Ksor Krôh: Người thổi hồn cho tượng gỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi biết nghệ nhân Ksor Krôh (xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vào năm 2014. Lúc ấy, ông còn rất khỏe và thường cùng nhóm nghệ nhân trong xã tạc tượng cho các khu du lịch sinh thái, văn hóa, nhà hàng, quán ăn ở Kon Tum, Lâm Đồng, Đak Lak. Ông là người tạc tượng gỗ giỏi nhất ở Chư Păh và có công truyền nghề cho thanh niên. Năm 2019, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Một ngày cuối tuần, tôi nhờ cô học trò cũ ở xã Ia Ka dẫn đường vào nhà ông Ksor Krôh. Hôm ấy, có mấy người đàn ông trung niên đang tạc tượng ngoài cổng, ngoài sân. Họ thực hiện các thao tác đẽo, vạt, đục, khắc trên những thớ gỗ có độ cao thấp khác nhau, từ 1 m đến 1,6 m. Bằng những dụng cụ thô sô như rìu, dao, rựa, đục, chà gạc, họ cặm cụi làm công việc của “nghệ sĩ buôn làng” tạo nên những tượng gỗ với nhiều kiểu dáng tư thế quen thuộc trong đời sống sinh hoạt và lễ hội. Đấy là những tượng: đàn ông hút thuốc ánh mắt nhìn xa xăm, đôi bạn uống rượu cần, đàn ông đánh trống, chiêng, đàn bà địu con, cõng nước, gùi củ, đàn ông cõng con trên vai, đàn bà ôm con trước ngực, cô gái múa xoang, đàn ông vác nỏ… Có cả một số tượng dụng cụ sinh hoạt, săn bắn, lao động, hay tượng những con thú quen thuộc trong nhà, trong rừng như gà, chó, heo, tắc kè, rắn, voi, khỉ. Những nét tạc, khắc thô sơ thiên về gợi tả nhưng nhìn rất có hồn, mang vẻ đẹp thô mộc, thẩm mỹ thuần khiết của chủ nhân sáng tạo ra chúng.
Ông Krôh kể rằng từ nhỏ đã thích tạc tượng. Khi cái tay cầm được rựa, ông lẽo đẽo theo cha vào rừng tìm gỗ làm nhà sàn. Lớn lên, ông theo người già, thanh niên làm nhà rông cho làng, rồi làm nhà mồ cho lễ bỏ mả của dòng họ Ksor. Cứ thế bàn tay khéo léo dần lên, tượng ông Krôh làm lúc nào cũng rất có hồn, đẹp nhất nhì trong những đợt làng có lễ bỏ mả.
Nghệ nhân Ksor Krôh đang tạc tượng. Ảnh: Hoàng Thanh Hương
Nghệ nhân Ksor Krôh đang tạc tượng. Ảnh: Hoàng Thanh Hương
Bây giờ ở Gia Lai, tạc tượng gỗ dân gian là một nghề thủ công truyền thống, đem lại thu nhập cho các nghệ nhân thạo nghề. Nghệ nhân Ksor Krôh hiện đang đứng đầu một đội gồm hàng chục nghệ nhân có tuổi đời từ 30 đến 70 ở huyện Chư Păh chuyên nhận tạc tượng cho các nhà hàng, quán ăn, công viên, homestay... Khi được khách thuê tạc tượng, đội của ông mang dụng cụ lên đường, khách lo nguồn gỗ, bố trí cơm nước, nơi ở. Những thân gỗ vô tri vô giác, sần sùi, nứt nẻ... qua bàn tay, óc sáng tạo phong phú của các nghệ nhân mà thành tượng gỗ với đủ hình thù sống động. Nghệ nhân Ksor Krôh có sở trường tạc tượng người đánh trống, chiêng, người uống rượu cần và hệ thống tượng thể hiện tình cảm mẫu tử, phụ tử. Ông nói rằng những người biết tạc tượng là do Yàng cho cái đầu biết nghĩ ra cách làm, cái tay khỏe và khéo, cái bụng biết vì người khác và đều rất chăm chỉ, kiên nhẫn.
Bây giờ, cùng các ông Ksor Hnao (TP. Pleiku), Đinh Uế, Đinh Bri (huyện Kông Chro), Đinh Blih, Đinh Ble (huyện Chư Păh), Alip, Hyứt, A Nênh (huyện Đak Đoa), Rơ Chăm Khánh (huyện Đức Cơ)... ông Krôh đang giữ gìn và phát triển nghề tạc tượng gỗ. Ông chỉ buồn một nỗi bây giờ gỗ hiếm dần, rừng dần lùi xa, đám trẻ ít thích học nghề tạc tượng gỗ... Vì thế, ông lo sợ sau này tượng gỗ sẽ mất dần trong đời sống của người Jrai.
Trò chuyện cùng tôi, bà Rơ Châm H’Ken-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Ka-nhận xét: “Nghệ nhân Ksor Krôh là người rất tài hoa. Tham gia hội thi nào của huyện, của tỉnh hay khu vực Tây Nguyên, ông đều có giải. Ông là người truyền dạy nghề tạc tượng cho nhiều thế hệ, luôn đem hết tâm huyết của mình dành cho việc giữ gìn và quảng bá di sản văn hóa của người Jrai ở Chư Păh”.
HOÀNG THANH HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi

(GLO)- Người Tây Nguyên làm du lịch không chỉ bằng khu nghỉ dưỡng, mà còn bằng lòng hiếu khách và nghệ thuật kể chuyện. Vậy nên, đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi mà hãy đánh thức nó bằng chính giọng nói của rừng, bằng bàn tay của bà con và bằng tình yêu với buôn làng của mình.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

(GLO)- Ở buôn E Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa), ông Hiao Thuyên được biết đến là một nghệ nhân tài hoa khi giỏi cả sáo trúc, biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca... Bằng những việc làm thiết thực, ông đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Jrai và xây dựng khối đại đoàn kết ở buôn làng.

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Nhắc đến đại ngàn Tây Nguyên, có lẽ biểu tượng văn hóa “sừng sững” chính là những mái nhà rông, nhà dài truyền thống của đồng bào các dân tộc. Trong những biến chuyển của thời đại, không gian che chở các hộ gia đình và lan tỏa văn hóa cộng đồng ấy khó tránh khỏi những hư hao, nghiêng ngả.

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

(GLO)- Người Bahnar quan niệm rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có sự hiện diện của thần linh và con người phải tôn trọng, thờ cúng. Vì vậy, họ có nếp sống, sinh hoạt văn hóa với hệ thống lễ hội vô cùng phong phú, gắn với vòng đời người và chu kỳ canh tác nông nghiệp.

Những người “giữ lửa” văn hóa Jrai, Bahnar

Những người “giữ lửa” văn hóa Jrai, Bahnar

(GLO)- Ông Rmah Aleo (làng Pan, xã Dun, huyện Chư Sê) và ông Ayó (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) là những người “giữ lửa” và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc đến cộng đồng buôn làng.

null