Krông Pa bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhiều trí thức trẻ người Jrai ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) ngày càng ý thức sâu sắc về cội nguồn và tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Họ đang nỗ lực tuyên truyền về ý nghĩa, chỗ đứng của không gian văn hóa cồng chiêng để thêm yêu quý, gắn bó và xác định trách nhiệm với di sản văn hóa dân tộc.
Tự hào về di sản
“Tôi tên là Ksor H’Bích, hiện đang sống ở buôn Chư Jút, xã Chư Gu, huyện Krông Pa. Tôi là sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, chuyên ngành Quản lý văn hóa. Hôm nay, tôi sẽ dẫn các bạn tham gia một lễ hội cồng chiêng tại buôn làng. Để có tiết mục trình diễn cồng chiêng thành công thì chúng ta cần có người đánh chiêng và những cô gái múa theo điệu nhạc chiêng đó, gọi là đội xoang”-lời giới thiệu của H’Bích trong buổi ghi hình cho một kênh truyền hình từng khiến nhiều người ấn tượng trước một cô gái trẻ đối với văn hóa dân tộc.
Giờ đây, cô sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã trở thành công chức Văn hóa-Thông tin xã Chư Gu, đúng với chuyên ngành được đào tạo, thỏa mãn tình yêu của H’Bích với văn hóa dân tộc. Đây là một cuộc trở về trọn vẹn khi H’Bích có điều kiện đóng góp cho quê hương ở lĩnh vực văn hóa. H’Bích chia sẻ: “Từ nhỏ, mình đã tham gia đội xoang thanh-thiếu niên của buôn. Đội xoang càng đông thì càng vui, ai cũng có thể tham gia không phân biệt ngoại hình, tuổi tác. Cồng chiêng đã làm nên linh hồn cho các lễ hội ở vùng đất này. Cũng vì tình yêu dành cho văn hóa truyền thống nên mình đã chọn ngành này để theo học. Càng học hỏi, tìm hiểu sâu mình càng tự hào trước di sản văn hóa mà cha ông để lại và ý thức sâu sắc về sự kế thừa, tiếp nối”.
Các nghệ nhân dạy cồng chiêng cho thanh thiếu nhi. Ảnh: Minh Châu
Các nghệ nhân dạy cồng chiêng cho thanh thiếu nhi. Ảnh: Minh Châu
Trước khi trở thành sinh viên ngành Quản lý nhà nước của Trường Đại học Quy Nhơn, chàng trai Siu Học (SN 1997) là thành viên tích cực của đội cồng chiêng buôn Chư Jút. Anh mê đánh chiêng từ nhỏ và rất thích thú với các lễ hội, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của người Jrai ở vùng hạ lưu sông Ba. Học may mắn hơn một số bạn bè đồng trang lứa vì có cơ hội học tập ở môi trường đại học, có điều kiện tìm hiểu sâu các giá trị đặc biệt của di sản văn hóa và mong muốn trở về quê hương để đóng góp trên lĩnh vực này. Chàng trai Jrai chia sẻ: “Cồng chiêng gắn bó với mình từ nhỏ, chập chững biết đi mình đã lò dò theo người lớn đến các đám hội. Bị mê hoặc, mình theo chân người lớn trong làng để xem cách đánh, rồi say mê luyện tập không biết chán. Mình khao khát trở thành một người chơi cồng chiêng hay và giỏi như các nghệ nhân”. Siu Học vừa học xong năm cuối đại học và trở về xã Chư Gu để góp phần tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên quê hương, trong đó có nghệ thuật cồng chiêng.
Bảo vệ di sản  
“Vùng đất này có nhiều lễ hội và không thiếu tiếng cồng chiêng. Tuy nhiên, ngày càng ít bạn trẻ hứng thú với cồng chiêng, nhiều người không biết đánh chiêng. Nếu thế hệ trẻ không đam mê, hứng thú với cồng chiêng, văn hóa dân tộc thì rất khó giữ gìn và phát triển. Mình nghĩ, ngoài lễ hội, cần có sân chơi phù hợp gắn với cồng chiêng như thi đánh cồng chiêng giữa các làng, các xã kết hợp trình diễn trang phục truyền thống để nhiều người thưởng thức, cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp văn hóa từ hình thức đến nội dung. Từ đó, hình thành và lớn dần tình yêu di sản văn hóa một cách tự nhiên”-Siu Học cho biết. Trong khi đó, Ksor H’Bích cũng nhận ra khoảng trống di sản sau gần 1 năm trở về công tác tại địa phương: “Người trẻ bây giờ chỉ thích các trò giải trí mới mẻ trên điện thoại, máy tính mà ít quan tâm đến văn hóa dân tộc, truyền thống tốt đẹp ông cha ta để lại. Để kéo họ về với những giá trị cổ truyền, phải làm cho họ thấy được sức hấp dẫn, ý nghĩa của nghệ thuật dân gian, các phong tục, lễ hội tốt đẹp và ý nghĩa”.
