Làm một thân cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến tận bây giờ, tôi vẫn muốn được sống như một thân cây, không ồn ào, chỉ cần lặng yên bên ai đó cần mình, đem lại cho họ cảm giác dễ chịu bằng sự cảm thông.
Thú thật, có những ngày tôi trở về nhà trong bộ dạng ủ rũ và mỏi mệt. Không muốn đọc nỗi buồn của mình thành lời nên tôi đành lặng thinh. Cuộc sống muôn vàn bí ẩn, không phải bí ẩn nào cũng mở ra những điều tốt lành. Tôi biết vậy nên ít khi ca cẩm hay để mình muộn phiền quá lâu.
Chỉ là, trong những lúc ấy, tôi thoáng nghĩ nếu mình biến thành một cái cây thì tốt. Nhưng như thế thì cô độc và vô cảm quá chăng? Một thân cây làm sao có thể dang đôi tay (dù nhỏ bé) để ôm lấy chính mình; một thân cây làm sao có thể nói ra những lời yêu thương để động viên, an ủi ai đó khi họ chịu nhiều thương tổn và trót tìm đến tôi. Tôi có thể làm điều gì tốt đẹp trong hình hài một thân cây cơ chứ? Và rồi…
Cao nguyên nơi tôi sống không thiếu các loại cây, đặc trưng nhất vẫn là thông. Khi xưa, nhà thơ Nguyễn Công Trứ cả cuộc đời xoay vần với chữ “Danh” để rồi sau đó phải cất lên: “Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Có lẽ, trong mắt người xưa, thông là loài cây có “khí phách”. Còn tôi thì nghĩ rằng, đã làm thân cây cỏ giữa trời đất thì hẳn đều mang một tâm hồn, một tiếng nói riêng, dẫu thì thầm. Và tôi bắt đầu tìm đến thế giới của những loài cây. Bắt đầu một cách có chủ đích.
Phía trên quả đồi hôm ấy, giữa lênh loang khí trời mùa hạ, tôi kiên nhẫn ngồi dưới một tán cây. Trông nó cũng dễ tổn thương vì đứng riêng lẻ. Nhớ ra chính mình cũng có lúc không giống ai cả và cũng dễ bị tổn thương. Tôi ngả đầu vào thân cây. Đây đó, có những tiếng động. Đó là tiếng rít khẽ của gió trời mà nếu không về với núi đồi thì khó lòng nghe thấu; là tiếng chân chim xô nhẹ cành để cất mình lên, mạnh mẽ bay về hướng có ánh sáng vô ngần.
Còn muốn đi đâu nữa khi ngồi dưới một thân cây vững chãi và được che chở bởi bóng mát của nó. Tôi thấy mình đổi khác, dù cây cứ đứng im đó, không một lời thúc giục, khuyên bảo. Chỉ lặng lẽ tỏa bóng râm mát rượi xuống vai tôi, đôi vai trần có nhiều vết xước. Nhẹ nhõm và dễ chịu quá! Tôi bỗng thấy mình thật là mình hơn hoặc đã hóa thành thân cây kia, bờ cỏ kia hay những đám mây kia, cứ trôi về phía trước... Hóa ra, một cái cây cũng có thể mang lại sự êm dịu trong tâm hồn ta bằng chính sự im lặng của nó.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Mỗi người đều có những khát vọng đẹp. Tôi cũng muốn mang lại một điều tốt lành nào đó cho những người xung quanh. Nhưng biết đâu, trong những chuyển động vội vã của đời sống này, tôi đã trót làm tổn thương ai đó. Hoặc đã từng vô cảm khi không thể thốt nên một lời yêu thương chân thành cho gia đình, bạn bè, tình thân.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn muốn được sống như một thân cây, không ồn ào, chỉ cần lặng yên bên ai đó cần mình, đem lại cho họ cảm giác dễ chịu bằng sự cảm thông. Đôi khi, chỉ cần cảm thông mà thôi! Ngày hôm đó, khi đầu trần ngồi dưới gốc cây, tôi vô tư ngắm nhìn tất cả những gì xa xăm nhất của bầu trời mùa hạ, chỉ ước mình được như một thân cây, có gì sâu vào lòng đất, lại có gì đó khỏa giữa trời xanh.
Cũng không thể cứ ngồi mãi dưới một thân cây mà bỏ quên cuộc sống này. Nhưng chẳng phải dừng lại ngẫm nghĩ để bước đi vững chãi hơn sao. Trên hành trình tạo dựng và chăm chút cho tâm hồn mình, tôi còn nhiều khiếm khuyết. Nhưng nghĩ về cây cỏ, lòng tôi rộng mở hơn, muốn đối đãi ân cần, dịu dàng với mọi người hơn. Đôi lần cứ ngỡ đã yên ổn nhưng thực sự vẫn cần một điểm tựa. Bây giờ, mỗi lúc cần một điểm tựa như thế, tôi lại tìm đến một thân cây. Thân cây đó mà cũng chính là tôi đó.
Không có thân cây nào không sợ gió mưa mài mòn. Nhưng nếu đã từng một lần đem lại bóng mát cho đời thì sá gì chuyện lụi tàn. Có lẽ, mỗi chúng ta cũng mong được một lần mang lại cảm giác dễ chịu, bình yên cho ai đó bằng lòng tốt và sự đồng cảm của mình. Để cuộc sống có ý nghĩa thêm. Tôi không ước làm một người lý tưởng. Tôi chỉ ước mình được làm con người chân chính trong hình hài một thân cây.
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy tròn một thế kỷ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cái tên Thanh Niên luôn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng; luôn khát khao, ước vọng đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường phát triển.

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Thông tin liên lạc xưa và nay - Bộ tem như tái hiện quá trình phát triển của ngành viễn thông và báo chí, đưa chúng ta quay trở về những ký ức từ thưở sơ khai với con tem đầu tiên dán trên bức thư tay gói giấy cho đến các hình thức liên lạc, các loại hình báo chí hiện đại như ngày nay.

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu” và trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIV diễn ra vào chiều 17-6 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

100 năm đồng hành cùng dân tộc

100 năm đồng hành cùng dân tộc

(GLO)- Chúng ta tự hào đã có một nền Báo chí cách mạng với thế hệ những nhà báo-chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, với hơn 500 nhà báo là liệt sĩ, nhiều nhà báo mang thương tật suốt đời nhưng vẫn không ngừng lao động, cống hiến cho đất nước, Nhân dân.

Báo chí trong thời đại AI

Báo chí trong thời đại AI

(GLO)- Sẽ không quá khi nói rằng, chúng ta đang ngày ngày hít thở trong bầu không khí “số”. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đưa các ngành nghề vào cuộc chạy đua để không bị tụt hậu. Báo chí càng không ngoại lệ.

 Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

(GLO)- Phát thanh viên là người góp phần làm nên chiều sâu cảm xúc cho khán thính giả. Có những giọng đọc qua năm tháng đã trở thành ký ức trong lòng người nghe. Trong số đó, biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Bahnar Siu Thu của Báo Gia Lai được ví là “giọng đọc không tuổi”.

null