(GLO)- Ngày 30-6, kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) bước vào ngày làm việc cuối cùng. Lễ bế mạc diễn ra vào chiều cùng ngày.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy |
Sau 1 buổi thảo luận tại tổ, đã có 37 lượt ý kiến tham gia với hơn 110 vấn đề được đại biểu quan tâm. Các ý kiến xoay quanh một số nội dung: Vấn đề tổng sản phẩm trong tỉnh theo giá so sánh 2010 đạt 43,33%, tương ứng với ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 15.716,3 tỷ đồng. Vậy, để đạt được chỉ tiêu cả năm là 36.270,3 tỷ đồng thì giải pháp nào để thực hiện được 20.554 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm? Giải pháp cụ thể nào để đạt tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh trong 6 tháng cuối năm đạt 7,5% kế hoạch Nghị quyết đề ra. Cần quan tâm hơn nữa công tác quản lý giống cây trồng và quy hoạch các vùng sản xuất ổn định. Gia Lai là tỉnh có tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản thấp nhất toàn quốc, đề nghị có giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này. Biện pháp khắc phục tình trạng đuối nước, vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…
Trong phần thảo luận tại hội trường, nhiều nội dung quan trọng mà các đại biểu quan tâm, ý kiến kiến nghị đã được đại diện một số sở, ngành làm rõ tại kỳ họp. Giải trình thêm về bài toán nan giải chậm quyết toán các công trình xây dựng cơ bản, đại biểu Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phải xem xét tiêu chí thi đua đối với các chủ đầu tư chậm giải ngân; thông báo công khai các nhà thầu, đơn vị tư vấn yếu kém; phải có mặt bằng sạch thì mới được bố trí vốn; các chủ đầu tư phải báo cáo ngay với giám đốc các sở ngành đối với những hành vi nhũng nhiễu…
Đề cập đến vấn đề công tác quản lý đô thị còn nhiều bất cập, tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku, cho biết: “Thành phố Pleiku đang trong tiến trình đi lên trở thành đô thị loại I. Hiện nay, TP. Pleiku đã đạt được 53 trong tổng số 59 tiêu chuẩn cơ bản về phân loại đô thị. Về quản lý đô thị, hiện đã xây dựng xong đề án cải tạo hệ thống cây xanh, mỗi năm dành kinh phí 4-5 tỷ đồng để trồng mới, thay thế nhiều loại cây không phù hợp. Đồng thời, TP. Pleiku cũng đang có kế hoạch xây dựng chợ đầu mối thay thế khu vực chợ đêm; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm “sạch” tình trạng lộn xộn nơi vỉa hè và giao cho địa phương quản lý…”.
Đại biểu Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo giải trình về việc học sinh bỏ học nhiều: “Đối với tỷ lệ học sinh bỏ học tăng cao, ngành Giáo dục-Đào tạo cũng đã có hội nghị chuyên đề bàn về biện pháp duy trì sĩ số học sinh, đánh giá tình trạng học sinh bỏ học, chỉ ra nguyên nhân và các giải pháp khắc phục. Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương vào cuộc khắc phục tình trạng này. Trong tổng số 821 trường (từ mầm non đến THPT) thì Sở chỉ quản lý 45 trường THPT, còn lại 776 trường còn lại do các địa phương quản lý. Vì vậy các địa phương có tình trạng học sinh bỏ học cần theo dõi sát sao và có giải pháp khắc phục”.
Cũng trong phần thảo luận, Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ nêu câu hỏi: Hàng năm giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, con số này lấy ở đâu ra, phải chăng số liệu này từ thôn, xã báo lên, liệu có chính xác không? Đồng thời, đại biểu Thọ cũng kiến nghị UBND tỉnh sớm thu hồi một số diện tích đất “vàng”, vị trí sinh lời cao ngay trung tâm thị trấn huyện Đak Đoa. Đây là đất dự án được giao cho 2 doanh nghiệp nhưng hoạt động không hiệu quả, bỏ hoang từ nhiều năm nay…
Trả lời về vấn đề nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, đại biểu Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Năm 2016 được tỉnh chọn là năm thực hiện cải cách hành chính. Đặc biệt là ban hành các kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về “những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. Đại biểu Võ Ngọc Thành dẫn chứng, hiện nay rất nhiều sở, ngành triển khai rất tốt cơ chế một cửa, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thực hiện cải cách các thủ tục hành chính. Đơn cử việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư trước đây là 10 ngày, nay được giải quyết trong 3 ngày; hay việc cấp giấy phép lái xe của Sở Giao thông-Vận tải được thực hiện chỉ trong 2 giờ…
Công tác quản lý bảo vệ rừng cũng được đại biểu Võ Ngọc Thành đặc biệt lưu ý và đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển rừng nghèo sang trồng các loại cây trồng khác. Đồng thời, các địa phương cần tổ chức kiểm tra doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên, rà soát lại đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ rừng, loại bỏ những phần tử tiếp tay cho lâm tặc.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ này phải quyết tâm thực hiện 2 khâu đột phá. Đó là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo chủ đề của Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra là phát triển kinh tế-xã hội một cách nhanh và bền vững từ nay đến năm 2020. Nhanh chóng, khẩn trương ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành nông nghiệp, nhân rộng các mô hình hiệu quả đến từ hộ gia đình, hợp tác xã. Nhìn lại bức tranh kinh tế tỉnh Gia Lai, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng các lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, công nghiệp-xây dựng; thương mại-dịch vụ và du lịch vẫn còn nhiều hạn chế. Để đạt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,5%, Bí thư Tỉnh ủy giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê sớm giải bài toán này và có “đáp số” ở từng nơi, từng địa chỉ, từng lĩnh vực.
Kỳ họp cũng đã thảo luận, thông qua 9 Nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2016 cần tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức hợp lý; triển khai các giải pháp hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh việc tăng cường sản xuất để bù đắp thiệt hại do hạn hán gây ra, các nhà máy thủy điện trên địa bàn phải tiếp tục thực hiện nghiêm việc điều tiết nước hợp lý; ưu tiên điều tiết nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân…
Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp thứ nhất-kỳ họp mở đầu có ý nghĩa quan trọng cho cả nhiệm kỳ của HĐND tỉnh khóa XI đã thành công tốt đẹp.
Minh Dung