Làng Ốp và ước vọng đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành làng du lịch mà những nét văn hóa truyền thống của người Jrai chính là điểm đặc sắc nhất. Chỉ cách con đường trung tâm thành phố (Cách Mạng Tháng Tám) chưa đầy 1 km nhưng ngôi làng lại có một không gian hoàn toàn khác, xanh mát, hoang sơ và bình dị.

 Nhà rông làng Ốp. Ảnh: P.V
Nhà rông làng Ốp. Ảnh: P.V

Từ ngày trở thành làng văn hóa du lịch đầu tiên của thành phố, bà con làng Ốp đã vui mừng đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước ghé thăm. Từng bài cồng chiêng, từng điệu xoang trong các lễ hội của làng nay được biểu diễn trước du khách gần xa; các bà các chị cũng khéo léo hơn trong khung dệt thổ cẩm trước những ánh nhìn đầy thích thú. Cả làng Ốp từ già đến trẻ đều chung sức đồng lòng cùng nhau làm du lịch.

Ông Puih Ngun (57 tuổi) vui mừng lắm khi ngôi làng thân thương của mình được các cấp quan tâm, trở thành làng du lịch. Ông Ngun bày tỏ: “Từ năm 2008 đến nay, làng được đầu tư xây dựng nhà rông, nhà dài truyền thống, đường giao thông sạch đẹp, có mương thoát nước, đường nội bộ cũng được láng nhựa. Không chỉ vậy, bà con còn có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với nhiều khách đến tham quan”.

Dù vậy, sau nhiều năm khai thác du lịch, làng Ốp mới chỉ dừng lại là một điểm tham quan văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa Jrai với nhà rông, nhà sàn, thổ cẩm, đan lát, cồng chiêng... Ông Rơ Châm Ver cho biết: Nhiều du khách vẫn tìm đến làng tham quan. Tuy nhiên, du khách thường tự mình đi tham quan, chụp hình khoảng một hai tiếng đồng hồ rồi lại lên xe về chứ không mua các sản phẩm du lịch hay sử dụng dịch vụ du lịch nào từ làng.  

Trong chuyến thăm và làm việc tại Gia Lai mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm bà con làng Ốp. Giữa tiết trời se lạnh đặc trưng của Pleiku cuối năm, trong tiếng cồng chiêng hòa với điệu xoang nhịp nhàng, Thủ tướng bày tỏ niềm vui mừng khi thấy đời sống của nhân dân làng Ốp đã có nhiều thay đổi. Cùng với những lời dặn dò bà con làng Ốp phải đùm bọc, phát huy tinh thần đoàn kết để phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau giảm nghèo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: UBND tỉnh cần tạo mọi điều kiện để bà con xây dựng làng Ốp thành làng du lịch hấp dẫn. Trong đó cần chú ý đa dạng sản phẩm du lịch độc đáo từ nghề dệt thổ cẩm để giới thiệu đến bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Trong câu chuyện với Thủ tướng, nhân dân làng Ốp cũng bày tỏ những ước vọng mới về ngôi làng du lịch của mình. Ông Ver vui vì làng vẫn còn hấp dẫn du khách và muốn được trực tiếp bán cho những người phương xa từng sản phẩm thủ công do mình làm ra như gùi hay tượng gỗ. Chị Yum cũng tâm sự: “Mình muốn được tự tay làm cơm lam, gà nướng để bán cho du khách, một phần là để có thêm thu nhập, phần khác để giới thiệu đến du khách ẩm thực của người Jrai. Mình cũng muốn dệt thổ cẩm để bán cho mọi người mua về làm kỷ niệm…”.

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku chia sẻ: “Để phát triển du lịch, trong thời gian tới, làng Ốp cần duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, vừa có ý nghĩa bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống, vừa cải thiện thu nhập cho người dân, thu hút khách tham quan. Muốn vậy cần đầu tư vốn cho các hộ dân làm nghề, có cơ sở để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; mở các lớp đào tạo nghệ nhân làm nghề truyền thống tại địa bàn…”.

Phương Vi

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.