Kỳ 3: Rừng lồ ô hay công nghiệp điện?!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Nếu dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A mà không được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bằng văn bản cho phép xây dựng dự án theo đúng quy hoạch đã được duyệt thì doanh nghiệp đã không dám bỏ vốn liếng và công sức để theo đuổi đến giờ này”-ông Bùi Pháp-Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai nói như một tiếng thở dài.

Ngàn tỷ vướng 4 ha rừng

Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm ở trung lưu dòng chính sông Đồng Nai, đoạn rìa bắc khu Cát Lộc Vườn Quốc gia Cát Tiên thuộc huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) và cách khu Nam Cát Tiên thuộc huyện Tân Phú (Đồng Nai) 35 km.

Theo quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai đã được Chính phủ phê duyệt năm 2002, thủy điện Đồng Nai 6 có tổng công suất 180 MW, sản lượng điện bình quân năm hơn 773 triệu kWh. Từ tháng 5-2007, báo cáo đầu tư đã xem xét nhiều vị trí tuyến và đề xuất chia bậc thang thủy điện Đồng Nai 6 theo quy hoạch cũ thành hai bậc thang: Đồng Nai 6 công suất 135 MW và Đồng Nai 6A công suất 106 MW với tổng giá trị sản lượng điện khoảng 1 tỷ kWh/năm có giá trị gần 1.000 tỷ đồng/năm.
 

Khu vực rừng lồ ô nơi thủy điện Đồng Nai 6 sẽ dâng nước. Ảnh: Nguyễn Thịnh
Khu vực rừng lồ ô nơi thủy điện Đồng Nai 6 sẽ dâng nước. Ảnh: Nguyễn Thịnh

Theo thống kê, các dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A có tổng diện tích sử dụng đất là hơn 372 ha, trong đó diện tích sử dụng lâu dài là hơn 323 ha, tương đương tỷ lệ 1,34 ha/MW là thấp nhất về mất đất rừng so với bình quân các dự án thủy điện trong cả nước. Liên quan đến Vườn Quốc gia Cát Tiên; Đồng Nai 6, 6A sử dụng 137 ha đất khu Cát Lộc với trên 95% diện tích là rừng nghèo, lồ ô và nương rẫy (theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT) dọc một đoạn sông Đồng Nai để hình thành nên một phần lòng hồ với khoảng cách từ mép sông hiện hữu đến mép hồ về phía khu Cát Lộc bình quân chỉ khoảng 53 mét; lớn nhất ở vị trí đập (Đồng Nai 6 là 112 mét, Đồng Nai 6A là 176 mét) và nhỏ dần đến phạm vi lòng sông cũ về phía thượng lưu. Khu vực ngập thêm của hồ chứa cũng là khu vực thường xuyên bị ngập tự nhiên về mùa lũ. Theo kết quả kiểm kê tài nguyên rừng, hiện trạng diện tích đất và rừng khu vực các dự án này chỉ còn 4,32 ha rừng giàu; tới hơn 80% là rừng nghèo, lồ ô; gần 24% đất có gỗ và không có gỗ tái sinh, cây rừng phân tán…

Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Đẩu-Bí thư Huyện ủy huyện Cát Tiên-trao đổi: “Thực tế tại hai vị trí thủy điện Đồng Nai 6, 6A hiện còn rất ít rừng giàu mà chủ yếu là rừng lồ ô, gỗ bằng lăng. Mà nói thật mấy cây gỗ đó bây giờ ở đây cho dân người ta cũng không thèm lấy vì nó không có chất lượng. Chính người dân, chính tụi tôi ở đây mới biết và lo lắng cho sự ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của mình nên hơn ai hết chúng tôi phải quan tâm. Và như vậy phải hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tất nhiên không thể hai cái cùng tốt hết mà phải cân bằng trong một giới hạn nào đó”.
 

