Ký ức rạ rơm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi đã sống trọn một ngày ở ngôi làng xa lạ ấy. Đó là quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng hết sức vui vẻ với một người đã mệt nhoài, rã rượi với công việc, đã ho khan với khói bụi thành phố.

Một ngày, tôi dạo trên từng con hẻm vắng lặng, hanh hao, níu chân khách bằng những hàng rào tre mọc đầy dây leo, bầy chim sẻ ríu ran trên tán lá.

Một ngày, tôi đạp xe qua những con dốc ngắn dưới bóng tre rợp mát từ bến sông lên làng; hay trải chiếu nằm dưới gốc mít để mặc cho những đốm nắng rớt xuống nhảy nhót trên mặt.

Tôi lang thang trong khu vườn không được quy hoạch bài bản, mà chật chội, pha tạp, ngẫu hứng, như ai đó vô tình cầm một nắm hạt nhiều loại, rồi vung ra khắp khu vườn.

Nhưng thích nhất là để chân trần đi trên các nhánh đường làng trải đầy rơm, vàng óng lên dưới nắng, thoang thoảng mùi thơm nồng nàn, đánh thức ký ức thời ấu thơ tưởng đã ngủ quên đâu đó.

Chẳng lớp lang, thứ tự nào cả, chỉ biết đó là cả một khoảng trời xốn xang, với những ngày mùa tất bật và thoang thoảng hương lúa, mùi rơm rạ.

Nơi này chẳng khác mấy với nơi tôi được sinh ra. Một xóm nhỏ ngó ra cánh đồng bát ngát, thênh thanh nắng gió, chiêm mùa nối nhau.

ky-uc-ra-romdd-1440-3342.jpg
Cây rơm quê nhà. Ảnh: T.H

Những ngày này, dân đang vào mùa gặt. Máy gặt đập liên hoàn được kéo ra tận ruộng nổ xình xịch, khạc tung lên từng mớ rơm tươi.

Tôi thấy bóng dáng cha mẹ mình từ những người nông dân ở đây. Họ yêu quý rơm rạ không kém gì hạt gạo, bởi cũng phải một nắng hai sương, vất vả cực nhọc mới có.

Bởi vậy, vào mùa gặt, khi lúa được đóng bao đưa về nhà thì họ lại tất bật tranh thủ ngày nắng đẹp để phơi rơm. Từ bờ ruộng, đường làng đến ngõ nhà, sân vườn đều trải đầy rơm rạ.

Mấy cậu bé theo cha mẹ ra đồng, chạy nhảy trong những cơn gió, những đám rơm bị thổi tung lên trời, rơi lả tả. Rồi tinh nghịch nhào lộn, ôm rơm ném tung tóe ra đường đi, phủ rơm lên người nhau, cười như nắc nẻ.

Nhìn những cô bé, cậu bé nô đùa trên những con đường, mé mương, bờ ruộng, tôi như thấy lại mình, chị em mình và những người bạn thuở thiếu thời mải mê với rơm rạ.

Vào vụ gặt, chị em tôi được giao nhiệm vụ phơi rơm. Nói nhẹ nhàng không sai, nói vất vả cũng đúng. Quan trọng là không được ngủ trưa, phải thức canh thời gian để trở rơm. Bố chặt cây tre già, làm cho một cây đòn xóc, mấy chị em phân công nhau gẩy tung rơm lên cho nhanh khô.

Chỗ nào bị bóng cây che thì đẩy rơm ra chỗ nắng nhiều, tung ra từng mảng, lật lên trở xuống. Từng cọng rơm được nắng sẽ cong lên, thơm lựng mà vẫn đượm màu tươi nguyên.

Qua một ngày nắng gió, những sợi rơm se khô một chút, vàng sẫm hơn một chút, lại giòn hơn một chút. Còn người phơi rơm thì nhễ nhại mồ hôi, làn da bắt nắng đen thêm một chút.

Khi rơm đã khô, cả nhà sẽ tập trung dựng cây rơm. Đây là cách dự trữ rơm quen thuộc ở nhiều miền quê, vừa là để dành thức ăn cho gia súc trong ngày đông tháng giá, vừa là để có chất đốt trong mùa mưa bão.

Lúc đánh cây rơm, bố tôi dựng một thân tre già ở giữa, đi vòng quanh chờ chị em tôi ôm từng đám rơm quăng lên để bố dàn đều từng lượt. Khi cây rơm vươn cao quá tầm ném, đến lượt bố ở dưới chuyển rơm lên, tôi đảm nhiệm việc rải rơm quanh cây trụ và giẫm cho chặt.

