Kỳ 3-Đôi bầu sữa huyền bí trên cầu thang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến các buôn làng Ê Đê ở Tây Nguyên, du khách không khỏi tò mò về đôi bầu sữa huyền bí được khắc sống động trên cầu thang đặt trước hiên nhà dài. Phía sau đôi bầu sữa đó chứa đựng nhiều câu chuyện mang đậm chất nhân văn, truyền thống chỉ có ở cộng đồng người Ê Đê.

“Nữ nhi thượng quyền”

Chúng tôi đến buôn Ako Dhong (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đak Lak) vào buổi chiều Tây Nguyên “đỏ lửa”. Nơi đây được xem là buôn giàu có và còn lưu giữ nhiều kiến trúc, văn hóa mang đậm nét dân tộc của cộng đồng người Ê Đê. Thấy khách mải mê ngắm nghía chiếc cầu thang có khắc hình đôi bầu sữa đặt trước ngôi nhà dài, già Y Bông Niê cười hỏi: “Lạ lắm đúng không”?

 
Cầu thang cái có đôi bầu sữa tràn đầy sức sống.
Cầu thang cái có đôi bầu sữa tràn đầy sức sống.

Ông nhẹ nhàng giải thích về đôi bầu sữa này tượng trưng cho quyền lực của người phụ nữ. Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, điều này thể hiện rõ trong đời sống hôn nhân (phụ nữ có quyền hỏi chồng, của cải, đất đai đều chia cho con gái, con sinh ra mang họ mẹ...) và ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hoa văn trang trí… Trong đó, nhà dài là biểu hiện sự tôn vinh cho chế độ mẫu hệ. Họ quan niệm mặt trời là của thế giới thần linh, biểu tượng được đặt ở vị trí trang trọng và cao nhất trên mái nhà dài. Còn mặt trăng là sự bí ẩn thiêng liêng, quyền lực của người phụ nữ được đặt trên cây nêu tượng trưng cho sự huyền bí và đặt ở cầu thang có bầu vú đặc trưng cho quyền lực mẫu hệ ở gia đình. Bởi vậy, cầu thang cái trước ngôi nhà sàn dài thường được trang trí bằng hình trăng khuyết và hình bầu ngực người phụ nữ.

Theo già Y Bông, kết cấu của một ngôi nhà dài đúng truyền thống Ê Đê phải có 4 chiếc cầu thang, 2 cái đặt ở trước và 2 cái đặt phía sau ngôi nhà. Chiếc cầu thang có khắc hình đôi bầu sữa gọi là cầu thang cái, được đặt ngay hiên trước nhằm khẳng định quyền “thượng tôn mẫu hệ” của tộc người Ê Đê. Hơn nữa, chiếc cầu thang có chạm hình bầu sữa mẹ tinh tế, sắc sảo như một lời nhắc nhở các thế hệ con cháu phải luôn luôn nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục của người mẹ. Bên cạnh cầu thang cái có đặt thêm một chiếc cầu thang nữa gọi là cầu thang đực. Cầu thang này thì làm đơn giản, kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với cầu thang cái.

Già Y Bông lý giải: “Tổ tiên xưa quy định, cầu thang cái dành cho phụ nữ và những người có vai vế quan trọng trong dòng tộc. Còn đàn ông và những người khác trong gia đình thì đi cầu thang đực hoặc 2 cầu thang phụ phía sau nhà. Nữ muốn đi cầu thang đực thì không sao, chứ nam mà đi cầu thang cái sẽ bị nhắc nhở hoặc bị phạt. Thời nay hầu như bỏ việc phạt, nhưng ai cũng có ý thức tránh phạm điều cấm kỵ này. Khách đến nhà, nếu được gia chủ mời đi cầu thang cái thì đi, còn không, nên đi cầu thang đực cho phải phép”. Già mách nước thêm: Trước khi đi vào nhà của người Ê Đê, khách nên đặt hai tay lên bầu ngực trên chiếc cầu thang cái, để thể hiện lòng tôn trọng với nữ chủ nhà. Khi chủ nhà có chuyện buồn hay họp riêng, không muốn ai quấy rầy, họ sẽ lật ngược cầu thang cái lại, còn cầu thang đực để nguyên. Thấy vậy, khách không nên vào, gia chủ sẽ không vui, không đón tiếp.

