Kỳ cuối: Để Đak Pơ xứng với chiến công hiển hách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sẽ không quá lời khi nói, trận đánh Đak Pơ là một bản anh hùng ca, làm nên chiến thắng vang dội khi đã tiêu diệt GM 100-binh đoàn sừng sỏ của Pháp, đã từng chiến đấu ở Triều Tiên trong đội hình của một sư đoàn Mỹ với sự trang bị và cơ giới hóa vào loại bậc nhất. Tự hào với chiến thắng đã giành được, chúng ta lại càng thương tiếc các anh hùng liệt sĩ-những người đã ngã xuống để có ngày độc lập hôm nay. Tuy nhiên, đã gần 60 năm trôi qua, người thân và đồng đội của 147 liệt sĩ nói riêng, những người trong cuộc và cả các thế hệ tiếp nối nói chung vẫn chưa tìm được nơi các anh nằm lại, vẫn chưa thể dựng xây nên một tượng đài ghi công…

Những dòng tâm nguyện

Cùng chúng tôi thăm lại chiến trường xưa, hai ông Đỗ Văn An và Đặng Công Quảng, sau những lời kể hào sảng về chiến tích Đak Pơ, chốc chốc cả hai lại lén tay giấu đi những giọt nước mắt nhớ thương đồng đội. Có mặt bên Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ khi trời vừa hửng sáng, những người lính nay đã ở tuổi bát tuần bước những bước chầm chậm, vừa đi vừa rủ rỉ nhắc tên đồng đội mình. Thoáng thấy chiếc vòng hoa kính dâng các hương hồn liệt sĩ của những người đến trước bị ngã đổ, không ai bảo ai, cả hai ông đều nhanh tay nâng dậy, sửa sang và để ở một vị trí trang trọng bên Bia tưởng niệm.

Giọng ông Quảng chợt nghẹn lại: “Vài năm trước, mỗi lần đến thăm đồng đội nằm lại ở nơi này, chúng tôi cũng tập hợp được phần đông đồng đội cũ. Năm ngoái, hẹn hò mãi cũng chỉ có được 1 chuyến xe đi với 4 người, nhìn nhau lại thấy thương hơn 147 đồng đội đã ngã xuống mà đến nay vẫn chưa tìm thấy hương hài…”.
 

Trước Đài tưởng niệm Đak Pơ. Ảnh: T.H
Trước Đài tưởng niệm Đak Pơ. Ảnh: T.H

Lắng nghe tiếng lòng ông Quảng, chúng tôi chợt nhớ đến lá thư tâm nguyện mà những cựu chiến binh của Trung đoàn 96 đã viết từ hồi tháng 8-2012 để gửi các cơ quan, ban ngành chức năng, bày tỏ nguyện vọng thiết tha quanh việc dò tìm 147 hài cốt liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận Đak Pơ lịch sử và mong muốn được tận thấy một tượng đài chiến thắng Đak Pơ thật đúng tầm.

Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Trương Quang Quyền (hiện ở nhà 10 B, ngõ 186 dốc Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội)-nguyên Chính trị viên phó Đại đội 4, Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 96 bày tỏ: “Sau trận đánh, anh em trong đơn vị chúng tôi thừa thắng phát triển chiến đấu, bao vây và chuẩn bị giải phóng Cheo Reo nên công tác hậu chiến thương binh liệt sĩ không được tổ chức đầy đủ, trong đó có 147 liệt sĩ đã được chôn cất tại khu vực chiến đấu. Sau ngày thống nhất nước nhà, cựu chiến binh trung đoàn cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương đi kiểm tra lại thực địa, tổ chức tìm kiếm khu mộ liệt sĩ; đến nay đã xác định được địa giới khu mộ nhưng vẫn chưa tìm được ngôi mộ cụ thể nào. Bây giờ, chúng tôi đều đã ở tuổi cao sức yếu, tất cả đành trông mong ở thế hệ tiếp nối, mong sao tìm được các anh em đồng đội, đưa họ về một mái nhà chung đàng hoàng, ấm cúng, quây quần bên tượng đài Tổ quốc ghi công…”.

