Làng "siêu đẻ" giữa Tây Nguyên đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xã Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Đak Lak), ngoài đường đến đâu cũng nhìn thấy trẻ con. Xã có 6 thôn đặc biệt khó khăn, thôn nào cũng tranh nhau danh hiệu “siêu đẻ”. Nghèo nên đẻ nhiều, đẻ nhiều nên nghèo. Chính quyền địa phương lực bất tòng tâm không biết làm cách gì để dân... thôi đẻ.

Đầu những năm 2000, hòa cũng làn sóng di cư tự do vào các tỉnh Tây Nguyên tìm cuộc sống mới, hàng ngàn người dân tộc Mông từ vùng cao các tỉnh phía Bắc khăn gói đèo bòng con cái, họ hàng tìm đến khu vực đồi núi thuộc các thôn Ea Ul, Ea Uôl, Ea Rớt, Ea Bar... hiện nay khai phá đất đai, dựng nhà, lập thôn sinh sống.

Trong trí nhớ của Trưởng thôn Sính Chứ Chơ, rời quê tìm vùng đất mới là một hệ quả tất yếu bởi cuộc sống nơi quê cũ vô vàn khốn khó; đất đai bạc màu, hủ tục lạc hậu đè nặng... Trong khi đó, vùng núi rừng hoang sơ tại xã Cư Pui lại được tự nhiên ưu đãi về đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi nên bà con yên tâm chọn làm nơi sinh kế lâu dài. Thế là, người trước giới thiệu người sau, người trẻ động viên người già lên đường lập thôn. Họ ra đi với ước vọng thoát nghèo, với ước vọng để những thế hệ mai sau “nở mày nở mặt với thiên hạ”…

 

Việc sinh con nhiều khiến đời sống người dân tại các thôn trong xã Cư Pui nghèo đòi quanh năm.
Việc sinh con nhiều khiến đời sống người dân tại các thôn trong xã Cư Pui nghèo đòi quanh năm.

Đẻ được cứ đẻ

Trưởng thôn Sính Chứ Chơ - người dẫn đường của chúng tôi, là một trong những người đã thay đổi được cuộc đời từ cuộc di cư lịch sử năm xưa. Từ hai bàn tay trắng, nhờ chăm chỉ bám vào vài sào ruộng nương và làm cán bộ thôn, anh Sính Chứ Chơ cùng vợ đã gây dựng được căn nhà khang trang trong thôn cùng 3 đứa con. Tưởng rằng bà con trong thôn nối bước trưởng thôn ra sức lao động, nâng cao tri thức thay đổi cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, nhưng không, sự thể chẳng vậy!

Ngồi trò chuyện, anh Sính Chứ Chơ rầu rĩ: “Khác với mong muốn ngày đầu vào đây, trong thôn những hộ thoát nghèo giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều năm nay, người trong thôn chúng tôi cứ sinh con từ 5-10 đứa thì tài sản làm ra bao nhiêu cũng chỉ đủ mua gạo, mua mắm bỏ vào miệng ăn háu của những đứa trẻ đói chứ dành dụm được gì cho cam”.

Thời điểm chúng tôi có mặt, người dân trong thôn đều đi rẫy cả nên vị trưởng thôn dẫn chúng tôi đến gia đình một hộ đẻ thuộc dạng “trung bình” trong thôn. Nhà vợ chồng anh Sính Mí Chá (thôn Ea Ul, xã Cư Pui) nằm cheo leo giữa lưng chừng núi, căn nhà dựng tạm bằng gỗ tạp trống hoác. Bên trong nhà, áo quần trẻ nhỏ lỉnh kỉnh, treo vương vãi khắp nơi bốc mùi ẩm mốc ngai ngái.

Năm nay chị vợ vừa tròn 34 nhưng khuôn mặt chị lộ rõ nếp nhăn chằng chịt. Người chị xanh xao, nhợt nhạt sau lần “vượt cạn” thứ 7. Người lạ vào nhà, lũ trẻ nhà Sính Mí Chá chạy loạn xạ, đám chị lớn cười khúc khích áp má vào vách gỗ, đứa nhỏ khóc thét bá víu cha mẹ vì phần lớn đều ít tiếp xúc người lạ.

Chị vợ Sính Mí Chá cho biết, chị cùng anh Sính Mí Chá (SN 1980) lấy nhau từ năm 1999. Một năm sau, vợ chồng anh chị vào Tây Nguyên lập nghiệp. Điều đầu tiên hai vợ chồng bàn tính với nhau tại nơi ở mới là phải đẻ được vài cậu con trai đỡ đần chuyện nương rẫy sau này. Mong muốn là thế nhưng nhưng số phận trêu ngươi, chị Sính Mí Chá lần nào đẻ cũng là con gái.

Hỏi 7 gái rồi, sắp tới có sinh thêm nữa không? Giọng anh Sính Mí Chá chắc nịch: “Sinh chứ! Phải đẻ được con trai để nối dõi tông đường, để giúp đỡ chuyện nương rẫy sau này nữa chứ, con gái bọn nó sau này về nhà chồng hết cả”.

Chúng tôi ghé thăm nhà chị Lầu Thị Đỏ (thôn Ea Lang) - người phụ nữ chỉ mới 35 tuổi nhưng cũng có 7 người con đủ nếp đủ tẻ. Chị Lầu Thị Đỏ nói chưa sõi tiếng phổ thông, nhưng chắp nối câu chuyện, tôi cũng hiểu được, gia đình chị từ lúc lập nhà đến nay chỉ có vài sào bắp rẫy sản xuất. Cuộc sống từ vài sào bắp rẫy không giàu nhưng đủ sống.

