Thênh thang cánh diều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không hiểu sao, khi ngắm những cánh diều đầy sắc màu sải cánh trên bầu trời lúc chiều về, tôi có cảm giác yên bình và tự do quá đỗi. 
Chấp chới trên bầu trời chiều nay là những cánh diều căng vút no gió.
Không hiểu sao, khi ngắm những cánh diều đầy sắc màu sải cánh trên bầu trời lúc chiều về, tôi có cảm giác yên bình và tự do quá đỗi. Tôi chạy xe thật chậm để ngắm bọn trẻ háo hức nhìn theo cánh diều vi vút trên kia. Cánh diều no gió rồi mải miết sải cánh trên cao xanh lồng lộng, bỏ lại sau lưng những rộn rã tiếng còi xe và mặt đường bê tông nóng hắt. Dưới mặt đất nhìn lên, cánh diều chỉ còn những hình ảnh bé xíu xiu xinh xắn.
Diều là trò chơi của con trẻ mỗi dịp hè về. Tôi lại nhớ về tuổi thơ lớn lên cùng những cánh diều no gió của mình. Thường thì khi thi xong học kỳ, chờ tổng kết năm học là mẹ cho lấy diều ra chơi. Ba sẽ vót lại nan tre thay cái nan năm cũ. Có năm, ba còn làm cho chị em tôi những cánh diều mới có dán giấy báo đầy màu sắc. Mấy chị em cùng lũ trẻ trong làng cứ thế là ra ngoài cánh đồng mới gặt, chạy lên, chạy xuống, vấp vào bờ ngã sục bùn để căng cho diều kịp gió.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Con tôi sinh ra ở thành phố. Khoảng trời chằng chịt dây, dưới đất nhà nối nhà, người chen người tìm đâu được khoảng không cho trẻ con chạy diều được gió, có đâu khoảng trống cho diều nối dây. Mỗi lần muốn đi thả diều, con trai tôi phải rủ bố trước cả mấy hôm, đổi những phần thưởng thành buổi đi thả diều vùng ngoại ô với bố. Chiều không hẹn nhau, ở một bãi đất trống, các ông bố lại chở con ra, túm tụm cuộn dây, cánh diều để con thả. Dần dần rồi vì con, những người bố kết hội, kết bạn. Để chiều chiều, tôi thấy chồng sửa soạn khi đọc tin nhắn của hội bạn rủ thả diều lúc ban chiều của con.
Gần đây, gia đình tôi chuyển ra ngoại ô sinh sống, trước nhà có một bãi đất trống. Ngày hè, lại nghỉ phòng dịch Covid-19, tụi trẻ con hết học thêm, chúng bày ra bao nhiêu trò. Mấy đứa lớn tự mua diều về thả, đám trẻ nhỏ dắt tay bố đi theo và bãi đất đó trở thành nơi tụ tập rộn ràng. Nhìn tụi trẻ vui sướng, hân hoan ngước nhìn lên trời xanh, tôi thấy trong đáy mắt con có tuổi thơ của mình.
Cách đây ít hôm, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đăng tải trên trang Facebook cá nhân của mình tấm hình ông cặm cụi vót nan, dán giấy, làm diều cho cháu ngoại. Nhìn hình ảnh người ông tỉ mẩn vẽ diều, cùng dòng chữ “Tôi yêu tự do, tôi yêu bầu trời” trên cánh diều màu vàng để tặng cho cháu, tôi nhớ ba da diết. Giá tôi còn ba, chắc chắn, những cánh diều bay chấp chới trong tay con trai tôi cùng đám bạn sẽ được ông ngoại thu dây, căn chỉnh để diều không lệch cánh mà no gió vút cao lên bầu trời.
Hóa ra, mỗi người đến đây ngắm cánh diều bay lên đều có một phần ký ức của mình trong đó, người có cả bờ đê và tiếng sáo ban chiều trên lưng trâu. Tôi chợt nghĩ theo hướng tích cực, phải chăng nhờ Covid-19 mà tụi trẻ có mùa hè thả diều và cha mẹ lại có cơ hội mở rộng cửa để chào đón nhau.
TÚ UYÊN

Có thể bạn quan tâm

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Màu Giêng

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Màu Giêng

(GLO)- Nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ miêu tả một bức tranh đồng quê rực rỡ hương sắc cỏ hoa, cây trái. Vẫn là con đường, cánh đồng ấy nhưng như được khoác lên mình một tấm áo mới tươi tắn, rộn ràng... được ông đặt tên là "Màu Giêng".