Lặng lẽ nghề pháp y

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giám định pháp y là lĩnh vực lao động độc hại về thể chất, tinh thần nhưng có ý nghĩa quan trọng trong hành trình bảo vệ lẽ phải, công lý cho người vô tội và cả người đã khuất. Vậy nhưng, những người khoác áo blouse trắng công tác tại Trung tâm Pháp y tỉnh Gia Lai không thôi đắng đót khi nhắc chuyện nghề, bởi dư luận xã hội chưa có cái nhìn thiện cảm về công việc của họ.

Trung tâm Pháp y tỉnh có 2 khoa, phòng với 11 cán bộ, y-bác sĩ. Từ khi thành lập (năm 2014) đến nay, cơ quan hỗ trợ tư pháp này đã giám định thương tích, tử thi, hồ sơ cho hàng ngàn lượt trường hợp. Qua đó đã góp phần bảo vệ lẽ phải, đảm bảo công bằng xã hội, gìn giữ an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Nói thay người đã khuất

Trưởng khoa Giám định Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Xuân Đức khái quát công việc đang làm bằng câu nói ngắn gọn: “Nghề này được gọi là bác sĩ mổ không cần thuốc tê hoặc là nghề... nói thay người đã khuất”. Mới nghe qua, tôi thấy trái khoáy. Nhưng thêm chút thời gian lắng nghe các y-bác sĩ trải lòng, tôi mới vỡ lẽ: Mổ tử thi thì gây tê có tác dụng gì! Và, chỉ bác sĩ pháp y mới xác định được chính xác nguyên nhân tử vong qua chứng cứ khoa học được họ giải mã.

Giám định thương tích tại Trung tâm Pháp y tỉnh. Ảnh: N.T

Giám định thương tích tại Trung tâm Pháp y tỉnh. Ảnh: N.T

Giám định tử thi là một trong những nhiệm vụ của Trung tâm Pháp y tỉnh. Có điều hình ảnh chiếc áo blouse trắng thường xuất hiện ở nơi có xác chết chưa rõ nguyên nhân được thu trong tầm mắt của đại đa số người dân. Vậy nên, nhắc đến nghề pháp y là mọi người sẽ nghĩ ngay đến giám định tử thi.

Bác sĩ Đức kể: “Cách đây mấy năm, ở thị xã An Khê xảy ra vụ một bé trai tử vong bất thường khi ở nhà với bảo mẫu. Ban đầu, hiện trường vụ việc hướng đến chuyện bé tử vong do ngã, va đập với vật cứng trong nhà. Khi tiến hành giám định, nhận thấy điểm bất thường là máu tụ ở bụng cháu bé, chúng tôi đã trao đổi với cơ quan Công an. Qua đấu tranh, bảo mẫu đã khai nhận là trước đó có đấm vào bụng khiến cháu ngã rồi mới va đập vào vật cứng trong nhà dẫn đến tử vong. Nếu chúng tôi kết luận qua loa cho xong chuyện thì cháu bé chết oan uổng rồi”.

Trường hợp một người phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Kbang tử vong bất thường hồi năm 2019 cũng dấy lên nghi vấn bị đầu độc. Khi bác sĩ Đức cùng cộng sự giám định tử thi thì phát hiện nạn nhân đã ăn lá ngón. Bản kết luận của pháp y đã giúp bà con dân làng giải tỏa những lo lắng, nghi kỵ lẫn nhau. Cũng có trường hợp bệnh nhân tử vong khi đang điều trị ở một bệnh viện trên địa bàn tỉnh, người nhà nghi bác sĩ tắc trách kéo nhau lên kiện cáo. Sau khi có kết quả giám định là do bệnh lý, người nhà bệnh nhân mới dừng khiếu nại.

“Hay như trường hợp của cô gái người dân tộc Giẻ Triêng ở tỉnh Kon Tum tên Y Nhiêu xuống Gia Lai làm thuê bị người chủ tra tấn dã man rúng động dư luận năm 2018. Các thành viên tổ giám định thương tích thức trắng mấy đêm làm việc để cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra, buộc kẻ gây tội ác cúi đầu nhận tội, giải tỏa sức nóng của dư luận xã hội”-bác sĩ Lê Tuấn Anh (Khoa Giám định) bộc bạch.

Còn Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Tào Quang Bích thì cho biết: Trách nhiệm của pháp y là phải tìm ra nguyên nhân tử vong một cách chính xác. Bởi rất có thể xảy ra khả năng giết người rồi cho xe cán qua hoặc vứt xuống sông tạo hiện trường giả. Chẳng hạn như trường hợp thi thể 1 cháu bé nổi trên mặt nước nghi đuối nước cách đây ít năm. Giám định xong mới biết cháu đó bị giết, chôn xác dưới ao cạn, ít lâu sau nước đổ về ngập thì nổi lên. Thế nên, cán bộ, nhân viên của Trung tâm phải tự học và tham gia các khóa tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm trong việc tìm lẽ phải, công lý.

Buồn vui chuyện nghề

Tiết trời tháng 7 ẩm ương khiến cuộc trò chuyện của chúng tôi thêm nhiều dư vị. Chuyện mà các y-bác sĩ nhắc đến nhiều hơn cả là những nhọc nhằn và hiểm nguy của nghề. Dẫu đêm khuya mưa gió, nhận điện thoại của Trung tâm là ai nấy ngay lập tức tập hợp tại cơ quan để nhận nhiệm vụ. Xa mấy cũng đi, kể cả ngày lễ, Tết.

