'Lão khùng' tìm mộ liệt sĩ: Gian nan tìm mộ người dưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hành trình tìm mộ liệt sĩ cho người dưng của ông Nguyễn Sỹ Hồ đầy rẫy gian nan vất vả và cả những chuyện trớ trêu, bức xúc... mà người trong cuộc như ông 'thấm đòn' mới biết.

Ông Sỹ Hồ chuẩn bị đưa hài cốt liệt sĩ về với gia đình nhờ ông tìm kiếm mộ. Ảnh: SỸ HỒ
Ông Sỹ Hồ chuẩn bị đưa hài cốt liệt sĩ về với gia đình nhờ ông tìm kiếm mộ. Ảnh: SỸ HỒ
Trong hơn 30 năm tìm mộ anh trai hy sinh tại chiến trường miền Nam, ông Nguyễn Sỹ Hồ càng thấu hiểu nỗi niềm của những gia đình chưa tìm được mộ liệt sĩ (LS). Đặc biệt, ông giáo già này nắm được rất nhiều lý do để “giải mã” tại sao gia đình LS không thể tìm được mộ người thân, cũng như nhiều sai sót, bất cập, kể cả những “bí mật” trong công việc tìm kiếm mộ LS. Từ đó, ông đã phát tâm đi tìm mộ cho người dưng.
“Lão khùng” đã nổi… khùng thật
“Kết thúc hành trình tìm mộ anh trai một cách mãn nguyện, tôi quyết định đi tìm mộ LS giúp đỡ mọi người. Có người bảo tôi là “lão khùng”. Nhưng tôi đã phát tâm thì ai nói gì cũng được”, ông Sỹ Hồ tâm sự. “Lão khùng” bắt đầu đi khắp các nghĩa trang chụp hình mộ LS để thu thập các dữ liệu. Ông Sỹ Hồ kể lại: “Hồi đó bị cấm chụp hình nghĩa trang (NT) LS nên gặp nhiều trớ trêu. Có khi mang cơm đùm, cơm nắm, đi xe máy mấy trăm cây số... đến nơi cần chụp ảnh thì họ không cho”. Để có những tấm hình mộ LS, nhiều khi ông Sỹ Hồ phải đột nhập NT lúc trời chưa kịp sáng để tránh bị phát hiện. Ngay cả khi “nổi tiếng” khắp nơi, được chính quyền vinh danh, Cục Người có công cấp giấy cho chụp ảnh mộ LS cả nước thì cũng không ít lần “lão khùng” đã… nổi khùng thật. “Có nơi đòi lập biên bản, tịch thu máy chụp ảnh, báo công an đến bắt tôi”, ông Sỹ Hồ thổ lộ.
Gần đây, ông đến NTLS ở một tỉnh miền Trung chụp ảnh thì quản trang vừa ngăn cản vừa… chửi. Ông Sỹ Hồ thuật lại: “Người quản trang này bảo muốn chụp ảnh phải có giấy phép của Phòng LĐ-TB-XH huyện. Tôi nhẹ nhàng bảo mình được phép của Cục Người có công. Thế nhưng, ông ta vẫn lớn tiếng xúc phạm: “Không biết cục nào cả. Bây giờ giả danh thiếu gì. Tôi nhận lương của phòng thì tôi chỉ nghe lệnh của phòng”.