Từ góc nhìn của người trẻ, những trí thức Jrai này đều có chung ý thức bảo tồn văn hóa trong đời sống đương đại. Đó chính là nâng cao sự hiểu biết cho lớp trẻ về giá trị của di sản để họ thấy được vai trò chủ nhân đối với tài sản cha ông để lại. Ksor H’Bích cho rằng: “Phải mở nhiều hơn các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, song song với việc mời các nghệ nhân nói chuyện, giảng dạy để người trẻ hiểu ý nghĩa của các lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật, tri thức dân gian… Đẩy mạnh tuyên truyền cho mọi người thấy hết giá trị văn hóa dân tộc và có ý thức phải gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp đó, bởi văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Các buôn làng ở vùng đất Krông Pa hiện vẫn còn lưu giữ nhiều lễ hội gắn với cồng chiêng. Ảnh: Minh Châu
Các buôn làng ở vùng đất Krông Pa hiện vẫn còn lưu giữ nhiều lễ hội gắn với cồng chiêng. Ảnh: Minh Châu
Từ nhiều năm trước, Nghệ nhân Ưu tú Nay Phai (thị trấn Phú Túc) đã từng ưu tư về trách nhiệm của lớp trẻ với di sản cha ông để lại. Nhất là sự mai một của cồng chiêng có thể nhìn thấy rất rõ trong tiến trình phát triển. “Nếu trước đây, nhà nào cũng có 1 bộ cồng chiêng, có buôn lưu giữ từ 50 đến 70 bộ chiêng thì nay chỉ còn 1 đến 3 bộ. Cá biệt có buôn chẳng có bộ nào. Giai đoạn 1992-2000, người ta bán chiêng như bán nhôm nhựa khiến mình rất đau xót”-ông Nay Phai nói. Theo nghệ nhân, điểm sáng trong hành trình bảo vệ di sản đó chính là các sự kiện lớn trong gia đình, cộng đồng của người Jrai ở vùng đất Krông Pa hiện nay vẫn còn duy trì đánh cồng chiêng và nhờ đó mà di sản có “đất sống”, “đất diễn” trong đời sống văn hóa tinh thần. Cần vịn vào đó để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. “Mình rất mừng vì chủ trương bảo tồn văn hóa dân tộc được triển khai mạnh mẽ. Những phong tục tập quán, lễ hội truyền thống đặc sắc giàu ý nghĩa được chú trọng giữ gìn và phát huy. Khuyến khích cộng đồng thực hành và phát huy các lễ hội này chính là tiếp thêm cho âm thanh cồng chiêng ngân vang, thu hút và chinh phục hồn người”-nghệ nhân đúc kết. 
Theo kết quả kiểm kê vào cuối năm 2020, toàn huyện Krông Pa hiện còn lưu giữ 407 bộ cồng chiêng (giảm 110 bộ so với lần kiểm kê năm 2008). Bà Trần Thị Mỹ Hiền-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho biết: Huyện có nhiều hoạt động để khuyến khích cộng đồng bảo vệ và phát huy di sản cồng chiêng. Sắp tới, Phòng tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND huyện xây dựng kế hoạch tổng thể bảo tồn, phát triển cồng chiêng, cũng như các hoạt động văn hóa khác. “Duy trì, tổ chức các hội thi, giao lưu văn hóa cồng chiêng để người dân có cơ hội thưởng thức và thực hành di sản; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động các buôn làng thành lập câu lạc bộ, đội cồng chiêng, nhất là thành lập các đội chiêng “nhí”. Chúng tôi cũng đã vận động các cụ lớn tuổi biết đánh chiêng, am hiểu các loại chiêng cổ dạy lại cho con cháu thông qua các lớp truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng. Ngành Văn hóa có trách nhiệm tham mưu để cấp thẩm quyền có chế độ đãi ngộ đặc biệt, hợp lý đối với các nghệ nhân dân gian, động viên họ đóng góp thiết thực vào công cuộc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể”-bà Hiền nói.
MINH CHÂU - NGUYÊN ANH

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.