Lấy trường ca dựng chân dung hoàng đế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tạ Chí Tào sinh ra và lớn lên ở quê hương thượng võ Tây Sơn (tỉnh Bình Định), hiện là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai.
Từ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành, anh được tắm gội trong không gian địa văn hóa nổi tiếng của một vùng kinh đô uy quyền và vàng son một thuở, đó là thành Đồ Bàn, sau này là thành Hoàng Đế, nhưng giờ đã trở thành dĩ vãng và hoài niệm trong ký ức mọi người như một huyền thoại kỳ ảo và lung linh sử lịch. Nơi đây trở thành huyền tích kinh xưa với bao sự kiện và con người anh minh, kỳ vĩ gắn liền với những bước đi lớn của lịch sử và văn hóa dân tộc, trong đó, nổi bật là hình tượng người anh hùng Quang Trung-Nguyễn Huệ.
Xuất phát từ lòng biết ơn, tự hào và ngưỡng vọng về vị anh hùng “áo vải cờ đào” ấy của quê hương mình, Tạ Chí Tào đã ấp ủ, tâm nguyện dựng lại cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung bằng tiếng nói thi ca với điểm nhìn nghệ thuật vừa gần gũi vừa siêu hình, gián cách từ độ lùi lịch sử 230 năm (1789-2019) Ngày chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Quang Trung đại phá quân Thanh, lập lại nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
 Bìa trường ca “Cờ đào Tây Sơn”. Ảnh: H.T.H
Bìa trường ca “Cờ đào Tây Sơn”. Ảnh: H.T.H
Trường ca gồm hơn 500 câu thơ lục bát, chia thành 4 chương: Đất nước; Tây Sơn Thượng; Tây Sơn Hạ và các vùng miền; Lập nền thống nhất, xây dựng độc lập, tự do. Điều đặc biệt của cấu trúc trường ca này, như tác giả thổ lộ trong lời ngỏ đầu tác phẩm, là “song hành với mỗi một trang của tác phẩm, tôi đã dành từng ấy trang tương ứng mà tôi đã dụng công sưu tầm, chọn lọc từ những lời của các nhà lãnh tụ, các tướng lĩnh, giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ lớn của nước mình và những bạn bè thân hữu đã thành danh, với mong muốn có một mà hơn một”. Điều này cũng làm sinh động, xác tín và bổ sung thêm những thông tin mới về cuộc đời và những quan hệ gần gũi khác của Nguyễn Huệ thời thanh niên ở quê nhà. Nhiều chi tiết mới ở chương 2 và chương 3 mà tác giả cung cấp bằng thơ là rất quý.
Toàn bộ tập trường ca được viết theo thể thơ lục bát truyền thống mà tính chất của nó là kết hợp cả 2 bình diện: lục bát nghệ thuật và lục bát ứng dụng. Vì vậy, bên cạnh những khổ lục bát trữ tình nghệ thuật, tác giả lại chen ghép những câu, những khổ lục bát mang tính diễn ca, mang tính tuyên truyền, cổ vũ rõ nét. Ví như để nói về ý đồ và biện pháp kết đoàn dấy binh khởi nghĩa của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, tác giả dẫn dắt câu chuyện cụ thể:
Lá cờ đỏ, núi rừng xanh
Y trang thủ lĩnh hùng anh màu cờ
Niềm tin chủ đạo quân cơ                              
Đồng bào dân tộc đạo thờ thần linh
Nhất tìm vị trí địa hình
Thuận thiên, nhân lực dân binh đồng tình
Lấy nhà giàu cấp người nghèo
Tây Sơn tụ nghĩa nông theo đức tài
Khéo dừng đúng lúc không dài
So trong ngoài nước ít ai sánh tày.
Vừa bám vào chính sử để ghi lại những sự kiện trọng đại, tác giả vừa ưu tiên khắc họa bổ sung khía cạnh con người đời tư, hoàn cảnh gia đình và quê hương của Quang Trung, nhất là ở chương 2 và chương 3 để hình tượng trở nên sinh động, gần gũi. Đó chính là cơ sở để kết tinh thành những phẩm chất tối ưu của vị anh hùng “áo vải cờ đào” đánh Nam dẹp Bắc, bách chiến bách thắng nội loạn và ngoại xâm trong thời gian ngắn, mà lừng lẫy nhất là cuộc diễu binh thần tốc đánh tan 29 vạn quân Thanh ở trận Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa lịch sử. Chiến công của Quang Trung đã làm rung động đất trời và lòng người, được vua Lê cảm động và liền gả Ngọc Hân công chúa cho Quang Trung. Một cuộc tình mà rồi sau sẽ thành mối tình tuyệt đẹp và chung thủy, nghĩa ân trong lịch sử:
Trời xanh hồng đất đẹp thay
Cành đào xứ Bắc vui ngày Phú Xuân
Thiên duyên tơ ước quây quần
Giang sơn xuân sắc thắm phần thủy chung
Từ Tây Sơn đến Thăng Long
Bắc cung hoàng hậu đẹp lòng miền Trung
Mai đào Nam Bắc tương phùng
Ngọc Hân, hoàng đế Quang Trung Tây triều
Chương cuối cùng của trường ca, tác giả dành để khẳng định công đức và sự nghiệp vĩ đại của người anh hùng dân tộc Quang Trung khi đã đánh tan kẻ thù, giành độc lập dân tộc và thống nhất non sông: “Tây Sơn rạng rỡ cờ đào/Ánh vàng tâm chính Hoàng bào thần nông/Nguyễn triều lên xuống rồi không/Sang trang sử mới non sông Tiên Rồng”.
Để Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau rạng ngời non sông, bờ cõi:
Cờ đào sắc thắm sử xanh
Sao vàng cờ đỏ kết thành Việt Nam!
Cách triển khai câu chuyện cho tác phẩm như vậy, Tạ Chí Tào đã đạt được mục tiêu đề ra cho trường ca của mình là trực tiếp đi vào sự tiếp nhận của độc giả, đặc biệt là độc giả phổ thông. Dù vậy, không phải lúc nào anh cũng đạt được hiệu quả nghệ thuật như mong muốn. Nhiều câu, nhiều khổ do tuân thủ vần luật lục bát nên có những vênh lệch về ý tưởng; do ép vần nên vụng ý; nhiều hình ảnh và cảm xúc không theo kịp ý nghĩ và không logic với câu chữ hoặc ngược lại. Nhưng nhìn tổng thể mà nói, trường ca Cờ đào Tây Sơn của Tạ Chí Tào đã đạt được ý nguyện và tâm nguyện của chính tác giả là: “Phong trào khởi nghĩa nay đã gần 250 năm…Với đề tài rộng lớn, tự biết mình còn nhiều hạn chế, tuy rất cố gắng, nhưng không tránh khỏi thiếu sót”. Đó là tâm sự chân thành và đáng quý của một người tự biết mình, biết công việc sáng tạo là không hề dễ dàng và không phải lúc nào cũng diễn ra như mình mong muốn.
PGS. TS Hồ Thế Hà

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.