 

Cạnh cầu thang cái là cầu thang đực.
Cạnh cầu thang cái là cầu thang đực.

Kỳ công tạc hình

Cầu thang cái là linh hồn của ngôi nhà tuy nhiên không phải nhà Ê Đê nào cũng có chiếc cầu thang khắc họa hình đôi bầu vú đặc biệt này. Theo già Y Bông, chỉ những nhà có điều kiện khá giả mới có được. Bởi, để sở hữu một chiếc cầu thang cái đòi hỏi mất nhiều công sức, tiền của. Gỗ để làm phải là cây cổ thụ đẹp nhất được lấy từ rừng. Trước khi mang cây về, gia chủ làm lễ gồm 1 con gà, 1 chóe rượu cúng xin phép thần rừng. Cây về tới nhà cũng phải cúng Yàng (thần linh) tiếp, sau đó nữ chủ nhà dùng búa bửa một nhát đầu tiên vào cây gỗ sau đó mới đưa cho thợ làm tiếp. Người được chọn để làm cầu thang là nghệ nhân tài giỏi, khỏe mạnh, có nhiều kinh nghiệm tạc hình.

Nghệ nhân chỉ được phép sử dụng một chiếc rìu để tạc. Khi làm, họ phải tập trung cao độ, không được đùa giỡn, nói điều thô tục, đụng chạm đến người phụ nữ. Nếu phạm phải những điều kiêng kỵ này sẽ làm mất ý nghĩa linh thiêng của chiếc cầu thang. Thời gian hoàn thành một chiếc cầu thang cái thường mất 7-10 ngày. Người Ê Đê thường làm cầu thang có số bậc lẻ 3-5-7, không có bậc số 9 và bậc số chẵn. Họ quan niệm số chẵn là của ma quỷ. Số lẻ là số may mắn, đem tài lộc, niềm vui cho gia chủ. Chiếc cầu thang được đánh giá là đẹp hoàn mỹ khi các bậc thang đều, thẳng, có độ cao vừa phải với ngôi nhà. Đặc biệt, hình đôi bầu vú phải tròn trĩnh, cân xứng với nhau. Làm xong, gia chủ dâng lễ gồm 1 con gà, 1 con heo, 1 chóe rượu mời già làng đến cúng Yàng trước khi đưa vào sử dụng. Người Ê Đê quan niệm mọi vật tồn tại xung quanh con người đều có linh hồn và được Yàng che chở. Vì thế phải cúng tạ ơn Yàng, cầu mong thần linh che chở cho gia đình, buôn làng có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

 

Cầu thang xi măng thay thế cầu thang gỗ.
Cầu thang xi măng thay thế cầu thang gỗ.

Ý nghĩa, linh thiêng là vậy nhưng hiện nay số phận của chiếc cầu thang cái đang đối mặt với nhiều nguy cơ tàn lụi như bị thời gian bào mòn, gia chủ muốn làm lại e rất khó. Bởi rừng bây giờ đã vắng bóng cây đại thụ. Số người biết tạc đẽo nên một chiếc cầu thang có hồn với đôi gò căng tràn sức sống rất hiếm. Cầu thang gỗ đành thay bằng những bậc bê tông cốt thép vô hồn. Một điều chua xót nữa là chiếc cầu thang cái đang bị lái buôn vào các buôn làng vùng sâu lùng sục, trả mua với giá rất cao.