Rừng cây tạp tại dự án thủy điện Đồng Nai 6. Ảnh: Nguyễn Thịnh
Rừng cây tạp tại dự án thủy điện Đồng Nai 6. Ảnh: Nguyễn Thịnh

Anh Điểu K Giá-Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, địa phương nằm trong ảnh hưởng của thủy điện Đồng Nai 6-cho biết: Toàn xã có 336 hộ đồng bào dân tộc Châu Mạ, Stiêng. Kinh tế chủ yếu của xã là trồng cây điều, cao su, cà phê cùng cây ngắn ngày. Hiện tại, mức sống của người dân vẫn chưa đảm bảo, xã có 108 hộ nghèo. Rừng vùng này chủ yếu là rừng lồ ô và gỗ tạp, là loại rừng nhóm hai, lác đác vài cây bằng lăng và vài cây sao. Trước đây có cả rừng cẩm lai nhưng bị đốn gần hết cách đây đã 10 năm rồi. Thú rừng quanh đây thì đã cạn kiệt. Khu vực này đâu còn gì nữa. Xã Đồng Nai Thượng là một xã cụt, đường sá rất khó khăn. Nếu xây dựng đập thủy điện thì bà con có con đường mà đi, qua lại thăm nhau, hàng hóa được thông thương”.

Còn nông dân Bùi Đức Hoàng (thôn 3, buôn Bù Gia Giá, xã Đồng Nai Thượng) lại mong ở một điều khác. Anh Hoàng vào đây lập nghiệp đã nhiều năm nay, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào những vườn điều, vườn cà phê đang có. Ngoài ra mùa nông nhàn thì không biết làm gì. Những ha cà phê của anh Hoàng nằm trên cao, thường rất thiếu nước tưới. “Nhà mình có 400 cây cà phê, 5 ha điều. Nếu có một đập nước để phục vụ tưới tiêu thì tốt biết chừng nào”-anh Hoàng cho biết.
 

Người dân làm rẫy về cạnh dự án Đồng Nai 6A. Ảnh: Nguyễn Thịnh
Người dân làm rẫy về cạnh dự án Đồng Nai 6A. Ảnh: Nguyễn Thịnh

Huyện Cát Tiên có 19 dân tộc anh em chung sống với tỷ lệ hộ nghèo là 12,7%. Huyện có 42.000 dân sống phụ thuộc vào 27.000 ha của Vườn Quốc gia Cát Tiên nhưng thực tế hiện tại chỉ có 8.000 ha, còn lại là đồi trọc; do đó phát triển cây công nghiệp và trồng rừng là kinh tế chủ đạo vì đường sá, cơ sở hạ tầng không thuận lợi.

Chờ thủy điện

Bí thư Huỳnh Văn Đẩu tâm sự: “Trước đây, huyện cũng có chỉ tiêu làm khu công nghiệp nhưng khi doanh nghiệp tới thì họ không đầu tư được vì cơ sở hạ tầng quá yếu kém. Mùa lũ dữ của sông Đồng Nai, thậm chí sân Huyện ủy còn chạy bo bo được. Nếu có thủy điện 6, 6A và các thủy điện đã có dù không cắt lũ được nhưng sẽ biến lũ bị động thành lũ chủ động”. Cần nói thêm thủy điện Đồng Nai 6, 6A theo thiết kế đã bổ sung thì được xây dựng kiểu đập dâng, hồ chứa nhỏ, nhà máy đặt ngay sau đập và sử dụng tua bin loại Kaplan có thể phát điện ở lưu lượng thấp, sau khi phát điện nước được trả lại nguyên cho sông ngay sau đập, đồng thời có cống xả lũ dưới chân đập nên không gây ra đoạn sông chết. Đây là điểm nổi trội được rút kinh nghiệm từ chính những công trình đã làm trên sông Đồng Nai.

