Kỳ cuối: Cần giải pháp căn cơ để tạo việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hầu hết người lao động trở về đều mong muốn tìm được việc làm và ổn định cuộc sống tại địa phương. Do đó, các ngành, địa phương cần có giải pháp căn cơ để tạo việc làm cho họ trong trước mắt cũng như lâu dài.
Gian nan tìm việc làm mới
Trong ngôi nhà nhỏ ở cuối con hẻm thuộc tổ 10 (phường Ia Kring, TP. Pleiku), ông Trần Đình Lục đang chuẩn bị hồ sơ xin việc. Ông phấn khởi thông tin: “Theo lịch hẹn, cuối tuần này, tôi đem hồ sơ đến công ty rồi nhận việc luôn”.
Dịch Covid-19 đã khiến hàng ngàn lao động bị mất việc, ông Lục là một trong số đó. Sau khi từ tỉnh Bình Dương trở về, trong thời gian cách ly tập trung, ông Lục đã liên hệ bằng điện thoại đến một số doanh nghiệp để tìm kiếm việc làm nhưng không có kết quả. May mắn qua các mối quan hệ, ông Lục được 1 công ty ở TP. Pleiku nhận vào làm bảo vệ. Do thành phố liên tiếp thực hiện giãn cách xã hội nên ông vẫn chưa chính thức nhận việc. “Bà nhà tôi cũng không có việc làm. Cách đây không lâu, vợ chồng tôi phải đón 2 đứa cháu ngoại 7 tuổi và 4 tuổi về nuôi vì ba mẹ chúng bỏ nhau. Mình già rồi, ăn uống sao cũng được nhưng thương 2 đứa cháu. Chúng cần ăn uống đầy đủ”-ông Lục trải lòng về việc vội vã tìm việc làm.
Ở tuổi 66, “vạn bất đắc dĩ” ông Lục mới phải rời quê. Cuộc sống đơn độc nơi đất khách chẳng dễ dàng. Do vậy, ông luôn mong mỏi có thể tìm kiếm được công việc phù hợp, ổn định ngay tại quê nhà, dù thu nhập có thấp hơn so với mức lương bảo vệ công ty giày da ở tỉnh Bình Dương. Ông bộc bạch: “Già rồi, đi đâu cũng không bằng gần nhà. Với lại ở đây, tôi còn đỡ đần bà ấy chăm sóc các cháu. Mấy hôm rồi, tôi có điện thoại vào trong đó hỏi thăm tình hình anh em làm cùng và rất buồn khi có người đã qua đời vì dịch bệnh, số khác vẫn đang kẹt lại chưa về được. Mình về nhà an toàn, lại tìm được việc làm phù hợp trong thời điểm dịch giã này, may mắn vô cùng”.
Ông Trần Đình Lục là trường hợp khá may mắn khi tìm được việc làm phù hợp ngay tại quê nhà. Ảnh: Phương Dung
Ông Trần Đình Lục là người khá may mắn khi tìm được việc làm phù hợp ngay tại quê nhà. Ảnh: Phương Dung
Gần 1 tháng nay, anh Nguyễn Văn Tài (thôn Phú Hòa, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cũng làm thuê đủ thứ việc để mưu sinh. Cũng như nhiều hộ dân khác trong xã, gia đình anh Tài từng phất lên nhờ hồ tiêu. Song cũng chính hồ tiêu đã khiến vợ chồng, con cái anh điêu đứng đến mức tha hương. Gần 5.000 trụ hồ tiêu bị chết, gia đình anh thiệt hại hơn 2 tỷ đồng, trong đó có 700 triệu đồng vay ngân hàng chưa trả được.
3 năm làm thuê ở tỉnh Bình Dương, 3 thành viên trong gia đình anh dành dụm, tiết kiệm được 100 triệu đồng trả bớt nợ nần. Trở về quê lần này, vợ chồng anh như “ngồi trên đống lửa” vì sổ đỏ của gia đình vẫn đang thế chấp ngân hàng. Đất sản xuất còn đó nhưng không có vốn đầu tư. Bị “mắc kẹt” trong bài toán nợ nần, việc làm song vợ chồng anh Tài vẫn lạc quan, động viên nhau tìm cách thích nghi. Anh Tài cùng con trai thường xuyên tìm kiếm thông tin tuyển dụng nhưng các doanh nghiệp đều đang sản xuất cầm chừng vì hàng hóa ngưng trệ, không có nhu cầu tuyển thêm. Để kiếm tiền trang trải cuộc sống, anh Tài mới xin làm công việc thời vụ thu hoạch nông sản vụ mùa cho bà con. “Lúc trước tìm việc làm đã khó, nay dịch bệnh càng khó hơn. Việc ít, lao động lại đông nên giờ cứ có việc làm qua ngày đã là may mắn rồi”-anh Tài trần tình.
Hành trình tìm việc làm mới gặp nhiều khó khăn là tình cảnh chung của nhiều lao động trở về quê tránh dịch. Chỉ có một số ít người tìm được việc làm phù hợp, còn đa số đều phải loay hoay mưu sinh bằng những công việc thời vụ hoặc chờ ngày trở lại miền Nam.
