Lá thư đặc biệt của cố Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Trần Văn Bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được thu cách nay gần nửa thế kỷ, đó là một lá thư đặc biệt của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Bình (tên thường gọi là Đẳng)-nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai. Không chỉ chan chứa tình cảm, lá thư còn thể hiện niềm tin vô cùng mạnh mẽ và tràn trề hy vọng vào một ngày mai tươi sáng của đất nước: Nam-Bắc một nhà.
Bà Trần Thị Hòa và chiếc máy phát băng cũ trước bàn thờ ba má. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Bà Trần Thị Hòa và chiếc máy phát băng cũ trước bàn thờ ba má. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Tôi gõ cửa một căn nhà trên con đường nhỏ Trần Độc ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Người con gái út của Anh hùng Trần Văn Bình (Đẳng) ra đón tôi. Chị tên là Trần Thị Hòa, sinh cuối năm 1954 nhưng được khai lại thành ngày 16-2-1955 để nhớ ngày mấy mẹ con chị cập Cảng Hải Phòng, sau một hải trình tập kết từ quê hương. Ba cưới má (bà Hồ Thị Chức) năm 1945 và sinh được 4 người con: anh Tài (1947), anh Tiến (1948), chị Nga (1952) và chị.
Chị kể, có 2 thứ không bao giờ quên khi sống ở miền Bắc hơn 2 thập kỷ. Đó là sự lạnh giá của mùa đông và nỗi nhớ ba. Ban đầu, chị chỉ biết ba mình đang “đi công tác” theo lời má. Lớn lên, qua thư và ảnh từ Gia Lai gửi ra, qua câu chuyện của những người miền Nam đến thăm nhà, chị mới thêm hiểu và càng thương ba nhiều hơn.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Bình sinh ngày 5-9-1922, tại Nhơn Hậu, An Nhơn, Bình Định, tham gia cách mạng từ ngày 28-4-1945, vào Đảng ngày 9-11-1946, là 1 trong 134 cán bộ của tỉnh Gia Lai ở lại sau Hiệp định Genève 1954. Sau tháng 8-1955, ông là Bí thư Huyện ủy An Khê; từ năm 1959, ông là Tỉnh ủy viên; đến năm 1961 là Thường vụ Tỉnh ủy; năm 1963, ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy. Từ năm 1964 đến 1967 và 1969-1974, ông là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (Khu ủy viên từ năm 1973). 20 năm không gặp lại vợ con (tập kết miền Bắc, năm 1955), ông mất ngày 19-4-1974, tại Krong, Kbang. 
Mặc dù hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, công việc bận rộn nhưng khi có thể, ba chị đều cố gắng viết thư. Nhiều thì 6-7 tháng 1 lá, còn thường thì 1, thậm chí vài năm, má con chị mới nhận được thư (đôi khi kèm theo quà) của ba. Phần lớn thư được chuyển trực tiếp qua những người ra Bắc công tác, chữa bệnh rồi thư cũng lại trở vào Nam theo đường bộ. Thư luôn chậm, vì vậy, không có cách nào tốt hơn là chờ đợi.
Theo má đi tập kết khi mới vài ba tháng tuổi, trong nhà, chị là người chưa từng biết mặt ba, chưa từng được nghe tiếng ba. Đến khoảng năm 1972, má chị nhận được cuộn băng cassette từ tay một đồng đội của ba. Đó là những âm thanh duy nhất và cũng là cuối cùng của ba mà mẹ con chị được nghe, sau gần 20 năm xa cách.  
Theo lời trong cuộn băng thì nó được ghi sau tháng 4-1972, khi ông Đẳng gặp người “anh cả trong gia đình Gia Lai trước đây”-ông Năm Vinh sắp ra Bắc công tác, mang theo máy ghi âm. Với dung lượng gần 25 phút, giọng của người “viết” lá thư âm thanh này khá chậm rãi và truyền cảm.
Sau lời mở đầu và những lời chúc, ông viết: “Mình thương yêu! Đến nay, vợ chồng ta xa cách đã 18 năm tròn. 18 năm tuy so với thời gian của sự nghiệp cách mạng thì không là bao nhưng so với con người thì đó là một thời gian khá dài. Tôi nhớ lại từ ngày chúng ta chia tay ở bến cảng Quy Nhơn. Ngày ấy, chúng ta còn đầu xanh tuổi trẻ. Ngày ấy, các con Hòa, Tiến, Nga còn rất bé bỏng. Thế mà nay, qua thư từ và hình ảnh của chúng nó gởi vào, qua thư của mình kể lại thì vượt quá sức tưởng tượng của anh. Thật là như một giấc chiêm bao!”.
Trước sự khôn lớn của con cái, người chồng, người cha, Bí thư Trần Văn Bình, người đang lãnh đạo phong trào cách mạng Gia Lai tâm niệm: “Càng vui mừng phấn khởi trước sự trưởng thành của con cái chúng ta, tôi càng thấm sâu công ơn của Đảng, của Chính phủ, của Bác, của nhân dân miền Bắc đã tận tình chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục, nuôi nấng con cái chúng ta nên người (…). Tôi nghĩ cuộc đời của chúng ta không có gì bằng, không có gì phấn khởi, vui mừng bằng là con cái chúng ta, gia đình chúng ta cùng trưởng thành và lớn lên theo đà trưởng thành và lớn lên của cả dân tộc anh hùng của chúng ta”.
Từ đó, ông khẳng định: “Nghĩ như vậy, tôi đã tự xác định trách nhiệm của tôi trước Tổ quốc, trước dân tộc (...). Tôi chỉ lo làm sao để hoàn thành được mọi nhiệm vụ Đảng giao và sẵn sàng, kể cả sự hy sinh tính mạng mình để đóng góp một phần rất nhỏ bé vào trong thắng lợi chung của dân tộc. Và làm sao cho miền Nam được giải phóng, làm sao cho Tổ quốc chúng ta được thống nhất, cả đồng bào Nam-Bắc, cả gia đình chúng ta và riêng vợ chồng chúng ta mới có thể trở lại những ngày đầu gối tay ấp, tay bắt mặt mừng, chuyện trò và kể lại những nỗi nhớ thương trong bao năm xa cách. Ngày đó nhất định sẽ đến…”.
Dành cho vợ con những tình cảm chan chứa, ông cũng đồng thời động viên, nhắc nhở và tràn đầy hy vọng về tương lai sắp đến: “Mình thương yêu! Cuộc chiến đấu của chúng ta đã gần đến ngày thắng lợi. Chúng ta hãy đem hết sức mình góp phần vào trong thắng lợi chung đó, để nhanh chóng đem lại những ngày hội họp 2 miền và cũng là ngày gặp lại của gia đình chúng ta. Tình cảm vợ chồng, nghĩa cha con trong mười mấy năm qua không giấy nào viết hết được. Cũng như trong bản ghi âm này, cũng không thể nào tôi nói hết được. Tất cả những nỗi thương niềm nhớ ấy, bao nhiêu tâm tư, tình cảm ấy, chúng ta hẹn lại một ngày gặp nhau huy hoàng nhất, vui mừng nhất của cả dân tộc và của cả gia đình chúng ta”.
Cuối thư là những lời thăm hỏi ân cần của ông dành cho những người “bà con cật ruột”, những người đang công tác cùng vợ mình và: “Hẹn nhau sớm gặp lại ở miền Nam”. Bức thư của ông được kết bởi 2 dòng âm thanh đầy yêu thương:
“Gửi mình và các con nhiều cái hôn.
Tôi Trần Văn Bình, tức là Đẳng”.
Tham gia cách mạng từ năm 1945, vào Đảng năm 1946, hoạt động tại Bắc Tây Nguyên từ năm 1950, từng đảm đương vị trí chủ chốt trong Đảng bộ tỉnh Gia Lai giai đoạn chống Mỹ ác liệt, Bí thư Trần Văn Bình là một người tận tâm với công việc. 20 năm không gặp lại vợ con, hy sinh ngay tại căn cứ Krong, ông là người đã dành toàn bộ cuộc đời của mình cho cách mạng.
Lá thư âm thanh của ông còn đến ngày nay là một kỷ vật vô giá đối với gia đình và những người làm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.