Ký ức nhà đá rửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngôi nhà có mặt tiền đá rửa, nền lát gạch bông, cửa gỗ sơn xanh thỉnh thoảng xuất hiện thoáng qua đâu đó, “lạc điệu” giữa không gian kiến trúc đô thị nhưng lại khiến nhiều người không khỏi bồi hồi. Đây là một trong những dấu ấn kiến trúc khá thịnh vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước.

Khung trời cũ

Ngôi nhà có mặt tiền đá rửa ở số 79 Lê Thánh Tôn (TP. Pleiku) khá cũ kỹ. Phía trước nhà phủ xanh bởi giàn trầu không leo kín tường, ngăn cách ngôi nhà với đường lớn. Trong sân có một cây cau già thẳng tắp. Vừa Tết xong, vẫn còn hai chậu cúc vạn thọ đơm bông vàng rực. Một cụ già thảnh thơi ngồi nơi chiếc ghế gỗ có màu nâu trầm như trong mấy căn nhà cổ. Những cánh cửa cũng có màu thời gian hệt như chiếc ghế tựa. Khung cảnh mang đến cảm giác êm đềm như được trở về với vòng tay mẹ.

 

Căn nhà có mặt tiền đá rửa tại số 79 Lê Thánh Tôn. Ảnh: H.N
Căn nhà có mặt tiền đá rửa tại số 79 Lê Thánh Tôn. Ảnh: H.N

Chủ nhân của ngôi nhà đá rửa này cho biết, nhà được làm từ đầu những năm 1980, toàn bộ nguyên vật liệu đều mua bằng tem phiếu. Để thi công mặt tiền đá rửa vốn rất thịnh hành thời đó, gia đình ông phải trả công thợ cao hơn bình thường. Ông cho hay: “Ở thị xã Pleiku những năm sau giải phóng có khá nhiều gia đình làm nhà kiểu mặt tiền đá rửa. Căn nhà này làm đã lâu theo cái mốt thời thượng đó. Do làm đã lâu nên hiện nhà đã xuống cấp rất nhiều. Tuy vậy, ngôi nhà có nhiều kỷ niệm của gia đình nên chúng tôi vẫn giữ lại”. Ngắm nhìn ngôi nhà một cách trìu mến, nơi có hình ảnh người mẹ già móm mém ngồi cạnh chậu cúc vạn thọ bên hiên nhà đầy nắng, người đàn ông đã hai màu tóc trên đầu bồi hồi: “Đi đâu tôi cũng vẫn thấy căn nhà cũ này là đẹp nhất. Chắc vì còn có mẹ tôi ở đó”.  

Theo kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hà, những thập niên trước chỉ có 3 phương pháp thi công bề mặt chủ yếu là đá mài, đá rửa và quét vôi. Nhà đá rửa, đá mài thi công khá tốn kém, giá thành đắt hơn nhiều so với quét vôi nên chỉ những gia đình khá giả một chút mới làm theo phong cách này. “Đây là phương pháp ảnh hưởng theo phong cách miền Nam, cụ thể là ở Sài Gòn và rất phổ biến ở khu vực này những năm 70-80 của thế kỷ trước; phong cách hoàn toàn thuần Việt. Hiện nay vẫn còn khá nhiều công trình đá mài, đá rửa hiện diện ở TP. Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị thẩm mỹ lẫn kiến trúc như Trường Đại học Kiến trúc, Thư viện Quốc gia Sài Gòn (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp)…”-ông Hà cho biết.

