Kỹ sư Đỗ Thanh Phong: Sáng kiến mang lại lợi ích cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 24 năm công tác tại Phân xưởng vận hành Nhà máy Thủy điện Ialy (Công ty Thủy điện Ialy), kỹ sư Đỗ Thanh Phong có nhiều sáng kiến mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Mới đây, anh được Công ty và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tuyên dương, khen thưởng.

Không chỉ là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, anh Đỗ Thanh Phong còn được biết đến là nhân tố tích cực của phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật do Công ty Thủy điện Ialy phát động. Trong số đó, anh có 2 sáng kiến nổi bật gồm: “Thiết kế mạch sa thải đặc biệt các tổ máy Nhà máy Thủy điện Ialy” và “Điều khiển xa từ DCS hệ thống thông gió Nhà máy Thủy điện Ialy” được áp dụng từ năm 2022 đến nay và được EVN công nhận.

Chia sẻ về ý tưởng của mình, kỹ sư Phong cho biết: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cùng cán bộ, công nhân viên vận hành 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Ialy, anh nhận thấy dù 4 tổ máy đã được trang bị chức năng bảo vệ tần số cao tại 2 hệ thống rơle, song lại chưa đáp ứng chức năng sa thải đặc biệt trên hệ thống điện miền Trung, miền Nam theo yêu cầu của EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0).

Vì vậy, để nâng cao độ an toàn, tin cậy trong vận hành hệ thống điện quốc gia và phù hợp với cấu hình nguồn điện, lưới điện, anh đã nghiên cứu thiết kế mạch sa thải đặc biệt các tổ máy.

Sau khi đề xuất với lãnh đạo Phân xưởng cũng như Ban Giám đốc Công ty và được chấp thuận, anh bắt tay vào thiết kế, thi công bổ sung mạch sa thải phụ tải, sa thải đặc biệt (ký hiệu 81O-1) cho 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Ialy, đáp ứng yêu cầu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia và EVN.

“Việc bổ sung mạch sa thải phụ tải, sa thải đặc biệt với logic chỉ cắt 1 tổ máy có công suất phát lớn nhất của Nhà máy nhằm đảm bảo giá trị công suất cần sa thải của hệ thống điện miền Trung và miền Nam trong giá trị tính toán (947,5 MW).

Cùng với đó, duy trì ở giá trị đặt bảo vệ tần số cao 51,5 Hz nhằm khắc phục tình trạng khi tần số hệ thống điện tăng cao có thể làm ngừng các tổ máy nhiệt điện, gây sự cố lan rộng và dẫn đến mất liên kết giữa hệ thống điện miền Bắc, miền Trung và miền Nam”-anh Phong cho hay.

anh-do-thanh-phong-ben-he-thong-dieu-khien-xa-tu-dcs-he-thong-thong-gia-cuc-nha-may-thuy-dien-ia-ly-anh-dy.jpg
Anh Đỗ Thanh Phong là tác giả sáng kiến “Điều khiển xa từ DCS hệ thống thông gió Nhà máy Thủy điện Ialy” được áp dụng từ năm 2022 đến nay và được EVN công nhận. Ảnh: Đ.Y

Với những cố gắng của bản thân, nhiều năm liền, anh Đỗ Thanh Phong đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Anh còn được EVN, UBND tỉnh, Công ty Thủy điện Ialy tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua giai đoạn 2022-2023 và tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ 10, năm 2020-2021.

Ông Nguyễn Minh Tuấn-Quản đốc Phân xưởng vận hành Nhà máy Thủy điện Ialy-nhận xét: Qua thời gian áp dụng, sáng kiến “Thiết kế mạch sa thải đặc biệt các tổ máy Nhà máy Thủy điện Ialy” của anh Phong đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, hệ thống vận hành ổn định, đáp ứng đúng mục đích hiện nay của Nhà máy.

Riêng với sáng kiến về điều khiển xa từ DCS hệ thống thông gió, theo anh Phong, Nhà máy Thủy điện Ialy là nhà máy ngầm nên phải trang bị hệ thống thông gió cục bộ tại các buồng phòng vận hành. Nhà máy có tổng cộng 25 nhóm quạt (45 quạt gió) thông gió cục bộ phân tán rải rác tại: khu vực gian máy, gian biến áp, nhà sản xuất, trạm khử khí cáp dầu 500 kV.

Tuy nhiên, các nhóm quạt chỉ được điều khiển tại chỗ ở tủ điều khiển nên mất rất nhiều thời gian trong công tác kiểm tra thiết bị, thao tác vận hành, chuyển đổi phương thức. Đây cũng là lý do thôi thúc anh thực hiện giải pháp.

Theo đó, anh đã tận dụng tài nguyên trạm máy tính điều khiển thiết bị phụ để tích hợp mạch điều khiển của 25 nhóm quạt, từ đó có thể giám sát, điều khiển, theo dõi hiệu suất làm việc của các quạt trên hệ thống DCS.

Sáng kiến này đã giúp giảm tần suất và thời gian kiểm tra tình trạng các trạm thông gió cục bộ. Cụ thể, thay vì công nhân phải tiến hành kiểm tra 8 giờ/lần thì giờ đây đã kéo dài lên 24 giờ/lần; thời gian kiểm tra tình trạng của 25 nhóm quạt thông gió cục bộ từ 11,7 giờ xuống còn 1,7 giờ (giảm gần 3.650 giờ/năm).

Đặc biệt, sáng kiến này còn từng bước nâng cao mức độ tự động hóa toàn Nhà máy, giảm thiểu nhân lực vận hành, góp phần nâng cao hiệu suất lao động. Đây cũng là tiền đề để xây dựng Trung tâm Điều khiển vận hành (OCC) cụm các nhà máy điện do Công ty Thủy điện Ialy quản lý trong tương lai.

Chia sẻ về những sáng kiến của mình, anh Phong bày tỏ: “Trong công việc, tôi luôn quan sát một cách chi tiết, phát hiện những bất cập trong sản xuất, trong từng bộ phận máy móc để từ đó tìm ý tưởng, sáng kiến giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu, giảm tiêu hao máy móc thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Trao đổi với P.V, ông Trần Thái Bình-Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy-nhận xét: Anh Đỗ Thanh Phong là một kỹ sư điện có nhiều kinh nghiệm từ vận hành đến quản lý kỹ thuật thiết bị của Nhà máy Thủy điện Ialy. Đặc biệt, anh Phong có nhiều sáng kiến cấp Công ty và Tập đoàn.

Bên cạnh đó, anh cũng rất nhiệt tình hỗ trợ đồng nghiệp trong việc thực hiện và đăng ký sáng kiến các cấp, thể hiện được phong cách Ialy là “Làm việc hết mình, sống chân thành, cởi mở, thân thiện”.

Có thể bạn quan tâm