Krông Pa: Vui buồn mùa thu hoạch nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, nông dân huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch các loại nông sản như mì, mía, thuốc lá. Trong khi những người trồng mía rất vui vì đạt năng suất cao thì những hộ trồng mì và thuốc lá lại lao đao vì mất mùa, mất giá.

Niềm vui được mùa mía

Theo các ngành chức năng huyện Krông Pa, cây mía “du nhập” vào địa phương cách đây khoảng 6 năm và hiện đã phát triển được 1.068 ha. Tuy là cây trồng khá mới mẻ nhưng với năng suất đạt từ 65 đến trên 100 tấn/ha, cây mía đang đem lại một luồng sinh khí mới trong sản xuất của người dân nơi đây.

 

Mía của gia đình anh Chiêu cho năng suất cao nên được nhiều nông dân lựa chọn mua làm giống. Ảnh: H.T
Mía của gia đình anh Chiêu cho năng suất cao nên được nhiều nông dân lựa chọn mua làm giống. Ảnh: H.T

Đang thu hoạch mía, ông Vũ Quang Thoại (thôn Hòa Mỹ, xã Ia Mlah) vui mừng cho biết, 6,5 ha mía của gia đình đã trồng được 3 năm nên năng suất chỉ đạt 80 tấn/ha, thấp hơn 15-20 tấn/ha so với năm trước. Song bù lại, chi phí đầu tư thấp (khoảng 18 triệu đồng/ha) nên gia đình ông vẫn có lãi. Ông Thoại phấn khởi: “Hiện nhà máy vẫn mua mía với giá 950 đồng/kg nên ít nhất gia đình cũng thu về trên 490 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 370 triệu đồng”.

Tương tự, anh Vũ Văn Chiêu (thôn Hòa Mỹ, xã Ia Mlah) cũng khá vui mừng khi vụ mía đầu tiên của gia đình đạt năng suất trên 100 tấn/ha. Theo anh Chiêu, năm nay, gia đình anh trồng 2 ha mía giống K95-48 được nhập từ Phú Yên. Đây là giống mía có thân to, nặng nên được nhiều nông dân ưa chuộng và chọn mua về làm giống; giá bán mía giống cũng cao hơn giá mía nguyên liệu. Với giá bán hiện nay là 1.050 đồng/kg, gia đình anh thu trên 210 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 110 triệu đồng. Anh Chiêu chia sẻ: “Trồng mía khá nhàn mà lãi thu về cao hơn các loại cây trồng hiện có tại địa phương. Vì vậy, gia đình tôi dự định sẽ đầu tư trồng thêm 2 ha mía để tăng thu nhập”.

Nỗi buồn mì mất mùa, rớt giá

Khác với cây mía, năm nay, do ảnh hưởng của nắng hạn từ đầu vụ và lũ lụt vào cuối năm 2016, năng suất mì trên địa bàn huyện Krông Pa giảm mạnh. Đặc biệt, nhiều diện tích mì bị thối củ từ 50% đến 70%, có nơi 100%, ước thiệt hại trên 23 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá mì tụt dốc còn 1.200-1.450 đồng/kg (giá năm ngoái 1.550-1.750 đồng/kg) khiến nhiều nông dân lỗ nặng.

Dù đã quá trưa nhưng anh Trần Văn Thanh (thôn Xóm Kinh, xã Ia Mlah) vẫn cùng vợ tranh thủ thu hoạch 3 ha mì để vớt vát lại chút vốn bỏ ra. Anh Thanh cho biết, năm nay, gia đình anh trồng 3 ha mì hết 80 triệu đồng. Do ảnh hưởng của đợt lũ trước Tết nên có đến 1,2 ha mì của gia đình bị thối củ. “Mì của tôi trồng ở trên cao lại không có biểu hiện mì bị thối củ do lá mì vẫn xanh nên tôi chủ quan đợi ăn Tết xong mới thu hoạch. Không ngờ khi thu, nhiều diện tích mì bị thối củ nên chỉ được 40 tấn. Bán với giá 1.200 đồng/kg, gia đình chỉ thu được 48 triệu đồng, lỗ 32 triệu đồng”-anh Thanh than thở.