Ở xung quanh cây cột tôi dành sức nhồi kỹ, vì có kỹ, có chặt thì cây rơm mới không bị tụt, bị đổ, cũng không bị nước mưa chảy theo cây cột vào, làm ướt từ trong ướt ra, hỏng hết cả cây rơm.

Làm xong cây rơm, tôi còn cẩn thận lấy rơm bó chặt đầu cây cột, quấn thêm một lớp ni lon, sau đó phủ thơm một tấm nilon che kín trên đỉnh cây rơm để che nước mưa.

Những đêm trăng sáng, trẻ con thường hay chơi trò trốn tìm bên những cây rơm. Mùa lạnh còn tinh nghịch rút rơm phủ kín người. Ấm áp, thơm tho đến nỗi ngủ quên lúc nào không biết, báo hại bố mẹ nháo nhác đi tìm khắp nơi không thấy, đang tính nhờ làng xóm đi tìm giúp thì con vươn vai chui ra từ cây rơm.

ky-uc-ra-rom-2-7952-9001.jpg
Rơm rạ ngày mùa. Ảnh: TH

Ký ức rơm rạ không chỉ có mùi thơm rơm khô hay những vệt khói đốt rạ trên cánh đồng cuối chiều, mà còn có mùi rơm hoang hoải của những ngày mưa bão tháng 5 hay mưa dầm tháng 7.

Vào những ngày tháng 5, dân làng gặt lúa chạy lụt. Thân lúa ngập trong nước, đã mềm, gặt lên bờ lại thừa mưa, thiếu nắng, thế là đành bỏ ngoài ruộng, bố mẹ ăn ngủ không yên. Mỗi ngày trôi qua nếu không có nắng để phơi, rơm sẽ thối rữa, hao hụt.

Nên gặp lúc trời tạnh mưa, cả nhà kéo nhau ra đồng kéo rơm về chất đống ở vườn, bốc mùi mốc meo.

Thứ mùi hăng hắc, nồng nồng, ẩm ướt và mốc meo ấy gắn với những kỳ giáp hạt “ngày ba tháng tám”, tức là trước khi thu hoạch vụ chiêm và trước thu hoạch vụ mùa.

Rồi một ngày, đống rơm ẩm ướt, mốc meo bỗng mọc lên mấy chòm lá mỏng mảnh, xanh xao. Mẹ nói đó là lúa lép còn lại trong rơm mọc mầm, ít hôm nữa sẽ có nấm rơm.

Thế là từ đó, đống rơm mục luôn có “khách viếng thăm”. Ngày vài lần, những đôi mắt đảo qua, sục sạo. Chợt một tiếng reo lên “A, đây rồi”, là mấy cái đầu chụm lại, những bàn tay nhỏ hái từng cái nấm mọc trên mảng rơm mục rã. Những cái nấm còn tròn như trứng chim, chỉ qua một đêm đã giương chiếc dù nhỏ xíu, thấp tè.

Chiều oi nồng, tôi đứng ở góc ruộng, bắp chân nhồn nhột vì những cọng rạ chọc vào, vươn lồng ngực hít lấy hít để mùi thơm đồng ruộng.

Và trong miền thương tưởng rạ rơm, tôi thích thú dõi theo những cậu bé đang mải mê cuộc chơi không bao giờ chấm dứt với rơm rạ.

Với những người lớn lên từ đồng ruộng, mùi rơm rạ không đơn thuần là một thứ mùi, đó còn là mùi của sự no đủ, ấm áp.

Nó mạnh mẽ, dai dẳng đến mức mà ngay cả bản thân tôi, khi đã nạp vào ký ức của mình vô số mùi hương, vẫn xốn xang khi thấy rơm rạ.

Theo THÀNH HƯNG (baokontum.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Phạm Quý

Phố núi tình thân

(GLO)- Pleiku đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Vẻ đẹp hoang sơ và tình cảm của con người nơi đây khiến không ít người tìm đến Pleiku như là một điểm dừng chân thú vị.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Hoài niệm Tết

(GLO)-Tết vừa gợi nên biết bao yêu thương nhưng cũng là nỗi lo của người lớn. Nhưng Tết hiện diện trong suy nghĩ của trẻ con thì khác, nó háo hức, chộn rộn trong tiếng cười, trong tiếng vỗ tay reo vui khi thấy mẹ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và mua bánh kẹo. Và, Tết luôn đầy màu sắc, đầy tiếng cười vui.