Ông Nguyễn Sỹ Hồ chụp ảnh tại một nghĩa trang liệt sĩ
Ông Nguyễn Sỹ Hồ chụp ảnh tại một nghĩa trang liệt sĩ
Người đàn ông từng là thầy giáo sống rất điềm đạm, mực thước này còn cho biết mình “điên tiết” vì nhiều chuyện khác trong quá trình đi tìm mộ LS. Chẳng hạn: Cách đây ba năm, đã phát hiện ra sự thật mà ông cho là “máu của mình muốn trồi lên mũi, giọng nói muốn lạc đi”. Theo đó, hai LS cùng tên Phạm Văn Quỳnh, cùng quê, một LS có mộ tại NTLS quốc gia Trường Sơn, LS còn lại có mộ tại một NTLS ở tỉnh Quảng Nam. Gia đình LS Quỳnh này đã bốc nhầm mộ LS Quỳnh kia. Vì thế, ông Thoan, một người em của LS Quỳnh nọ tá hỏa báo: “Mộ anh Quỳnh của em tại NTLS Trường Sơn đã được gia đình LS Quỳnh kia đưa về quê rồi. Nhờ anh cung cấp hồ sơ của LS Quỳnh có mộ tại Quảng Nam để em nhờ họ xử lý”. “Một cuộc họp qua điện thoại ngay sau đó có tôi và hai gia đình LS Quỳnh đã thống nhất trả lại đúng hài cốt cho hai gia đình. Tôi nghĩ như thế là ổn rồi. Ai dè anh Thoan điện thoại vào nói như mếu: “Bác ơi giúp em với. Phòng LĐ-TB-XH huyện bắt làm hết đơn này đến hồ sơ nọ. Bây giờ họ bắt em vào Quảng Nam để xin xác nhận vị trí mộ Phạm Văn Quỳnh”. Vị trí mộ LS trong các NTLS đã được công khai trên website của liên Bộ LĐ-TB-XH và Bộ TT-TT rồi cơ mà?... Hay cái trang web đó không đáng tin cậy?”, ông Sỹ Hồ bức xúc.
Có nơi còn máy móc “không đồng cấp không trả lời”. Đó là câu chuyện năm 2020. Lúc đó, ông Sỹ Hồ đến Phòng LĐ-TB-XH TX.Tân Uyên (Bình Dương) hỗ trợ gia đình LS Tô Văn Dần làm hồ sơ xin đính chính thông tin trên bia mộ. Cán bộ ở đây cho biết đã có công văn gửi Sở LĐ-TB-XH một tỉnh có hồ sơ lưu trữ thông tin LS Dần đề nghị họ xác minh. Tuy nhiên, nơi đó trả lời rằng: “Phòng LĐ-TB-XH TX.Tân Uyên không đồng cấp với Sở LĐ-TB-XH tỉnh nên không trả lời trừ khi Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương ủy quyền cho phòng”. Tình huống này khiến ông Sỹ Hồ cảm thán: “Ối trời ơi! Hàng trăm trường hợp tôi hướng dẫn rồi gia đình tự đến Sở LĐ-TB-XH xác minh, sau đó gửi phiếu xác minh qua bưu điện và các sở trong miền Nam vẫn giải quyết bình thường. Với cách giải quyết này thì tỉnh có công văn gửi T.Ư cũng không trả lời vì không đồng cấp, và công dân làm đơn gửi các cơ quan công quyền cũng sẽ không được trả lời vì không đồng cấp (?!)”.

Liệt sĩ Phạm Văn Quỳnh chôn cất tại NTLS ở Quảng Nam bị gia đình bốc nhầm từ mộ liệt sĩ cùng tên, cùng quê ở NTLS Trường Sơn
Liệt sĩ Phạm Văn Quỳnh chôn cất tại NTLS ở Quảng Nam bị gia đình bốc nhầm từ mộ liệt sĩ cùng tên, cùng quê ở NTLS Trường Sơn
Bị chửi te tua và chuyện tréo ngoe
Ông Sỹ Hồ rất bức xúc chuyện những tay ngoại cảm dỏm, lừa đảo người thân LS. “Hàng ngàn mộ LS được gia đình đưa hài cốt về quê theo ngoại cảm, nhưng giờ tôi tìm hiểu đối chiếu hồ sơ thì lòi ra nhiều mộ thật vẫn còn ở NTLS”, ông Sỹ Hồ chia sẻ. Vì “bóc mẽ” những người tự xưng là nhà ngoại cảm nhưng đích thị lừa đảo, nên “ông khùng” từng bị hù dọa “xử đẹp”. “Hơn 14 năm đi tìm mộ LS giúp mọi người, tôi được khen lên tận mây xanh cũng có mà bị chửi te tua cũng có. Thậm chí bị đệ tử của những tay ngoại cảm lừa đảo hù lấy mạng. Có những người tưởng tôi ăn lương nhà nước mà con em họ hy sinh hơn năm chục năm rồi giờ mới báo tin nên họ chửi. Khi họ hiểu ra thì xin lỗi rồi cảm ơn rối rít”, ông Sỹ Hồ thổ lộ.