Để kịp thời chia sẻ phần nào khó khăn của người lao động, các địa phương trong tỉnh đã vào cuộc, trích ngân sách hoặc huy động nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng này. Ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông-cho hay: Số lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về huyện thời gian qua rất đông. Đây cũng là vấn đề đáng quan ngại vì nó tác động đến nhiều mặt, nhất là vấn đề an ninh trật tự nếu không có giải pháp phù hợp. Do đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan liên quan rà soát số lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, huyện đã trích ngân sách hỗ trợ 60 đối tượng với mức 1 triệu đồng/người. Đồng thời, huyện liên hệ với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để giới thiệu lao động vào làm việc; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để người dân đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Nhiều giải pháp tạo việc làm
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, hơn 17.000 lao động từ khu vực phía Nam đã trở về Gia Lai. Sau khi thực hiện cách ly theo quy định, họ trở về địa phương và mong muốn sớm tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống. Hơn lúc nào hết, bài toán việc làm, ổn định cuộc sống cho số lao động này trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị.
Là địa phương có hơn 2.200 lao động tự do trở về tránh dịch, huyện Chư Pưh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định cuộc sống người dân. Ông Nguyễn Như Trường-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho hay: “Chúng tôi rà soát, cập nhật nhu cầu việc làm của người lao động trở về từ vùng dịch. Đồng thời, lên kế hoạch phối hợp với ngành chức năng tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề cho người lao động; thông tin về nguồn vốn vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội cho người lao động. Trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không tổ chức được phiên giao dịch việc làm, người lao động có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp tại Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện và UBND các xã, thị trấn để được hướng dẫn”.
Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Công ty cổ phần May Gia Lai vẫn đảm bảo việc làm, tiền lương cho công nhân và có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động. Ảnh: Phan Lài
Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Công ty cổ phần May Gia Lai vẫn đảm bảo việc làm, tiền lương cho công nhân và có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động. Ảnh: Phan Lài
Tại Đak Pơ, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện cũng rà soát và tham gia kết nối, tìm giải pháp giúp đỡ lao động nữ trở về từ vùng dịch. Bà Nguyễn Thị Liên-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện-thông tin: Từ tháng 7-2021 đến nay, 144 lao động nữ đi làm ăn xa từ các tỉnh trở về Đak Pơ. Hầu hết các chị đều muốn tìm kiếm việc làm để ổn định cuộc sống. Hội đã kết nối với cơ sở may gia công ở xã Hà Tam. Cơ sở này đang có nhu cầu mở rộng quy mô nên cần thêm nhiều lao động. Bên cạnh đó, Hội cũng tạo điều kiện hỗ trợ chị em tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và các nguồn quỹ của Hội để đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ở góc độ cơ quan chủ quản, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động. Cụ thể, Sở phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp số lượng lao động từ các tỉnh trở về, phân loại theo ngành nghề, trình độ đào tạo, nhu cầu tìm việc để xây dựng phương án đặt hàng đào tạo hoặc cung cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nắm bắt đầy đủ thông tin để hỗ trợ, tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động bị thất nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho hay: Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối cung-cầu lao động theo các hình thức: cổng thông tin điện tử về việc làm, bản tin, website, các phương tiện thông tin đại chúng... Đồng thời, tổ chức các sàn giao dịch việc làm lưu động về các địa phương, đặc biệt là những địa bàn có đông người lao động, người dân tộc thiểu số, lao động nhàn rỗi để kết nối với doanh nghiệp được thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết việc làm cho người lao động.
Mặt khác, Sở phối hợp với các doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, chú trọng các thị trường có thu nhập tốt, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, các địa phương đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn vay, ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo trở về từ các tỉnh phía Nam. Sở cũng chú trọng kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động sử dụng vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả, đúng đối tượng.
Bà Kpui H’Blê-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê. Ảnh: Phan Lài
Bà Kpui H’Blê-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê. Ảnh: Phan Lài
* Bà Kpui H’Blê-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê: Để tạo việc làm cho người dân trở về từ vùng dịch, chúng tôi rà soát, lập danh sách những người có nhu cầu. Sau đó, chúng tôi liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn để xem xét, thu nhận. Đồng thời, yêu cầu các xã, thị trấn lập danh sách người dân có nhu cầu học nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật để mở các lớp tập huấn. Ủy ban nhân dân huyện còn có kế hoạch kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ sinh kế giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống.
Ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Lê (huyện Chư Pưh). Ảnh: Phan Lài
Ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Le (huyện Chư Pưh). Ảnh: Phan Lài
* Ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Le (huyện Chư Pưh): Giải quyết việc làm cho lao động lúc này thật sự là bài toán khó. Nếu dịch bệnh kéo dài, người dân không thể tiếp tục đi làm ăn xa, chúng tôi sẽ phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho những người có nhu cầu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chương trình đào tạo nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để người lao động lựa chọn việc làm thích hợp.
Chị Hoàng Thị Phúc-phụ trách nhân sự Công ty cổ phần May Gia Lai. Ảnh: Phan Lài
Bà Hoàng Thị Phúc-phụ trách nhân sự Công ty cổ phần May Gia Lai. Ảnh: Phan Lài
* Bà Hoàng Thị Phúc-cán bộ phụ trách nhân sự Công ty cổ phần May Gia Lai: Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng Công ty vẫn đảm bảo việc làm, tiền lương, chế độ cho hơn 600 công nhân. Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng 150-200 lao động với mức lương trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng, chưa kể tăng ca. Công ty ưu tiên những lao động có tay nghề. Với những lao động mới, Công ty sẽ đào tạo từ đầu. Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ hỗ trợ chỗ ở miễn phí tại ký túc xá cho những người có nhu cầu.
PHƯƠNG DUNG - PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.