Xuân về khoe áo mới

Xuân về khoe áo mới

Tết đến, Xuân về ai cũng muốn mọi điều đều mới mẻ, tốt đẹp. Nên cùng với việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thì việc được quan tâm nhiều, háo hức nhiều là sắm sửa quần áo mới.

Hoa mùa xuân

Hoa mùa xuân

(GLO)- Mùa này, trên khắp nẻo núi đồi, thung xa hay trong mỗi vườn nhà, những chồi non lộc biếc bắt đầu mởn xanh trong gió, rực rỡ đón chào năm mới.

Dốc xưa

Dốc xưa

(GLO)- Nhìn từ trên cao xuống, bạn sẽ thấy đèo dốc như những dải lụa mềm mại. Ấy vậy mà khi đặt chân đến đó, bạn sẽ thấy nó như một thách thức lớn khiến ta phải ngẫm nghĩ thật nhiều. Nhưng, không phải lúc nào chênh vênh cũng làm ta ngã mà lại bồi đắp nên nghị lực và ý chí vượt khó.

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

(GLO)- Dòng Pô Cô huyền thoại uốn lượn qua miền biên giới Ia Grai trước khi chảy qua Campuchia hợp lưu với sông Mê Kông. Mỗi độ cuối đông đầu xuân, ven bờ sông và trên cồn bãi xuất hiện một loài hoa rất đẹp, người Jrai gọi là bra tang hay còn gọi là hoa rù rì.

Công nhân Công ty 74 vận hành máy băm trộn cỏ làm thức ăn cho bò. Ảnh: T.S

Tình ca du mục miền Ia Kla

“Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời/Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng”. Giai điệu ca khúc lãng mạn của những năm tuổi trẻ cứ nhẹ nhàng lẩn quất trong tâm trí khi tôi đến thăm trại bò siêu thịt của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) trên địa bàn xã Ia Kla, huyện Đức Cơ.

Cầu Bến Mộng. Ảnh: Phạm Quý

Bên kia bờ sông Ba

(GLO)- Nhà tôi ở bên hữu ngạn sông Ba, nơi phố thị tấp nập, náo nhiệt. Ở nơi đông vui, thuận tiện cho sinh hoạt, nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy ngột ngạt, tù túng bởi sự chật chội, ồn ào.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa về trên lưng áo mẹ

(GLO)- Từ khi còn nhỏ, tôi đã có thói quen dậy sớm. Mỗi khi tiếng mấy con gà ở chái bếp cất lên, tiếng đòn gánh dựng ở góc nhà sơ ý va vào liếp cửa, tôi lại nghe tiếng ho cố nén của mẹ. Lại thấy thương mẹ nhiều hơn.

Ảnh minh họa: Phạm Quý

Mùa lá rụng

(GLO)- Phố nhỏ của tôi đã vào mùa cây trút lá. Lang thang dọc con đường quen, tôi nhận ra bên hè phố, từng đám lá khô buông dày. Muôn vàn chiếc lá nương theo gió sà xuống những ô gạch cũ, la đà trên mái ngói hiên bàng bạc gam màu trầm. Tôi ngồi trong một góc phố, miên man nghĩ về triền xanh hoa cỏ.

Minh họa: H.T

Ký ức chợ quê

(GLO)- Khi tiếng gà gáy vang lên trên mái nhà, mẹ tôi vội trở dậy chuẩn bị ra chợ. Không chỉ riêng mẹ tôi, việc đi chợ lúc sáng sớm đã trở thành nếp quen của nhiều người dân quê.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Biến đám cháy thành pháo hoa”

(GLO)- Đó là cách nói rất hình ảnh về khả năng chấp nhận thực tại không như ý và biến nó thành một phiên bản khác của sự tỏa sáng. Không chỉ là nghị lực vượt khó, đây còn là câu chuyện đẫm chất nhân sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Linh hoạt với cuộc sống

(GLO)- Cuộc đời của mỗi người đều sẽ không ít lần gặp khó khăn, thất bại, vấp ngã, thậm chí muốn từ bỏ, buông xuôi. Nhưng rồi, nếu bạn đủ can đảm thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng chấp nhận và có thể vượt qua. Để làm được điều đó, chúng ta cần hiểu bản thân mình và có sự linh hoạt với cuộc sống.