“Vừa rồi, sau khi nghe tin báo người dân phát hiện 2 bộ xương khô trong rừng Kbang, chúng tôi vội vã thuê taxi lên đường làm nhiệm vụ. Tiếp đó, chúng tôi băng rừng gần 2 tiếng đồng hồ mới đến hiện trường. Trên đường đi, anh em thay phiên nhau xách túi đựng đồ nghề. Chúng tôi mất 2 ngày ở trong rừng già để xác định nguyên nhân tử vong của 2 cha con nạn nhân. Hôm trở ra, có đồng chí phụ việc trong tổ mệt quá không đi nổi, chúng tôi phải thay nhau dìu. Cũng có lần, tôi đi giám định mà dân đàn anh đàn chị ở TP. Pleiku thay phiên nhau áp tải đi về như... nguyên thủ quốc gia. Do họ nghĩ chúng tôi sẽ làm kết luận không đúng thực tế. Hồi đó, tôi phải giấu vợ con, ở cơ quan đến tối muộn mới về vì sợ người nhà nhìn thấy sẽ lo lắng. Tôi còn đề nghị họ đỗ xe ô tô cách nhà cả trăm mét rồi đi bộ về nhà”-bác sĩ Đức tâm sự.

Bác sĩ Đồng Xuân Đức giới thiệu mẫu bệnh phẩm lưu trữ phục vụ công tác giám định pháp y ở đơn vị. Ảnh: N.T

Bác sĩ Đồng Xuân Đức giới thiệu mẫu bệnh phẩm lưu trữ phục vụ công tác giám định pháp y ở đơn vị. Ảnh: N.T

Trò chuyện cùng tôi, 2 bác sĩ Tào Quang Bích và Lê Tuấn Anh cũng không giấu được sự ớn lạnh khi nhớ lại cảnh bị người nhà nạn nhân dọa nạt, cầm hung khí đe nẹt khi đang làm nhiệm vụ giám định. Bác sĩ Bích kể: “Tôi từng bị một người đàn ông cầm dao đòi chém. Anh ta nhào vào mấy lần nhưng may có người ngăn cản. Mà lúc đó, tôi mới chỉ đưa mũi dao chuẩn bị cắt sợi dây nối từ cổ tử thi đến cành cây”.

Còn trong tâm trí bác sĩ trẻ Lê Tuấn Anh in đậm 2 lần bị dọa lấy mạng. Một lần ở huyện Chư Sê, thấy anh trai nạn nhân cầm cái cuốc đi quanh nhà, miệng quát tháo, anh cùng cộng sự đành tạm ngưng việc mổ tử thi, chờ sự trợ giúp của cơ quan chức năng. Lần khác ở huyện Kông Chro, một mũi dao kề sát cổ yêu cầu anh chấm dứt việc giám định tử thi.

Những người làm nghề giám định pháp y còn canh cánh nỗi lo lây nhiễm bệnh từ các ca giám định. Sau khi tiếp xúc trực tiếp với tử thi, xông hơi 3-4 lần mà trên người vẫn còn mùi hôi, họ không lo sao được. Chuyện đội ngũ pháp y không dám ăn cơm với thịt sau khi giám định là thường xuyên. Thậm chí ngày Tết, bác sĩ pháp y không dám đi chúc Tết để né tránh lời dị nghị. Riêng bác sĩ Đức đã từng vào TP. Hồ Chí Minh chữa trị mắt sau một lần giải phẫu tử thi.

Nhiều khi, người làm pháp y cũng thấy chạnh lòng khi phải đứng trước Hội đồng xét xử một phiên tòa để bảo vệ những chứng cứ khoa học mình nêu ra trong kết luận giám định. Đối diện với họ là những ánh nhìn thiếu thiện cảm, lời lẽ không hay của đôi người có mặt tại phiên tòa. Áp lực đó cũng là lời nhắc nhở để bác sĩ pháp y nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, tránh cảm tính, thiên vị. Cũng có lẽ vì áp lực này mà mấy năm nay, Trung tâm gặp khó trong việc tuyển bác sĩ. Nỗi lo thiếu thế hệ kế cận có tay nghề cao đang hiện hữu.

Nghề bác sĩ pháp y cũng có lúc mang lại niềm vui, tự hào. Vui là nhận được lời cảm ơn chân thành, sự tôn trọng đến từ gia đình người xấu số. “Ở huyện Chư Pưh vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông làm 2 thanh niên tử vong. Có thanh niên bị đứt lìa đầu, chi chít vết thương trên cơ thể. Chúng tôi đã khâu lại vết thương và tạo hình cơ thể bằng nhiều cách. Bố mẹ nạn nhân nhìn thấy cơ thể con được khâu lành lặn cứ ôm lấy chúng tôi khóc và nói lời cảm ơn chân thành. Trường hợp một tử thi nữ ở xã Tân Sơn (TP. Pleiku) bị dao đâm hơn chục nhát trên cơ thể, chúng tôi cũng khâu vết thương và được gia đình gửi lời cảm ơn. Đây là động lực để chúng tôi cống hiến với nghề”-bác sĩ Lê Tuấn Anh trải lòng.

*

…Cơn mưa chiều trút nước xuống trụ sở Trung tâm Pháp y tỉnh. Nghe nặng tiếng mưa xối qua mái tôn. 11 người ngồi làm việc trong 4 căn phòng chẳng rộng rãi gì. Trang-thiết bị đáng giá nhất là chiếc tủ lạnh chứa mẫu vật xét nghiệm phải đặt ở phần cơi nới phía sau trụ sở do thiếu phòng. Tôi nghe họ nói với nhau có tin nhắn điện thoại báo tăng lương nhưng trong khi đó, chế độ phụ cấp độc hại giảm. Bác sĩ Lê Tuấn Anh ngỏ lời mời mọi người đến phòng trọ dùng bữa, gia đình anh vừa gửi ít đồ ăn ngon. Phía góc tường, mấy chiếc áo blouse trắng treo trên giá nhẹ bay theo gió.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.