Những ngôi nhà đá rửa hiện còn lại ở Phố núi không nhiều, thảng hoặc mới bắt gặp đâu đó trên đường Hùng Vương, Cao Bá Quát, Yên Đổ, hay trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn Thái Học, hoặc vài căn nhà ở khu Thống Nhất… Chúng lạc điệu giữa những công trình kiến trúc ngày càng hiện đại của thành phố nhưng vẫn được chủ nhân chăm sóc khá cẩn thận. Nhà nào không gian rộng một chút thường trồng thêm vài loại cây xanh. Tất cả tạo nên hình ảnh giản dị một cách dễ chịu cho những ngôi nhà có tuổi đời chưa già nhưng cũng không phải trẻ. Hình ảnh những căn nhà đá rửa luôn gợi kỷ niệm êm đềm về nơi chốn đi, về của mỗi người. Mới hay, “một khung trời cũ dù nhỏ nhoi cũng đủ để giam nhốt sự thương yêu đến hơi thở cuối cùng” như lời một nhạc sĩ từng viết.

Một thời vang bóng

 

Tòa nhà “Hàng không Việt Nam”-một trong những công trình đá rửa hiếm hoi của thành phố bỏ không nhiều năm nay. Ảnh: H.N
Tòa nhà “Hàng không Việt Nam”-một trong những công trình đá rửa hiếm hoi của thành phố bỏ không nhiều năm nay. Ảnh: H.N

Nhà đá rửa là phương pháp thi công khá thịnh hành trong một thời kỳ, nên không chỉ có nhà ở mà một số công trình lớn của thị xã Pleiku cũng làm theo phương pháp này. Có thể kể đến một số công trình như: trụ sở Ban Dân tộc, Hội Văn học-Nghệ thuật Gia Lai… Một trong những công trình đá rửa hiện nay vẫn đang sử dụng đó là nhà hiệu bộ của trường Mầm non Hoa Hồng nằm trên đường Nguyễn Thái Học. Tòa nhà gồm nhiều phòng với mặt tiền và cột bằng đá rửa với 2 gam màu trắng ngà pha gam đen. Đây là công trình do Tổ chức UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) xây tặng Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh năm 1973. Cô Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng cho biết: “Một năm sau giải phóng đất nước thì Trường Mầm non được thành lập (năm 1976). Khi đó, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em bàn giao khu nhà này lại cho trường để có cơ sở vật chất thực hiện công tác giảng dạy, chăm sóc trẻ. Nhiều phòng được sử dụng cho các nhóm trẻ từ 4 tháng tuổi. Sau này UBND thành phố đầu tư xây các phòng học theo tiêu chuẩn của bậc học Mầm non thay thế, khu nhà được dùng làm nhà hiệu bộ của trường”.

Một công trình công mang dấu ấn kiến trúc nhà đá rửa hiện nay vẫn còn nhưng bỏ hoang đã lâu chính là tòa nhà “Hàng không Việt Nam” nằm trên đường Hùng Vương. Đây có lẽ là công trình đặt nhiều dấu hỏi nhất cho người dân khi hàng chục năm nay bỏ không ngay ở vị trí đắc địa trên con đường sầm uất bậc nhất của thành phố.

Những ngôi nhà đá rửa được giới kiến trúc gọi là công trình của “một thời vang bóng”. Sở dĩ chúng không còn thịnh hành vì nhiều lý do. Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hà lý giải: “Hiện nay có nhiều vật liệu mới để thay thế, sang hơn, đẹp hơn, bền hơn. Mà con người thì luôn luôn có xu hướng tiếp cận cái mới, cái đẹp. Bây giờ không ai yêu cầu làm nhà đá rửa, đá mài theo phong cách cũ, nếu có khéo lại bị cho là… hâm”.

Do vậy, những ngôi nhà từng là niềm kiêu hãnh của chủ nhân một thời giờ bỗng trở thành “đồ cổ” trong kiến trúc đô thị. Giữa những công trình ảnh hưởng nhiều phong cách kiến trúc trên thế giới hiện diện ngày càng dày đặc thì những ngôi nhà thuần Việt như nhà đá rửa lại dần lui vào quá vãng. Tuy nhiên, kiểu dáng xưa cũ, có phần “nhà quê” của những công trình này lại mang chút man mác cho hồn phố.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.