Cùng tâm trạng đó, anh Hoàng Văn Tú (thôn Bình Minh, xã Phú Cần) buồn bã cho biết: “Nếu đúng thời vụ thì cây mì đã được thu hoạch từ trước Tết nhưng do ảnh hưởng của lũ, đường sá đi lại khó khăn, cộng với hàm lượng tinh bột thấp nên gia đình tôi và nhiều nông dân đợi ăn Tết xong mới thu để mong bán được giá. Nhưng không ngờ nhiều diện tích mì bị thối củ khiến năng suất giảm mạnh, giá cũng giảm theo. Nếu năm ngoái, 1,2 ha mì của gia đình tôi thu được gần 40 tấn thì năm nay chỉ thu được 17 tấn, bán với giá 1.200 đồng/kg, gia đình chỉ thu về khoảng 20 triệu đồng, lỗ 4 triệu đồng”.

Ảm đạm cây thuốc lá  

Năm nay, anh Hoàng Văn Đức (thôn Bình Minh, xã Phú Cần) thuê thêm 5 sào đất để mở rộng diện tích thuốc lá lên 1,7 ha. Song vì trồng muộn so với thời vụ nên 1 sào thuốc của gia đình anh bị bệnh và chậm lớn dẫn đến năng suất đạt thấp. Anh Đức dự tính: “Từ nay đến khi thu hoạch xong mà thuốc lá không bị bệnh nữa thì gia đình cũng chỉ thu được khoảng 6 tấn. Và nếu giá trung bình đạt 4.000 đồng/kg thì trừ công cán, vốn đầu tư, gia đình cũng chỉ lãi được khoảng 20 triệu đồng”. Cũng theo anh Đức, không chỉ riêng gia đình anh mà nhiều nông dân trên địa bàn xã Phú Cần cũng đang gặp khó vì năng suất thuốc lá năm nay giảm mạnh. Nếu thuận lợi, nông dân chỉ hòa vốn hoặc lãi 10-20 triệu đồng/ha.

Đang tưới nước cho 3 ha thuốc lá, anh Hoàng Văn Tú (thôn Bình Minh, xã Phú Cần) cho biết: “Bình thường, vào thời điểm này, cây thuốc đã cao quá đầu người nhưng năm nay mới chỉ cao đến đầu gối. Không những thế, thân cây thuốc cũng khá già. Với tình trạng này, chắc chắn thuốc lá sẽ ra hoa sớm và năng suất sẽ giảm”. Theo anh Tú, những năm trước, năng suất thuốc lá đạt 3-4 tấn/ha nhưng năm nay, nhiều hộ chỉ đạt khoảng 2-2,5 tấn/ha. Riêng gia đình anh năm nay trồng 3 ha nhưng có đến 3 sào bị bệnh không có thu nên tổng sản lượng ước chỉ được 7,5 tấn, nếu bán với giá 4.000 đồng/kg như mọi năm, gia đình anh thu về 300 triệu đồng. Trừ chi phí thuê nhân công, vật tư nông nghiệp, gia đình anh không có lãi.

Hồng Thương

Ông Trịnh Thanh Khiết-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pa cho biết: Nguyên nhân khiến cây thuốc lá bị giảm năng suất là do ảnh hưởng của trận lũ trước Tết, người dân phải hoãn kế hoạch trồng thuốc lá hơn 1 tháng. Khi vào vụ, cây giống quá to dẫn đến thuốc chậm lớn và nhanh già. Hơn nữa, do trồng không đúng thời vụ nên cây dễ bị bệnh dẫn đến nhiều diện tích thuốc lá bị chết.

Có thể bạn quan tâm

Ông Rah Lan Đang chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: L.N

Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ rừng

(GLO)- Mô hình thí điểm “Phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với việc trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững” tại buôn Ama Giai (xã Đất Bằng) do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) triển khai bước đầu phát huy hiệu quả.

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

(GLO)- Sáng 20-12, tại Tiểu khu 392 thuộc Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới (phường Chi Lăng, TP. Pleiku), Chi cục Kiểm lâm Gia Lai phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện và các chủ rừng diễn tập chữa cháy rừng năm 2024.

Ông Bing (xã Chư Á, TP. Pleiku) chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1-Dự án 3. Ảnh: N.D

Quan tâm hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự án giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia Lai hiện có 6 nông hội thuộc lĩnh vực ngành, nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, rượu ghè). Ảnh: Hà Duy

Đẩy mạnh phát triển mô hình nông hội để nâng chất lượng sản phẩm địa phương

(GLO)- Gia Lai hiện có 168 mô hình nông hội, trong đó, nhiều nông hội hoạt động hiệu quả đã góp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp đời sống hội viên được nâng lên. Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển mô hình nông hội nên hoạt động thiếu hiệu quả.

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: V.T

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

(GLO)- Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Gia Lai đã chủ động nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn.

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 440/NQ-HĐND về việc quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu-chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2025.