Hỏi ra mới biết, các đại gia lắm tiền nhiều của “săn” chiếc cầu thang cái về trưng ở nhà để cầu tài lộc. Họ cho rằng, cầu thang cái hấp thụ sinh lực của phụ nữ khỏe mạnh và linh khí của đại ngàn nên có vượng khí tốt. Còn phụ nữ hiếm muộn, nếu ngày ngày được ở bên chiếc cầu thang này sẽ sớm được làm mẹ. Cầu thang có tuổi đời càng lâu, càng có giá trị, mua giá càng cao. Chính vì thế mà số lượng cầu thang bị mất đi mỗi ngày càng nhiều. Già Y Bông nỗi niềm: “Cứ đà này, không biết thế hệ con cháu Ê Đê sau này có còn biết đến nguồn gốc tổ tiên của mình không, khi mà nhà sàn dài, bến nước, cồng chiêng… đang dần “mất tích” trước cơn lốc đô thị hóa. Dù chính quyền địa phương đang nỗ lực bảo tồn không gian văn hóa của người Ê Đê. Tuy nhiên, điều quan trọng nằm ở ý thức tự giác của mỗi người gìn giữ để giá trị văn hóa dân tộc không bị lãng quên”.

TS Buôn Krông Tuyết Nhung (Trường Đại học Tây Nguyên, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Ê Đê) cho hay: Dù cuộc sống hiện đại ảnh hưởng đến cộng đồng người Ê Đê, song chế độ mẫu hệ vẫn còn chi phối đậm nét. Phụ nữ vừa là trụ cột trong gia đình nhỏ của mình (tham gia làm giàu, chăm sóc con cái…) vừa có trách nhiệm bảo vệ danh dự, uy tín của dòng tộc và bảo vệ cả những người (anh, em trai) đã đi ở rể trong trường hợp người đàn ông bị mất vợ, bị đuổi khỏi nhà… quay về nhà mẹ đẻ thì người phụ nữ (chị, em gái) phải có trách nhiệm chăm lo.

“Người Ê Đê coi đàn ông đi làm rể là “vị khách đặt biệt”, cùng vợ xây dựng gia đình. Đàn ông phải biết làm giàu, bảo vệ vợ và các con của mình. Ngoài ra, người đàn ông còn có tiếng nói vô cùng quan trọng đối với dòng họ, huyết thống phía bên mình. Họ cũng phải che chở, tham gia các công việc trọng đại của gia đình, dòng tộc mình. Nói vậy để thấy trong chế độ mẫu hệ của người Ê Đê, vai trò, vị thế của đàn ông và phụ nữ luôn có sự phân định rõ ràng, có mối quan hệ cộng sinh gắn kết chặt chẽ với nhau tạo nên sự đoàn kết trong buôn làng”, TS Tuyến Nhung chia sẻ.

Những ghi chép trên của chúng tôi chỉ phần nào vén bức rèm quá khứ chứa đựng nhiều điều bí ẩn trong chế độ mẫu hệ người Ê Đê trên mảnh đất Tây Nguyên. Những thông tin này góp phần lý giải những phong tục có phần lạ lẫm mang đậm yếu tố tín ngưỡng tâm linh trong đời sống sinh hoạt thường nhật của người Ê Đê. Nếu có cơ hội, du khách hãy một lần đặt chân lên Tây Nguyên để trải nghiệm cuộc sống thanh bình trong căn nhà dài ấm cúng, đắm mình trong tiếng chiêng ngân, điệu xoang mềm mại, uyển chuyển bên ngọn lửa thiêng và những ché rượu cần không bao giờ cạn ở những đêm hội “quên cả lối về”.

Nghệ nhân chỉ được phép sử dụng một chiếc rìu để tạc. Khi làm, họ phải tập trung cao độ, không được đùa giỡn, nói điều thô tục, đụng chạm đến người phụ nữ. Nếu phạm phải những điều kiêng kỵ này sẽ làm mất ý nghĩa linh thiêng của chiếc cầu thang.

Huỳnh Thủy/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.