Liệt sĩ Phạm Văn Quỳnh chôn cất tại NTLS Trường Sơn đã bị bốc hài cốt nhầm về NTLS ở Quảng Nam
Liệt sĩ Phạm Văn Quỳnh chôn cất tại NTLS Trường Sơn đã bị bốc hài cốt nhầm về NTLS ở Quảng Nam
Nhiều chuyện tréo ngoe mà ông Sỹ Hồ thường xuyên gặp. Phổ biến nhất là chuyện sai thông tin trên bia mộ. Nhớ rành rọt nhiều trường hợp, nhưng ông Sỹ Hồ kể với chúng tôi vài điển hình: Năm 2010, thông qua hệ thống blogs, cháu Bùi Văn Hưng ở Lương Sơn (Hòa Bình) nhờ ông tìm mộ chú ruột là LS Bùi Văn Ngũ. Cháu cho biết bố đã sang tận Biển Hồ (Campuchia) tìm mà không có kết quả. Làm đơn yêu cầu quân khu nọ tìm kiếm thì họ trả lời không có. Ấy vậy mà ông đã giúp gia đình tìm được mộ và đã đón hài cốt LS về quê. Chỉ vì chuyện sai sót trong hồ sơ bàn giao, thông tin ghi: “Bùi Văn Ngũ, quê L.Sơn, HS.Bình bàn giao về NTLS Dĩ An”, trong khi đó bia mộ ghi thành Bùi Văn Ngữ quê Lạng Sơn. Mới đây, gia đình LS Nguyễn Huy Bằng cũng gặp hoàn cảnh tương tự. LS Nguyễn Huy Bằng hy sinh tại Tân Hội (Tân Biên, Tây Ninh), trong quá trình quy tập vào NTLS Tân Biên đã ghi thành Nguyễn Huy Bàng, không rõ quê nhưng vẫn còn ghi được đơn vị là E429. “Tôi dựa vào hồ sơ lưu tại Lữ đoàn Đặc công 429, ghép với ảnh bia mộ tại NTLS Tân Biên đăng lên group thì đã kết nối được ngay với thân nhân LS”, ông Sỹ Hồ nói. Hoặc mộ LS Trần Xuân Bình ghi quê Thanh Kỳ, Ngống, Thanh Hóa. Đúng ra là Nông Cống nhưng có lẽ viết tắt N.Cống rồi ai đó “dịch” ra thành... Ngống (?!). Còn mộ LS Lương Văn Mùi lại ghi quê Văn Thiên, Ngóng, Thanh Hóa, nhưng theo ông Sỹ Hồ thì dễ dàng đoán ra Vạn Thiện, Nông Cống, Thanh Hóa vì không có quê Văn Thiên mà lại cũng không có địa danh Ngóng nào ở Văn Thiên ấy.
(còn tiếp)
Đúng quy trình, mệt chết đi được !
“Hầu hết các quản trang khi tôi đưa công văn do Cục Người có công cấp cho phép chụp ảnh tại các NTLS thì họ vui vẻ đồng ý cho vào chụp ảnh mộ LS ngay. Nhưng có một số NTLS bắt tôi phải làm “đúng quy trình”. Theo đó, phải xin phép qua 4 cấp gồm báo cáo quản trang, quản trang báo cáo phòng, phòng báo cáo sở, sở báo cáo bộ. Cuối cùng mọi việc cũng êm xuôi, chỉ tội làm mất thời gian của tôi thôi. Ôi cái quy trình như thế thì mệt chết đi được!”.
Ông Nguyễn Sỹ Hồ
Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.