Ông Đẩu cho biết thêm, sau khi có quy hoạch thủy điện ĐN 6, 6A thì chúng tôi đã đón đầu và đưa ra bàn thảo nhiều tại HĐND huyện. Mục đích là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng giá trị công nghiệp lên bằng cách hướng tới công nghiệp điện, phát triển tiểu thủ công nghiệp, sản xuất gia công, chế biến gỗ từ rừng trồng… vì ở sau hai dự án này không có đất canh tác, người dân cũng không sống trong vùng quy hoạch. Như vậy, nếu thủy điện Đồng Nai 6, 6A hoàn thành sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho huyện. Hai nữa, nếu các dự án này dù chưa biết đầu tư bên nào (phía Lâm Đồng hay Bình Phước) nhưng thực tế người dân quanh vùng dự án sẽ được hưởng lợi, an sinh xã hội sẽ được giải quyết tốt. Bây giờ chưa có anh thủy điện, lâu lâu huyện mới lên được vùng sâu thăm tình hình mà thôi. Nếu những nhà máy này hình thành thì ít nhất kinh tế, an sinh xã hội sẽ được nâng lên, đường sá được hình thành, an ninh trật tự cũng được đảm bảo.
 

Bí thư huyện Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu cho rằng việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A lợi nhiều hơn hại. Ảnh: Nguyễn Thịnh
Bí thư huyện Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu cho rằng việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A lợi nhiều hơn hại. Ảnh: Nguyễn Thịnh

Một trong những lo ngại đã được đặt ra là việc xây dựng hai đập thủy điện sẽ ảnh hưởng tới các di tích và thay đổi văn hóa người bản địa. Trả lời vấn đề này, lãnh đạo huyện Cát Tiên cho biết những di tích đã thám sát trên địa bàn huyện không hề bị ảnh hưởng từ việc hình thành thủy điện 6 và 6A do cách quá xa và cao; gồm có Khu di chỉ khảo cổ học, Khu di tích kháng chiến (đầu tư 100 tỷ đồng). Còn khi nền kinh tế phát triển, có sự liên hệ giữa đồng bằng và miền núi thì tự văn hóa đã giao thoa rồi nên không làm cái thủy điện này thì nó cũng tự giao thoa tiếp. “Mình giữ văn hóa dân tộc cũng phải biết chọn lựa phát huy cái nào và giảm thiểu cái nào, chứ không thể cứ người dân tộc thiểu số là phải mặc khố, nếu như vậy là một cách kéo lùi kinh tế”-ông Đẩu bày tỏ.

Việc đón đầu dự án hướng tới thay đổi cơ cấu kinh tế của huyện Cát Tiên có thể được xem là một cách nhìn thực tế và đầy hiệu quả. Bởi như thực tế tại địa phương mà Bí thư Huỳnh Văn Đẩu đưa ra thì đất rừng thuộc hai dự án trên đều là rừng nghèo (mặc dù thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên) mà giữ rừng cây bụi thì để làm gì? Có thể hình dung bài toán này bằng hình ảnh giữ rừng lồ ô hoặc phát triển công nghiệp điện.

Tạo việc cho hơn 6 ngàn lao động

Ông Phạm Anh Hùng-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, đơn vị chủ đầu tư hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A-cho biết: “Công tác chuẩn bị pháp lý và thủ tục pháp lý của hai dự án Đồng Nai 6, 6A đã trải qua gần 6 năm”. Theo tiến độ thực hiện, trong 3 năm xây dựng hai dự án sẽ tạo ra việc làm thường xuyên cho hơn 6.000 lao động. Sau khi các dự án hoàn thành tạo ra việc làm thường xuyên, ổn định và lâu dài cho hàng ngàn lao động tại hai nhà máy; cùng với việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, hai dự án này sẽ đóng góp phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực như hệ thống đường giao thông, cung cấp điện, trường học, trạm y tế, trạm kiểm lâm…

Nguyễn Thịnh-Lê Đình Dũng

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.