọi miền đất nước như một "bằng chứng sống" về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Không chỉ nhằm tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, với mong muốn lớp con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam như ông cha đã từng làm từ hàng trăm năm trước.

Năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia-loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Vinh dự, tự hào với giá trị di sản, chính quyền và nhân dân huyện đảo Lý Sơn đang tiếp tục nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đình làng An Vĩnh và Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn đã đề nghị Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh và An Hải giảm quy mô tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Huyện chỉ tổ chức phần lễ chính theo truyền thống, không mời khách và người dân đến dự lễ, không tổ chức đua thuyền tứ linh, tránh tụ tập đông người để phòng chống dịch COVID-19.

Theo Tùng Lâm (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.