Vào hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phố vừa đi qua tháng tư ngằn ngặt nắng, ấy vậy mà bừng một thoáng, hạ đã chơm chớm dậy thì, ngấp nghé mùa đâu đó. 
"Phố núi có đang vào hạ không?". Tôi nhận được email vẻn vẹn một dòng của người bạn ngoài Hà Nội. Với tôi, Pleiku vẫn đủ sắc màu, thanh âm, phức điệu để một sớm mai thức giấc, phố chuyển mình đón hạ.
Những ngày này, loanh quanh với phố, tôi thấy đang là mùa hạ nhuộm lên xanh. Phố vừa đi qua tháng tư ngằn ngặt nắng, ấy vậy mà bừng một thoáng, hạ đã chơm chớm dậy thì, ngấp nghé mùa đâu đó. Không hề ngoa dụ khi nói rằng, phố đã nuôi dưỡng tôi bằng những giấc mơ ngày hạ, mùa nối mùa. Và, mỗi khi tàng cây bằng lăng rụng bay cánh hoa tím ngát xuống phố, tôi xác tín rằng, hạ đã nhón gót đến bên cùng rực rỡ sắc phượng và những cơn mưa đầu mùa mát lành.
Mùa hạ, đường Wừu như một chiếc điều hòa nhiệt độ với bóng râm tỏa mát. Ngước lên cao, thấy ràn rạt gió, nhìn đâu cũng hằn dấu, in bóng những vân nắng li ti xuyên qua từng chùm lá thông. Tôi có đọc đâu rằng, cuộc đời mỗi người đều gắn bó với những hình cây, dáng lá. Cây vừa như tiền nhân, vừa như người bạn chở che, tỏa bóng mát xuống cuộc đời chúng ta.
Ai đi dạo bộ dưới tán râm của thông mới thấy hết vẻ thơi thới, râm mát của hàng cây bên phố này. Còn ngồi trong ô tô, người cầm vô lăng cũng muốn với tay chỉnh khí trời, lấy chút hương gió từ con phố rợp bóng thông xanh. Ngày nối ngày, tôi mấy lượt đi-về trên con phố thân thuộc mang tên người con Bahnar anh hùng lại thấy yêu hơn mảnh đất mình đã chọn để gắn bó. 
Phố núi có mùa hạ không? Khi ai đó ngồi trong quán cà phê quen thuộc, tay xoay xoay ly cà phê sớm mai, vân vê tà áo mà để lạc hồn theo những cơn gió thoáng qua, phả hơi mát lành quý giá. Cái quán cà phê quen thuộc đến mức chỉ dành riêng cho mùa hạ, ngân mãi giai điệu trong ca khúc “Vào hạ”, nghe hoài mà tim vẫn không thôi xuyến xao. 
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Đắm mình với phố, đã rất phố thật phố, hạ rất thật hạ, bình yên như một sợi tóc ngoan hiền. Thốt nhiên, tôi nhớ lời sẻ chia chân tình của cô giáo cũ khi nói rằng, đường Hùng Vương là con phố có mùa hạ nhuộm đỏ trong tim. Bởi phố rì rào đổ bóng những hàng phượng nghiêng nghiêng thả dáng, buông mình khoe từng cánh hoa chao theo bóng nắng hao hanh. Những hàng phượng vĩ được trồng trong những ngôi trường dọc đường Hùng Vương như những gì mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết “Đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”.
Mới hôm qua, tôi chỉ thấy mấy đốm phượng còn rụt rè núp sau vòm lá xanh biếc mà sáng nay đã cháy rực một góc trời. Tôi dừng lại rất lâu ngay quán nước trước trường xưa và ngóng trông trong nỗi chờ đợi, khát khao đế đón một mùa hạ cháy bỏng. Có nhất thiết phải đợi chờ mùa hạ kịp đến mới khuấy động nổi ngọn lửa trong mình? Thì phải ngước lên vòm hoa đỏ đợi chờ ở đó một mùa hoa luôn đúng hẹn, đâu như người với người, đôi khi lỡ hẹn chỉ vì chút giận hờn, buồn tủi.
Mùa hạ chào phố bằng một miền nắng vàng mơ mải. Phố chào mùa hạ bằng bộn bề cảm xúc, chất chứa những yêu thương, mơ ước, dự định và niềm tin. Còn tôi chào mùa hạ bằng niềm thương nỗi nhớ, đôi khi lại nhẩm đọc những câu thơ từ lâu đã thuộc nằm lòng: “Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say/Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước/Con ve tiên tri vô tâm báo trước/Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu…”.
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.