(GLO)- Những năm qua, diện mạo của huyện nghèo Kông Chro, Gia Lai đã có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống người dân được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự đổi thay đáng mừng ấy là kết quả của một hành trình dài với ý chí và nỗ lực vươn lên không ngừng của cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân các dân tộc trong huyện.
Nhớ lại những ngày đầu tái thành lập (năm 1988), Kông Chro là huyện thuần nông có xuất phát điểm khá thấp với cơ sở hạ tầng yếu kém; lương thực thiếu thốn triền miên; nghèo đói bám riết từng nếp nhà. Nhưng giờ đây, vùng căn cứ cách mạng năm nào đã từng bước chuyển mình mạnh mẽ. Dẫu vẫn còn nằm trong nhóm các huyện khó khăn của tỉnh, song những đổi thay mà Kông Chro đang có được so với trước, đặc biệt sau hơn 30 năm thành lập huyện vẫn là điều rất đáng tự hào.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế
Năm 2019, huyện Kông Chro triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, đây lại là năm áp chót nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VII. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xác định quyết tâm chính trị cao; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu của năm. Nhờ vậy, kinh tế-xã hội đã đạt được kết quả tích cực với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra.
Người dân Kông Chro từng bước chuyển đổi sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao để vươn lên thoát nghèo. |
Theo đó, tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt hơn 3.998,7 tỷ đồng, vượt 0,8% Nghị quyết, tăng 0,07% so với năm 2018. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Là huyện thuần nông nên việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp với lợi thế của địa phương gắn với thị trường tiêu thụ luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, nông dân đã chuyển dần sang trồng các loại cây mang tính hàng hóa và có giá trị cao như: cây ăn quả (468,2 ha); tái canh cây điều để tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số (519,7 ha); sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP… Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, gắn kết chế biến với tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ; chủ động phòng-chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng phòng-chống hạn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Nhờ đó, dù thời tiết bất lợi nhưng tổng diện tích gieo trồng vẫn đạt 40.108 ha, vượt 4,4% Nghị quyết, tăng 3,07% so với năm 2018. Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định với tổng đàn gia súc 61.255 con, vượt 0,3% Nghị quyết, tăng 0,9% so với năm 2018.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng-chống cháy rừng và trồng rừng cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện chú trọng. Riêng năm 2019, huyện đã triển khai trồng được 633,24 ha (vượt 19,5% kế hoạch tỉnh giao) và 70 ha cây phân tán (đạt 100% kế hoạch tỉnh giao). Thêm vào đó, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn cũng trồng được 192,97 ha rừng, nâng tổng diện tích rừng trồng mới năm 2019 lên 826,21 ha.
Giá trị sản lượng công nghiệp-xây dựng trên địa bàn đến nay đạt 1.409,2 tỷ đồng, tăng 12%. Trong năm, có 6 doanh nghiệp thành lập mới, nâng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn lên 72 doanh nghiệp; thành lập mới 2 hợp tác xã (vượt 100%), nâng tổng số hợp tác xã đang hoạt động lên con số 10 và hiện có 818 hộ đăng ký kinh doanh cá thể; ra mắt 1 nông hội về trồng trọt và chăn nuôi tại làng Kươk (xã Sró) với 23 hội viên. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 630 tỷ đồng (vượt 1,6% Nghị quyết, tăng 3,3% so với năm 2018). Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 22,018 tỷ đồng (bằng 80,77% Nghị quyết).
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được triển khai quyết liệt, đồng bộ; trong đó có công tác xây dựng làng NTM kiểu mẫu trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong năm, các xã đã tập trung tổ chức thực hiện hoàn thành 28/28 tiêu chí đăng ký, đạt bình quân 12,8 tiêu chí/xã, vượt 1,6% so với Nghị quyết; riêng các làng kiểu mẫu NTM đạt bình quân 10,9 tiêu chí/làng.
Quyết tâm giảm nghèo bền vững
Là huyện có hơn 65% dân cư là người DTTS nên công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Những năm gần đây, huyện đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân, đặc biệt là các hộ DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn người dân tham gia các mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các chương trình mục tiêu giảm nghèo được triển khai đồng bộ với nội dung, giải pháp phù hợp.
Qua rà soát, năm 2019, toàn huyện còn 2.735 hộ nghèo (chiếm 23,15%, giảm 6,94% so với cuối năm 2018), trong đó 2.663 hộ nghèo là người DTTS (chiếm 97,37%); 1.214 hộ cận nghèo (chiếm 10,28%, giảm 0,09% so với cuối năm 2018), trong đó có 1.027 hộ cận nghèo là người DTTS (chiếm 84,6%). Mặt khác, huyện còn tập trung tuyên truyền, vận động các hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo. Trong năm đã có 785 lượt hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất; đối với 83 hộ nghèo đủ điều kiện nhưng chưa vay vốn, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để họ vay vốn phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Song song với đó, huyện còn triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với khoảng 670 người (vượt 1,5% Nghị quyết, tăng 3,9% so với năm 2018).
Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
Để đạt được những kết quả trên, điều cốt lõi là phải xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây chính là nhân tố hàng đầu quyết định sự phát triển của địa phương. Theo đó, công tác xây dựng Đảng được huyện chú trọng trên tất cả các mặt gắn với củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Huyện đã thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp, đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm; trong năm đã kết nạp được 126 đảng viên (đạt 100% Nghị quyết). Công tác xây dựng chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có chi ủy được tập trung chỉ đạo. Huyện cũng tập trung chỉ đạo chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VIII; đến nay, 125/131 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở đã hoàn thành tổ chức đại hội.
Đời sống của đồng bào các dân tộc trong huyện đã được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. |
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), huyện đã hoàn thành việc sáp nhập 10 thôn, làng, tổ dân phố theo kế hoạch; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn ổn định bộ máy tại các thôn, làng, tổ dân phố sau sáp nhập. Đến nay, toàn huyện có 74 thôn, làng, tổ dân phố (giảm 38 thôn, làng, tổ dân phố). Công tác dân vận đạt được một số kết quả tích cực; các cơ quan, đơn vị, thôn người Kinh đã hoàn thành việc kết nghĩa với 68 thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn.
Bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội huyện cũng thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng, triển khai một số mô hình mới, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
*
* *
Năm 2020 là năm cuối để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020). Do đó, huyện Kông Chro sẽ tập trung thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; tiếp tục phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định; tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng NTM trên địa bàn. Bảo đảm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh trên tất cả các mặt về chính trị, tư tưởng, tổ chức.
TRẦN CAO NGUYÊN
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện