Kỳ vọng vào chu kỳ tăng giá mủ cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau một thời gian dài giảm thấp, hơn 1 năm nay, giá mủ cao su đã tăng trở lại, hiện dao động quanh mức 39-40 triệu đồng/tấn. Điều này giúp ngành cao su tiếp tục phát triển ổn định và kỳ vọng vào chu kỳ tăng giá mới.

Người trồng cao su phấn khởi

Sau một thời gian dài giảm xuống mức dưới 30 triệu đồng/tấn, hơn 1 năm nay, giá đã tăng trở lại. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cao su có lãi, tiền lương của công nhân cũng tăng lên đáng kể. Chị Rah Lan Blich-công nhân Nông trường Hòa Bình (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) cho hay: “Đầu tháng 4, tôi bước vào vụ cạo mới. Trung bình mỗi ngày cạo được 60-70 kg mủ nước. Nhờ điều chỉnh đơn giá lên khoảng 13 ngàn đồng/kg nên tiền lương của tôi tăng lên đáng kể, thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 7 triệu đồng, cao hơn thời điểm trước khoảng 2 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình tôi ổn định hơn”.

Còn chị Trần Thị Hoa thì phấn khởi: “Thời tiết thuận lợi nên chúng tôi bắt đầu mở miệng cạo từ cuối tháng 3. Nhờ đó, chúng tôi được nhận lương tháng 4, ai nấy đều phấn khởi. Hơn 1 năm nay, giá thu mua mủ nước cao nên lương công nhân tăng hơn 12% so với mức bình quân các năm trước, hiện đạt 8-9 triệu đồng/tháng. Riêng 2 tháng cuối năm 2021, công nhân vừa có tiền lương, tiền thưởng vượt sản lượng nên thu nhập đạt 20-25 triệu đồng/tháng”.

 Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên nhiều doanh nghiệp cao su trên địa bàn tỉnh đã mở miệng cạo sớm. Ảnh: Vũ Thảo
Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên nhiều doanh nghiệp cao su trên địa bàn tỉnh đã mở miệng cạo sớm. Ảnh: Vũ Thảo


Giá mủ cao su tăng giúp các hộ dân trồng cao su tiểu điền vô cùng phấn khởi. Gia đình anh Rơ Châm Mung (làng Kép, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) có 1,5 ha cao su trồng từ năm 2010. Thời điểm giá mủ giảm thấp, thu nhập bấp bênh nhưng anh vẫn cố gắng bám trụ với cây cao su. Anh cho hay: “Cây cao su rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây nên phát triển tốt, mức đầu tư lại thấp. Với diện tích 1,5 ha, tôi chia đôi để khai thác 2 ngày/lần. Hiện mủ cao su đang được giá nên mỗi ngày tôi thu về 800-900 ngàn đồng sau khi trừ chi phí đầu tư”.

Tương tự, ông Đức (làng Krăh, xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Păh) cho biết: Gia đình ông có 2 ha cao su đã khai thác được hơn 5 năm và 2 ha đang kiến thiết cơ bản. Với mức giá 11.000 đồng/kg, gia đình thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với nguồn thu từ một số loại cây trồng khác. “Trước đây, giá mủ cao su giảm sâu nên gia đình không có lãi. Hiện nay, giá mủ tăng nên tôi có thêm điều kiện để đầu tư chăm sóc vườn cây. Mong rằng giá mủ tiếp tục tăng để chúng tôi bù lại sau nhiều năm khó khăn”-ông Đức nói.

Kỳ vọng đà tăng giá mới

Nhìn lại chu kỳ hơn 10 năm qua có thể thấy, trước năm 2010, giá mủ cao su giảm rất thấp, sau đó tăng lên mức cao vào năm 2011, đỉnh điểm giá có lúc đạt 100 triệu đồng/tấn. Từ năm 2014 đến 2018, giá mủ dưới 30 triệu đồng/tấn, sau đó nhích dần lên. Từ cuối năm 2021 đến nay, giá mủ cao su đã tăng trở lại. Theo dự đoán của các chuyên gia, mủ cao su có thể đang bước vào thời kỳ tăng giá mới do nguồn cung khan hiếm. Hiện một số nước thu hẹp diện tích, trong khi nhu cầu sử dụng cao su của một số ngành sản xuất tăng mạnh theo đà hồi phục của nền kinh tế.

2 Giá thu mua mủ nước hiện dao động quanh mức từ 12-13 ngàn đồng/kg. Ảnh: Lê Nam
Giá thu mua mủ nước hiện dao động ở mức 12-13 ngàn đồng/kg. Ảnh: Vũ Thảo


Ông Phạm Đình Luyến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh-cho biết: Giá mủ cao su tăng dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty tốt lên. Hiện giá thành sản xuất 1 tấn cao su khoảng 32 triệu đồng nên đơn vị lãi 7-8 triệu đồng/tấn. Nhờ đó, thu nhập của công nhân cũng khá hơn, đạt 7,5-8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu mủ cao su phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và một số nước châu Âu nên đầu ra đang gặp một số khó khăn, lượng hàng tồn còn khá lớn. “Thời gian tới, nếu giá mủ cao su tiếp tục đà tăng và giữ ổn định, thị trường được thông suốt thì tình hình kinh doanh của Công ty sẽ tốt lên, đời sống công nhân, người lao động được cải thiện đáng kể”-ông Luyến kỳ vọng.

Theo ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh: Toàn huyện có 3.861 ha cao su ngoài quốc doanh, 1.289 ha cao su tiểu điền. Những năm trước, giá mủ cao su xuống thấp, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các hộ dân trồng cao su tiểu điền. Khi đó, cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, động viên người dân cố gắng giữ vườn cây, không nên phá bỏ chuyển đổi sang cây trồng khác. “Hiện giá mủ cao su có chiều hướng tăng trở lại giúp người trồng cao su tiểu điền có thêm nguồn thu nhập. Bình quân mỗi ha cao su có mức thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khá đối với người nông dân”-ông Sơn thông tin.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có gần 88.700 ha cao su, trong đó có gần 9.500 ha kiến thiết cơ bản, 79.200 ha kinh doanh. Trong chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), Sở Nông nghiệp và PTNT xác định cần tiếp tục chuyển đổi những diện tích cao su có độ cao trên 600 m so với mực nước biển, không đúng chủng loại giống, sản lượng và chất lượng mủ thấp. Dự kiến đến năm 2025, tổng diện tích cao su trên địa bàn tỉnh còn khoảng 60.000 ha, giảm 27.000 ha so với năm 2020.

 

VŨ THẢO - LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.