Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã yêu cầu UBND quận Tân Bình khẩn trương hoàn tất các thủ tục bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trong tháng 11 để bàn giao cho chủ đầu tư.
Nếu được tháo gỡ các vướng mắc về quy định suất tái định cư tối thiểu và các chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng thì dự kiến ngày 10-11, quận sẽ hoàn thành giải ngân vốn.
Dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ kết nối đồng bộ, khai thác nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến hoàn thành vào ngày 30-4-2025, từ đây mở ra câu chuyện thúc đẩy đô thị sân bay đã được bàn thảo và đưa vào 2 bản quy hoạch chiến lược phát triển đô thị - kinh tế xã hội.
Trên bình diện khu vực tiếp giáp sân bay Tân Sơn Nhất, các quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận có thể tận dụng tính chất “địa lợi” để thu hút đầu tư và phát triển các ngành dịch vụ, thương mại, nhất là logistics. Theo dự báo của Bộ KH-ĐT, khối lượng hàng hóa và hành khách lưu chuyển qua sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đạt 1,5 triệu tấn hàng/năm, 49,2 triệu hành khách/năm vào năm 2030.
Các quận xung quanh “đô thị sân bay” này còn có vị trí kết nối với Tây Ninh (mở rộng sang Campuchia) và cửa ngõ Tây Bắc thành phố; kể cả khu vực Tây Nam bộ, là điều kiện thuận lợi để phát triển logistics cùng chuỗi cung ứng cho khu vực, hoặc quốc gia. Tính đến năm 2030, vận chuyển nội địa đa phương tiện TPHCM - Đồng Nai sẽ đạt mức 199 triệu tấn, TPHCM - Cần Thơ là 140 triệu tấn, TPHCM - Tây Ninh là 50 triệu tấn, TPHCM - Bình Dương đạt 148 triệu tấn.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là đầu mối giao thông quan trọng vận tải hành khách, hàng hóa lớn nhất Việt Nam. Khu vực này không chỉ cung cấp nguồn hành khách mà còn là nguồn cung cấp lao động, dịch vụ, hậu cầu; cung cấp các dịch vụ tiện ích tạm thời cho hành khách và lực lượng người làm việc tại cảng hàng không, các hãng vận chuyển hàng không…, đồng thời nhận lại nhiều tác động tích cực từ hoạt động giao dịch nhộn nhịp, cường độ cao, thường xuyên của sân bay từ lượng hành khách, hàng hóa, dịch vụ; đặc biệt là kích thích đến hoạt động kinh tế xã hội thường ngày của địa phương, phục vụ cho các nhóm đối tượng liên quan.
Chỉ tính riêng khách vãng lai thuê khách sạn gần sân bay thì nhu cầu mua sắm, ẩm thực, nhất là về đêm là có thể tận dụng để khai thác. Hoặc nếu hoàn tất kết nối giao thông đa phương thức hữu hiệu (kể cả metro ngầm) kết nối với bên trong sân bay thì khu đô thị sân bay Tân Sơn Nhất sẽ trở thành một đô thị nhỏ trong đô thị lớn - TPHCM - với dư địa phát triển lớn.
Rõ ràng, mô hình đô thị sân bay sẽ giúp giải quyết vấn đề thời gian đi lại của nhân viên sân bay được nhanh chóng, thuận tiện giữa nơi ở và nơi làm việc, đặc biệt là góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc trên tuyến đường nối kết từ nơi ở đến sân bay. Lưu lượng lao động di chuyển hàng ngày từ khu đô thị trung tâm đến sân bay cũng khá lớn, bao gồm hành khách đi máy bay, hành khách vãng lai và lực lượng công vụ của chính quyền địa phương.
Trong khi thực tế cho thấy khu vực lân cận tập trung chủ yếu khu dân cư, các công trình thương mại dịch vụ nhỏ lẻ, kể cả một số diện tích kho bãi nằm trong khu đất quân đội. Hầu như chưa có công trình hay những khu vực quy hoạch với quy mô và chức năng phù hợp với định hướng quy hoạch sân bay và đô thị phục vụ khu vực xung quanh sân bay.
Do đó cần điều chỉnh quy hoạch các khu vực lân cận theo hướng chuyển đổi bổ sung hạ tầng cùng các công năng phục vụ cho hệ sinh thái của dịch vụ hàng không mặt đất hoặc kết nối giao thông xanh (xe điện taxi, giao thông công cộng) - logistics với sân bay; giữa sân bay với toàn khu vực đô thị sân bay. Có thể tăng hệ số sử dụng đất, vận dụng chủ trương xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực thương mại dịch vụ, văn hóa xã hội tương thích với quy hoạch công năng. Ứng dụng chuyển đổi số để tạo sự thuận lợi nhất cho hành khách cũng như người dân sinh sống, sinh hoạt trong khu vực sân bay và đô thị sân bay.
Theo NGUYỄN QUÂN CÁT (SGGPO)