Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Để rồi, ngòi bút của chị đã góp phần nhuận sắc cho một mảng văn học không dễ thể hiện.

Mới đây, tại lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết chủ đề “Cảnh sát cơ động-Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Cơ động (15/4/1974-15/4/2024) do Bộ Công an tổ chức, truyện ngắn “Mai hoa quyền” của Nguyễn Thị Thanh Thúy đã được trao giải đặc biệt. Hẳn nhiên, nhiều người sẽ có chút hoài nghi về giá trị văn học của những tác phẩm tham gia một cuộc thi đậm tính tuyên truyền, cổ động. Tuy nhiên, ngay từ những dòng đầu tiên, độc giả đã bị cuốn theo mạch truyện mà tác giả dẫn dắt với cách cài cắm chi tiết, lớp lang đầy chủ ý. Với văn phong súc tích, lối kể mạch lạc, chị đã nêu bật hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát Cơ động thông qua cuộc đấu tranh với nạn sử dụng tràn lan súng tự chế trong vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy. Ảnh: L.N

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy. Ảnh: L.N

Nguyễn Thị Thanh Thúy gây ngạc nhiên bởi chị là gương mặt rất mới, vừa được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh hồi cuối năm 2023. Trước đó, với mảng đề tài trên, chị có 1 truyện ngắn được chọn đăng trên báo Văn nghệ Công an, đó là tác phẩm “Nơi cơn bão đi qua”. Nhân vật chính của truyện là Liêm-Phó Trưởng Công an huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cùng các cán bộ Công an xã trong cuộc chống chọi với thiên tai, bão lũ để giúp di dời một ngôi làng Xê Đăng ra khỏi vùng sạt lở. Những chi tiết vô cùng sống động, chân thật, từng ngóc ngách tâm lý nhân vật được miêu tả tỉ mỉ khẳng định rằng đây chắc chắn là khung cảnh mà người viết đã từng đắm mình trước đó.

Chia sẻ về hành trình đến với nghề viết, Thúy cho hay: Thi đỗ chuyên ngành Văn học-Khoa Ngữ văn và Báo chí (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) nhưng trong quá trình học, chị lại bị nghề báo thu hút. Dịp hè năm thứ ba, chị đăng ký học thêm lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo do Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Tốt nghiệp năm 2008, khi gia đình đã xin sẵn công việc văn phòng ở UBND huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum)-nơi Thúy sinh ra, lớn lên thì chị lại một mực xách ba lô sang tỉnh Đắk Lắk làm phóng viên thường trú Báo Công an Đà Nẵng. Bố mẹ nhấp nhổm đứng ngồi không yên nhưng không thể cản vì đã quá hiểu sự bướng bỉnh của con gái. Từ chỗ không một người thân quen, Thúy bắt đầu xông xáo với nghề, tiếp cận dần với ngành Công an và được ghi nhận nhờ một số bài viết, hình ảnh độc quyền. Sau hơn 3 năm, chị chuyển về công tác tại Đội Tuyên truyền (Phòng Công tác Đảng-Công tác chính trị, Công an tỉnh Đắk Lắk). “Cứ vác máy quay đi với anh em, mỗi tuần có đến 3-4 ngày ở cơ sở nên không vùng đất nào ở đó mà tôi chưa đến. Vốn sống thu nhận được đều từ những ngày như thế, kể cả đời sống và nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số”-Thúy nhớ lại.

Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (giữa) được trao giải đặc biệt của cuộc thi viết chủ đề “Cảnh sát cơ động-Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống”. Ảnh: NVCC

Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (giữa) được trao giải đặc biệt của cuộc thi viết chủ đề “Cảnh sát cơ động-Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống”. Ảnh: NVCC

Nhà văn Phạm Đức Long: “Tôi ngạc nhiên vì Nguyễn Thị Thanh Thúy là cây bút mới xuất hiện nhưng đọc rất thích, rất ám ảnh. Thúy học văn chương, lại từng làm báo nên có vốn sống dày dặn. Đọc văn của Thúy thấy ngồn ngộn sự kiện, cuồn cuộn vốn sống, văn phong chững chạc và mạch văn rất mạnh. Theo tôi, đây là một cây bút lặng lẽ nhưng rất triển vọng”.

Cái đáng quý của một người làm báo như Nguyễn Thị Thanh Thúy là sự gan lì, sẵn sàng lao vào thực tế khắc nghiệt để có được những trải nghiệm sâu sắc, ghi lại thông tin và hình ảnh đắt giá. Sự có mặt của chị tại huyện Tu Mơ Rông trong trận bão lũ lịch sử hồi tháng 9-2009 là một minh chứng. “Tây Nguyên chưa năm nào có cơn bão lớn như vậy. Mưa cả tháng trời khiến mỗi ngọn núi ở dãy Ngọc Linh đều trở thành một quả bom nước. Sạt lở xảy ra, xóa sổ cả ngôi làng, khiến hàng chục người chết, tang thương bao trùm.

Thời điểm đó, đường sá hoàn toàn bị cô lập, từ cán bộ Hội Chữ thập đỏ, Công an, các đoàn cứu trợ… tất cả đều phải mang ba lô lội bộ cả ngày trời mới đến được làng”-chị kể. Những chi tiết ấy cứ âm thầm neo trong trí nhớ, đến một độ chín cần thiết thì bung ra thành truyện ngắn đầu tay “Nơi cơn bão đi qua”. Bằng khả năng quan sát sắc bén và sự nhạy cảm về thân phận con người, chị đã chuyển tải trong tác phẩm của mình những chi tiết rất gần gũi, nhân văn. Chị trò chuyện: “Tôi mong muốn văn học Công an phải thật “chạm”, thật đậm tính văn học chứ không chỉ thuần tuyên truyền”.

Nhận xét về tác phẩm của đồng nghiệp, Thượng tá Tô Ngọc Tần-Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh) chia sẻ: “Truyện ngắn “Mai hoa quyền” là bức tranh chân thực và cảm động về hình tượng người lính Cảnh sát Cơ động giữa buôn làng Tây Nguyên. Nó chạm đến cảm xúc của người đọc, từ không khí của buôn làng, chiến công của lực lượng Cảnh sát Cơ động trong quá trình trấn áp tội phạm đến sự hy sinh của người vợ, người mẹ, của thân nhân người lính. Với cương vị là lãnh đạo trực tiếp, tôi mong rằng lực lượng Công an sẽ có thêm nhiều cây bút tương tự, tích cực tham gia vào nền văn học chung của tỉnh nhà, góp phần tuyên truyền và xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân vừa đẹp, vừa chân thực”.

Tuy nhiên, không chỉ bó khuôn trong lĩnh vực trên, Nguyễn Thị Thanh Thúy khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng ở những đề tài khác. Cách đây vài tháng, truyện ngắn “Trăng mắc cạn” đăng trên báo Văn Nghệ cũng đã khẳng định nội lực của tác giả trẻ. Cố gắng sắp xếp chu toàn việc cơ quan, nhà cửa, cơm nước, con cái… từ khoảng 23 giờ trở đi là thời gian của chị với văn chương. Viết miệt mài và lặng lẽ. Với chị, văn chương đánh thức nhiều thứ không thể gọi tên. “Tôi đến với văn chương không phải vì nhuận bút hay để được nhiều người biết đến, bởi tôi biết rõ khả năng của mình tới đâu. Từ viết báo chuyển sang viết văn là một cuộc thử nghiệm. Tôi viết trong hạnh phúc, và đó mới là cái giữ tôi đi đường dài với văn chương”-chị bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.