Nỗi niềm của ông Quảng, ông An, ông Quyền cũng là tâm nguyện chung của đồng đội và thân nhân những liệt sĩ còn đang nằm đâu đó trên mảnh đất Đak Pơ.

Tượng đài liệt sĩ sáng trong tim

Khi viết chùm bài này, chúng tôi đã đọc đi đọc lại những dòng viết của cố Thượng tướng Nguyễn Minh Châu-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96, người trực tiếp chỉ huy trận Đak Pơ, rằng: Do chúng ta phải gấp rút khẩn trương xây dựng quân đội và làm nhiệm vụ quan trọng khác nên chưa có thời gian để kiểm điểm tổng kết đầy đủ về chiến thắng này. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho một số vấn đề còn tồn tại, như việc khen thưởng cho cán bộ, chiến sĩ tham gia trong trận đánh có một tầm vóc lớn và ông mong muốn cần phải xây dựng tượng đài chiến thắng xứng tầm trên đường 19.
 

Bí thư Huyện ủy Đak Pơ Trần Hữu Đức: “Lãnh đạo huyện rất trăn trở lâu nay, đề án đã có, chủ trương có, nhưng huyện thì còn nghèo, mà kinh phí từ trên rót về chưa có, nên lần lữa mãi. Vẫn biết chừng nào chưa tìm và quy tập được hài cốt của 147 liệt sĩ về nơi an nghỉ, chừng nào chưa xây được một Tượng đài chiến thắng Đak Pơ và nơi thờ phụng các bác, các anh cho xứng tầm thì chúng ta còn có lỗi với các bác, các anh, có lỗi với lịch sử, có lỗi với thế hệ mai sau”.

Thật ra, hiện nay ở Đak Pơ đã có một công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ, được xây từ năm 1998. Chúng tôi cũng đã đến nơi đây nhiều lần nhưng trong lòng vẫn luôn canh cánh, bởi: thật ra đây chỉ là một nhà bia sơ sài, không có một dòng tên liệt sĩ, tựa như bia tưởng niệm liệt sĩ vô danh-trong khi đã xác định được 93 trong tổng số 147 chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến này! Còn khuôn viên thì trống và lạnh lẽo tứ bề không có người trông nom. Nói về chuyện này, ông Bùi Bá Sơn-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cũng đầy trăn trở: “Chưa xứng tầm với ý nghĩa, tầm vóc lịch sử và công trình đã xuống cấp”.

Thật ra nói về xây dựng Tượng đài chiến thắng Đak Pơ và xây dựng tôn tạo lại nơi thờ phụng 147 liệt sĩ hy sinh ở trận Đak Pơ đã có đề án rồi. Cách đây 7 năm (2004), Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã cho ý kiến, UBND tỉnh Gia Lai đã có chỉ đạo các ngành hữu quan và huyện lập đề án xây dựng Tượng đài chiến thắng Đak Pơ, kinh phí khoảng 18 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí!

Thờ phụng các liệt sĩ hy sinh vì nước là trách nhiệm, là nghĩa tình của những người đang sống. Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương kêu gọi “xã hội hóa” vấn đề này của huyện Đak Pơ, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng chung sức “góp viên gạch hồng” xây dựng tượng đài và nhà tưởng niệm chiến thắng Đak Pơ. Bởi như Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ và nay mai là Nghĩa trang Liệt sĩ Chư Prông, nhờ các doanh nghiệp như Ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam tài trợ nhiều chục tỷ đồng, mà được tôn tạo khang trang làm thỏa khát lòng người hướng về truyền thống dân tộc, về cõi tâm linh.

Hy vọng rằng chiến thắng huyền thoại Đak Pơ cũng sẽ có những công trình xứng đáng với tầm vóc của một di tích lịch sử đã đi vào lịch sử của cuộc chiến tranh vệ quốc như một huyền thoại.

Quốc Ninh-Thu Huế

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.