Lễ báo hiếu của người Jrai ở Phú Thiện: Đậm tính nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ, những người con Jrai sẽ chọn thời điểm phù hợp để làm lễ báo hiếu. Mới đây, chúng tôi có dịp trải nghiệm một nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người Jrai ở xã Ia Piar (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai).
Hôm nay, chị Nay H’Đaih (buôn Plei Chrung, xã Ia Piar) tổ chức lễ báo hiếu để cầu mong sức khỏe, bình an cho cha mẹ. Vì thế, khi mặt trời chưa ló dạng, con cháu và họ hàng, làng xóm đã hoan hỉ tề tựu tại nhà ông bà Ksor Kla-Nay H’Nim (bố mẹ của chị H’Đaih) để cùng chung tay chuẩn bị cho nghi lễ độc đáo này. 
Trong khoảnh sân rộng, đám thanh niên xúm lại xẻ thịt con heo nặng gần 1 tạ. Họ chia thịt heo ra làm nhiều phần khác nhau. Trong đó, đầu, chân và đuôi được đặt trang trọng trong một cái rổ lớn có lót lá chuối để chuẩn bị lễ vật cúng thần linh. Những phần thịt khác được xẻ nhỏ để nấu nhiều món khác nhau. Tại góc sân, một nhóm nam nữ cùng làm thịt mấy con gà. Mấy chị em phụ nữ thay phiên nhau đem nước sạch đưa vào nhà để chuẩn bị chêm thêm vào ghè rượu lúc uống. Phía trong nhà sàn, thầy cúng Nay Hăng đang hướng dẫn mọi người đặt ghè rượu. Cả 3 ghè được đặt trang trọng giữa nhà, cố định bằng 2 khúc tre. Còn ở hai bên tường nhà có mấy dãy ghè do con cái, người thân của ông Kla mang đến góp vui. 
Tất bật cả buổi sáng để chuẩn bị lễ cúng, khuôn mặt chị Nay H’Đaih đẫm mồ hôi, nhưng mắt ánh lên niềm tự hào. Chị chia sẻ: Theo phong tục của người Jrai thì con cái phải tổ chức lễ báo hiếu mẹ cha một lần trong đời. Những người đã lập gia đình, có con rồi mới tổ chức nghi lễ. Anh chị em sẽ làm lần lượt theo thứ tự lớn trước, nhỏ sau. Nếu giàu có thì cúng nhiều bò, heo, gà còn điều kiện khó khăn thì ít lại. “Sau khi lập gia đình, vợ chồng mình cố gắng dành dụm tiền bạc để chọn thời điểm thích hợp làm lễ báo hiếu. Sau khi bàn bạc, vợ chồng thống nhất đến đầu năm 2022 thì tổ chức lễ báo hiếu cho bố mẹ đẻ của mình. Vì thế, hồi đầu năm 2021, mình mua 2 con heo về nuôi, còn cuối năm thì ủ mấy ghè rượu, nuôi thêm đàn gà và mua mấy bộ quần áo để chuẩn bị làm lễ cho cha mẹ. Hôm nay, vợ chồng mình rất vui và tự hào lắm”-chị H’Đaih cho biết.
Nghi thức cúng cầu những điều tốt lành trong lễ báo hiếu ở gia đình ông Kla. Ảnh: Thiên Di
Nghi thức cúng cầu những điều tốt lành trong lễ báo hiếu ở gia đình ông Ksor Kla. Ảnh: Thiên Di
Khi mặt trời gần đứng bóng thì nghi lễ bắt đầu. Lễ vật gồm 1 chiếc rổ đựng đầu heo cùng một số phần thịt heo khác còn sống, 1 con gà với mấy dĩa thức ăn nấu chín được đặt cạnh 3 ghè rượu. Tiếp đó, thầy cúng Nay Hăng mời ông bà Ksor Kla-Nay H’Nim ra ngồi trước mấy ghè rượu, thức ăn, cùng đặt chân lên 2 miếng rìu sắt và mấy mảnh bông gòn màu trắng. Kế đó, ông Hăng lấy tiết heo bôi lên ghè, lấy một phần thịt đặt gần chân và vít cần từ từ rót rượu vào chân người được cúng rồi cầu khấn thần linh ban mọi điều tốt lành đến với gia đình ông Kla. Sau đó, thầy cúng sẽ rót rượu ra chén, đổ xuống dưới đất mời gọi thần linh. Ông Hăng chia sẻ: “Đối với người Jrai chúng tôi, đây là nghi lễ rất quan trọng. Tôi mời các chư thần về chứng kiến, thưởng thức vật phẩm; đồng thời, mong các thần ban cho đại gia đình ông Kla những điều tốt đẹp nhất như không ốm đau, sống lâu, thóc lúa đầy kho, vật nuôi đầy chuồng… Đặc biệt, người con đứng ra tổ chức lễ báo hiếu cho cha mẹ làm ăn khấm khá, được mọi người nể trọng hơn, nuôi nấng con cái học hành giỏi giang”.
Sau khi khấn thần linh, ông Hăng rót thêm mấy chén rượu, gắp thức ăn đưa cho chị H’Đaih cùng mấy người em ruột để thay nhau mời, nói những lời chúc tốt đẹp và tặng quà là những bộ đồ thổ cẩm mới cho bố mẹ. Đón nhận vật phẩm và nghe lời con cái chúc phúc trong sự chứng kiến của họ hàng, làng xóm, khuôn mặt già nua của vợ chồng ông Kla rạng ngời niềm vui. “Bao nhiêu năm làm lụng nuôi con cái, nay chúng trưởng thành rồi tổ chức báo hiếu, vợ chồng mình mừng lắm. Đây cũng là dịp để cả gia đình quây quần đông đủ, chia sẻ, động viên nhau làm ăn, chứ ngày thường gặp được đứa này lại thiếu đứa kia”-ông Kla bộc bạch.
Thầy cúng Nay Hăng đang thực hiẹn nghi thức cúng cầu cho vợ chồng ông Kla. Ảnh: Thiên Di
Thầy cúng Nay Hăng thực hiện nghi thức cúng cầu cho vợ chồng ông Ksor Kla. Ảnh: Thiên Di
Khi các nghi lễ hoàn tất, mọi người cùng tập trung ăn uống, trò chuyện tâm tình. Chốc chốc, một vài bà con dân làng đến chung vui, trao tặng chủ nhà vài món quà hoặc mấy ghè rượu. Đáp từ, gia chủ mang đến một phần thức ăn và mời cùng uống rượu.
Trưởng thôn Nay Thuin cho biết: “Lễ báo hiếu cha mẹ là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Jrai chúng tôi, thường diễn ra trong khoảng 2 ngày. Nếu không tổ chức được lễ này, những người con mang món nợ ân tình suốt đời, nhiều khi còn chịu tiếng với xóm làng. Do đó, người Jrai thường tổ chức vào thời điểm nông nhàn để con cháu sum họp đầy đủ, dân làng cũng có thời gian để đến chung vui. Vì đây là lễ mang đậm bản sắc của dân tộc, thể hiện sự hiếu nghĩa, kính trọng bề trên nên chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động bà con không nên làm quá khoa trương, gây lãng phí, nợ nần mà lấy niềm vui, sự ấm cúng, gắn kết tình thân làm trọng”.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.