Vài năm trước, chồng chị Đỏ không may mất sớm nên gánh nặng gia đình lại đặt lên đứa con lớn Vừ A Tú (SN 1998). Bản thân Tú cách đây 3 năm đến tuổi lấy vợ cũng tìm được cô vợ cùng thôn là em Hoàng Thị Đấu (SN 1999) rồi có với nhau 1 đứa nhỏ. Gánh nặng 6 đứa em nhỏ chưa dứt, nay lại đèo bòng vợ dại con thơ khiến Tú già hơn so với cái tuổi thanh niên mười chín đôi mươi, đen sạm vì lao động nặng trước tuổi,

Suốt cuộc nói chuyện, Tú ít cười, hay trầm ngâm. Hỏi liệu nhà đông con vậy thì việc đến trường của con và các em như thế nào? Tú thật thà: “Do nhà nghèo quá, 7 anh em đều không được đến trường học con chữ vì không có giấy khai sinh. Đứa con của em mới sinh ra nhưng vì không có giấy kết hôn nên cũng chưa biết làm thế nào để làm giấy khai sinh cho nó. Chưa biết sau này nó có được đến trường được không nữa?”

Trưa, chúng tôi ngồi ăn cơm cùng gia đình. Bữa cơm khô khốc chỉ nồi cơm kèm nước mắm và rau luộc nhưng 6 đứa em của Tú ăn ngon lành. Nhìn những đứa em gầy gò, đen nhẻm cặm cụi dùng bữa, Tú chia sẻ hạnh phúc nhất của em giờ đây là hằng tháng, em đi làm có lương để dành tiền mua thịt, cá về cho chúng.

Nghèo đói vây quanh

Xã Cư Pui có 13 thôn thì trong đó có 6 thôn với hơn 7.000 dân thuộc diện di cư tự do là các thôn Ea Uôl, Ea Rớt, Ea Bar, Ea Lang, Cư Rang, Cư Tê. Đáng buồn là người dân ở 6 thôn này luôn... đi đầu trong việc sinh con thứ 3 trở lên.

Nói về chuyện sinh con nhiều, ông Hoàng Trọng Tiến - tổ trưởng thôn Ea Lang - ngao ngán: “Người dân địa phương vẫn giữ quan niệm lạc hậu là phải sinh con trai sau này đỡ đần cha mẹ lúc về già. Rồi cũng có trường hợp sinh liên tục 5-7 đứa con trai thì người vợ lại muốn có con gái. Mà đẻ nhiều giàu đâu chẳng thấy, chỉ thấy cái nghèo quẩn quanh”.

Về chuyện học hành của hàng trăm đứa trẻ trong thôn, ông Tiến cho biết, mặc dù còn nhiều nhà thuộc diện hộ nghèo vì con đông, nhưng trẻ em đều được địa phương tạo điều kiện để đến trường để học con chữ. Riêng đối với những trường hợp trẻ nhỏ do cha mẹ không làm giấy khai sinh hoặc cưới nhau quá sớm không giấy kết hôn theo quy định thì ông Tiến thừa nhận, quả thật vấn đề này phía địa phương đang “bối rối” vì chưa biết giải quyết như thế nào.

Ông Tiến cho biết, vài năm trở lại đây, những chương trình sinh đẻ có kế hoạch hỗ trợ người dân vùng sâu không được duy trì thường xuyên vì nhiều lý do. Trong khi đó, để tuyên truyền hiệu quả, bản thân những cán bộ thôn, xã phải thường xuyên được tập huấn, nắm vững những phương pháp phòng, tránh thai để từ đó hướng dẫn người dân hiệu quả.

“Tôi mong muốn lãnh đạo cấp trên sớm xem xét quan tâm hơn nữa đến đời sống của người dân địa phương, sớm linh động giải quyết những trường hợp không có giấy khai sinh để lũ trẻ có thể đến trường. Làm được như vậy may ra những thế hệ tiếp theo trong thôn mới nâng cao nhận thức, hạn chế việc sinh con nhiều” - ông Tiến chia sẻ.

 

“Về mặt chính quyền, chúng tôi luôn cử những cán bộ là chính người trong thôn, trong làng để giải thích, tuyên truyền hệ quả xấu của việc sinh con nhiều cho người dân. Nhưng thật sự, vẫn còn nhiều người giữ suy nghĩ con đông - lắm của, phải sinh con trai để đỡ đần chuyện nương rẫy... Nên công tác tuyên truyền cũng chỉ dừng lại ở... tuyên truyền” - ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Đak Lak) - chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Cư Pui - cho biết, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên của 6 thôn nói trên trong xã năm nào cũng ở vị trí cao nhất trong xã. Do đông con nên đời sống kinh tế của các thôn này phần đông đều khó khăn và rất dễ xảy ra nhiều hệ lụy xấu như nạn tảo hôn, bỏ học còn cao.

Nói về công tác kế hoạch hóa gia đình của địa phương, ông Tâm cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền hằng năm, cán bộ người bản địa thường xuyên đến vận động từng nhà sử dụng các phương pháp tránh thai nhưng hiệu quả hiện còn thấp do nhận thức người dân chưa được cải thiện.

Chẳng lẽ chúng ta chỉ còn cách tuyên truyền và chờ - như lời chị Sùng Thị Cở (thôn Ea Ul, xã Cư Pui) lúc ẵm đứa con thứ 7 trên tay - thật thà nói với chúng tôi: “Cán bộ về đi, khi nào vợ chồng tôi sinh được cậu con trai nối dõi thì chúng tôi không đẻ nữa...”.

Theo laodong

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.