(GLO)- Trước tình hình hạn hán kéo dài, các địa phương khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, để phòng-chống hạn hán hiệu quả đòi hỏi phải có những biện pháp đồng bộ và có tính dài hạn.
Hạn chế tối đa thiệt hại
Từ đầu vụ mùa 2019, ở khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai, nắng nóng xảy ra kéo dài gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cho cây trồng. Hàng ngàn héc ta mía, lúa và hoa màu đối mặt với tình trạng hạn hán, thậm chí có diện tích mất trắng.
Ông Nguyễn Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: Đến nay, toàn huyện có hơn 4.100 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng do nắng hạn, trong đó có 200 ha lúa (145 ha bị giảm năng suất trên 70%), hơn 3.900 ha bắp và rau màu các loại, ước thiệt hại trên 57 tỷ đồng. “Để duy trì sự sinh trưởng của cây trồng trong vùng hạn, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực tại chỗ, mọi giải pháp có hiệu quả để tổ chức chống hạn như vận động nhân dân, huy động lực lượng dân quân, đoàn viên, thanh niên nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đào giếng ở những nơi có điều kiện để tăng nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt… Song song với đó, huyện hướng dẫn cho các xã thống kê, tổng hợp chính xác tình hình thiệt hại do hạn hán gây ra để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại, mất mùa”-ông Hơn nói.
|
Hồ chứa nước của làng Pơ Nang (xã Tú An, thị xã An Khê) có diện tích hơn 5 ha đã khô cạn do nắng hạn. Ảnh: N.S |
Tại huyện Kbang, công tác chống hạn cũng được địa phương hết sức quan tâm. Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Chiều 28-8, trời đổ cơn mưa khá nặng hạt, kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phần nào giải hạn cho hàng ngàn héc ta cây trồng sau nhiều tháng nắng hạn kéo dài. “Hiện nay, Phòng cũng đã chỉ đạo UBND các xã kiểm tra, rà soát chính xác số liệu thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi theo quy định về Phòng để thẩm định, tham mưu cho UBND huyện xem xét phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân”-ông Tình cho biết thêm.
Cần giải pháp đồng bộ
Trước tình hình hạn hán kéo dài, các địa phương đã tiến hành cơ cấu lại thời vụ, cơ cấu lại giống cho phù hợp với thực tế. Đối với các diện tích cây trồng vụ mùa 2019 chưa xuống giống, cần xem xét lùi thời vụ, hạn chế tối đa thiệt hại, mất mùa. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hồ đập ở khu vực phía Đông tỉnh cũng cần được chú trọng vì các năm gần đây khu vực này thường xuyên bị hạn từ cuối vụ Đông Xuân và kéo dài đến vụ mùa như năm nay.
|
Hàng ngàn ha mía bị kiệt sức, lá ngả sang màu vàng vì nắng hạn. Ảnh: Ngọc Sang |
Ông Nguyễn Văn Lương-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT): Do thiếu hụt lượng mưa trong năm 2018 đã gây ra tình trạng hạn hán trong vụ Đông Xuân 2018-2019 và vụ mùa 2019 trên địa bàn tỉnh. Thiệt hại do hạn hán gây ra ước hơn 87,3 tỷ đồng. Để hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại khôi phục sản xuất, ngày 18-8, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Tờ trình số 124/TTr-SNNPTNT đề nghị UBND tỉnh báo cáo với Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống thiên tai và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ kinh phí cho các địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm 2019 đến nay. Theo đó, hỗ trợ về nông nghiệp 4,3 tỷ đồng, thủy lợi 19 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê diện tích bị thiệt hại để đề xuất hỗ trợ. Trước mắt, các địa phương xuất ngân sách dự phòng để hỗ trợ người dân, nếu vượt quá khả năng thì đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ. |
Mới đây, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh đã khởi công xây dựng công trình hồ Tầu Dầu 2 tại huyện Đak Pơ. Sau khi hoàn thành, công trình này sẽ cấp nước tưới cho 550 ha cây trồng (100 ha lúa nước, còn lại là cây trồng cạn), đồng thời phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 20 ngàn dân ở các xã Cư An, Tân An và Yang Bắc. Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết: Việc Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi trên địa bàn đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp của huyện. Đối với vùng đất thường xuyên bị ảnh hưởng của nắng hạn thì những công trình như thế này sẽ giúp người dân yên tâm sản xuất hơn.
Thị xã An Khê hiện có 170 công trình thủy lợi, tổng năng lực tưới gần 419 ha lúa nước và một số cây trồng khác. Trong đó, công trình có năng lực tưới lớn nhất cũng chỉ khoảng 15 ha. Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho biết: Hệ thống công trình thủy lợi ở An Khê nhiều song chưa đáp ứng được nhu cầu nước tưới cho cây trồng. Hàng năm, thị xã đã xuất ngân sách duy tu bảo dưỡng, gia cố các công trình thủy lợi để tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế, nhiều công trình xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, lạc hậu về công nghệ, hiệu quả phục vụ giảm. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác chống hạn thời gian qua. “Thị xã sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát lại hệ thống ao, hồ, đập để có phương án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp trong giai đoạn 2021-2025. Việc đầu tư cho các công trình thủy lợi sẽ giúp địa phương phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phòng-chống hạn tốt hơn trước diễn biến khó lường của thời tiết”-ông Nguyên cho biết.
Tình hình thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan làm cho sản xuất nông nghiệp thêm phần khó khăn. Để hệ thống công trình thủy lợi phát huy tốt hiệu quả trong tình hình hiện nay, các địa phương cần tập trung đầu tư xây dựng công trình có tính chất cấp bách, chiến lược. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng ở những vùng khó khăn về nguồn nước; quy hoạch vùng sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, chủ yếu là rau màu, hoa và cây ăn quả.
Ngọc Sang - Lê Nam